Đề xuất cửa hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ sáng gây tranh cãi

Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh và các chuyên gia cho rằng việc áp dụng không mở cửa trước 9 giờ sáng là không hợp lý.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều ngày 27/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh.

Nhiều khả năng thành phố không khuyến khích các cửa hàng không phải lương thực thực phẩm, không bán đồ thiết yếu, các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm... mở cửa trước 9 giờ sáng hằng ngày và không giới hạn thời gian đóng cửa những cửa hàng này. 

Đề xuất cửa hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ sáng gây tranh cãi

Theo ông Chung, các cửa hàng như trên mở cửa từ 6h-8h15 hay 8h30, doanh thu thấp, trong khi chỉ cần mở cửa muộn hơn sẽ giảm được mật độ giao thông giờ cao điểm. Thành phố dự kiến thực hiện điều này đến cuối năm 2020, sau đó sẽ tổng kết và tiếp tục triển khai nếu thấy hiệu quả.

Nhiều hộ kinh doanh, chủ cửa hàng cho biết nhu cầu mua hàng trong đầu giờ sáng không nhiều nhưng không phải tất cả các mặt hàng đều gặp tình trạng này. Nếu TP áp dụng chủ trương như vậy sẽ làm khó cửa hàng, việc kinh doanh buôn bán thường khó đoán trước. Theo họ, nhiều cửa hàng chỉ đông khách vào đầu giờ sáng hoặc chiều nên muốn tranh thủ bán sớm. 

Ông Nguyễn Thế Hùng, kinh doanh vật liệu xây dựng và thiết bị điện nước tại phố An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ nói: “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bây giờ đều chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau, người này cần người kia, mặt hàng này phục vụ mặt hàng khác, nếu cứ phải nhất thiết thay đổi giờ mở, đóng cửa hàng tự nhiên làm khó cho các hộ kinh doanh. Như cửa hàng của tôi, nếu bên xây dựng, lắp đặt không cần thiết về vật liệu và thiết bị để phục vụ công trình thì họ cũng không phải mua hàng sớm làm gì”.

Ngoài các hộ kinh doanh thỉ các tiểu thương, chủ cửa hàng ở chợ đầu mối, trung tâm cũng không đồng tình với phương án này. Họ cho rằng việc thay đổi thời gian mở cửa sẽ ảnh hưởng lớn đến cả người bán và người mua, gây nguy cơ mất mối hàng và làm giảm thu nhập.

Nhiều chuyên gia nhận định việc thay đổi khung giờ là thụ động vì ở giờ cao điểm, việc gia tăng mật độ người và phương tiện thường xảy ra tại các tuyến giao thông chính, các nút giao thông đồng mức chứ không xảy ra ùn tắc tại các khu vực cửa hàng, cửa hiệu.

Vì vậy cần phải xác định rõ thành phần tham gia trong giờ cao điểm, đa phần là người đi làm và người đi học chiếm đến 80%, theo đó việc giữ khoảng cách phòng dịch là bất khả thi. Nếu chỉ là việc hạn chế mở cửa hàng thiết yếu trong khung giờ này lại là việc làm vô ích, nhất là khi mật độ dân cư của thành phố quá lớn, trong khi công sở, trường học và bệnh viện lại quá tập trung ở khu vực nội đô.

Chuyên gia này nhấn mạnh bài toán thay đổi giờ làm giờ học đã được đề xuất nhiều lần nhưng không thực hiện được. Trong bối cảnh dịch bệnh như bây giờ, nếu áp dụng đổi giờ làm, giờ học thì sẽ làm giảm mật độ trong cùng một thời điểm, đảm bảo giãn khoảng cách. Làm được như thế vừa giải quyết được vấn đề an toàn, sức khỏe cho người dân lại vừa tránh được ùn tắc giao thông.

Thanh Mai

Hà Nội đón đợt rét bất thường cuối tháng 4

Hà Nội đón đợt rét bất thường cuối tháng 4

Theo chuyên gia khí tượng thì miền Bắc đang trải qua mưa dông, giá rét bất thường