Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020 diễn ra ngày 7/10/2020; tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt: Triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của Trần Chính Nghĩa. Đây là lần đầu tiên ra mắt một phần của bộ ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Cách đây 2 tháng, 11 Hàng Bông, vốn là “Gác Lưu xá” một thời – tên do “Ông đồ” Vũ Đình Liên đặt cho nơi ở của nhiếp ảnh gia kháng chiến nổi tiếng Trần Văn Lưu. Con trai nhà nhiếp ảnh – anh Trần Chính Nghĩa hiện vẫn đang ở đây.
Sau khi lắng nghe về triển lãm, Trần Chính Nghĩa cho hay, anh có khá nhiều phim chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái nhưng hiện đang ở trong một kho phim khổng lồ chưa được lọc ra. Trong đó có bức “Thiên vấn” (Hỏi trời) nổi tiếng chụp chân dung danh họa với phông nền là bức tranh phố cổ đã được sử dụng để làm logo Giải thưởng, đồng thời đang được in lên tem bưu chính.
Sau đó 1 tuần, Trần Chính Nghĩa gọi điện thông báo đã lọc trong 1 thùng phim mà đã chọn được 101 bức ảnh về Bùi Xuân Phái. Những bức ảnh này đem lại một cảm giác kinh ngạc và đầy sống động về cuộc đời Bùi Xuân Phái từ những năm 1970 đến cuối đời (1988) được hiển bày, dường như ở dưới mọi góc độ. Chủ yếu là xoay quanh quá trình chuẩn bị và diễn biến của cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái, do Hội Mỹ thuật tổ chức ngày 22/12/1984. Bao gồm cả những bức ảnh đời thường của ông khi ông đang vẽ, khi ông đang nghỉ ngơi sau khi hoàn thành các bức tranh... Tác giả của bộ ảnh cho biết để chuẩn bị cho cuộc triển lãm năm 1984, hầu như đều đặn hàng tuần, anh đều đến nhà riêng của họa sĩ Bùi Xuân Phái để chụp lại tranh cho ông.
Khoảnh khắc thất thần của họa sĩ Bùi Xuân Phái ngồi trên gác xép cạnh đống đồ đạc, khi bom đạn chiến tranh rơi trúng mái nhà 87 Thuốc Bắc năm 1972, khiến nhiều bức họa của ông bị rách nát. |
Bức chân dung năm 1987 được chụp khi ông cần chụp một bức ảnh chứng minh thư để dán vào y bạ tại Bệnh viện Việt – Xô. Vì không có tường nào có thể dùng làm phông nền mà chỉ toàn tranh là tranh nên nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa đã chọn nền là bức tranh Chèo của Bùi Xuân Phái để chụp ảnh. Họa sĩ Bùi Xuân Phái tỏ ra rất ưng ý: “Nghĩa chụp hợp quá. Bức ảnh có hồn, không ra ảnh chứng minh thư nhưng làm ảnh dán vào y bạ thì được. Ảnh chụp mình cũng không bị gầy quá”.
Sau khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, bà Phái đã nhờ Trần Chính Nghĩa chọn bức ảnh đẹp để phóng ra chuẩn bị cho tang lễ, và đây chính là bức ảnh được chọn. Bà Phái nói rằng bức ảnh khiến bà nhìn vào bà luôn nghĩ ông vẫn như đang còn sống.
Trong một khoảng thời gian dài, Trần Chính Nghĩa đã chụp hàng nghìn bức ảnh về cuộc đời và các sáng tác của Bùi Xuân Phái, trong đó có những khoảnh khắc trở nên vô giá, tái hiện những hình ảnh đời thường của ông với những buồn vui trong đời, những mối quan hệ của ông... Bên cạnh đó còn bộc lộ được cốt cách của người họa sĩ suốt một đời trăn trở với những hoạt động nhệ thuật. Đối với Trần Chính Nghĩa, họa sĩ Phái là tri kỷ của cha anh - cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, thấy bác Phái đến nhà, hoặc thấy bác Phái đi đâu, hoặc được bác Phái gọi là anh cầm máy ảnh đi chụp. Nhất là khi ông hoàn thành một bức tranh ưng ý là anh cũng được gọi đến đế chụp. Bản thân anh cũng không thể ngờ rằng, đến nay tất cả những gì anh chụp đã trở thành di sản.
Năm 1985, họa sĩ Bùi Xuân Phái được Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội “đặt hàng” vẽ về Văn Miếu – Quốc tử Giám để in báo Tết. Ông đã rủ nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu cùng con trai là anh Trần Chính Nghĩa (tác giả bộ ảnh) đi thực tế ở Văn Miếu để vẽ. |
Những bức ảnh là tình yêu trọn vẹn, sự gắn bó của Bùi Xuân Phái với Hà Nội, một Bùi Xuân Phái với “Trăm năm một tình yêu Hà Nội”, với "Phố Phái" – "Phái Phố".
Họa sĩ thực hiện bối cảnh "Biệt động Sài Gòn" qua đời
Thi hài ông sẽ được hỏa táng vào 14h ngày 31/7 tại Đài hóa thân hoàn vũ Ninh Hải.