Đến tận khi ngoài 30, tôi mới nhận ra đây là 3 điều đúng đắn nhất trong tư duy về tiền bạc

Suy nghĩ của chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian và quan điểm về chuyện tiền bạc cũng vậy.

*Dưới đây là những lời chia sẻ của Mộ Bắc - Một người phụ nữ 33 tuổi. Cô mở đầu bài đăng của mình trên Toutiao bằng một câu hỏi mở: Suy nghĩ về tiền bạc của tôi đã thay đổi như thế nào sau 10 năm?

Ở tuổi 33, khi nghĩ lại bản thân mình của 10 năm trước, tôi nhận ra mọi tư duy về tiền bạc khi ấy đều thật phù phiếm. Thời gian và trải nghiệm đã giúp tôi có cái nhìn thực tế, đúng đắn hơn về chuyện tiền bạc. Tôi muốn nhấn mạnh hai từ "thực tế", bởi vốn dĩ, ranh giới giữa thực tế và thực dụng rất mong manh.

Tôi của tuổi 23 đã không nhận thức được ranh giới ấy. Có lẽ, đó chính là lý do tôi đã phải trả những cái giá đắt, trước khi ngộ ra được cách tư duy đúng đắn về tiền bạc, cụ thể là 3 gạch đầu dòng dưới đây.

1 - Khả năng kiếm tiền và trí vượt khó mới là điều đáng quan tâm nhất khi chọn bạn đời

Giống như nhiều cô gái khác, ở tuổi 23, tôi cũng thích hẹn hò với một chàng trai có ô tô riêng, một người không ngại chi tiền triệu cho những buổi hẹn hò, và luôn sẵn sàng tặng đồ hiệu cho tôi vào những dịp đặc biệt.

Nói cách khác, tôi khi ấy chỉ quan tâm đến cái vẻ hào nhoáng bên ngoài, mà chẳng để ý xem liệu người yêu mình có khả năng kiếm tiền, có trí làm giàu và vượt khó hay không. Bạn trai của tôi lúc đó, tiếc thay, lại thuộc nhóm thứ nhất: Người có tiền do cha mẹ giàu có chứ không phải do thực lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng tôi hẹn hò 3 năm, đến năm tôi 26 tuổi thì chia tay vì… bố mẹ anh phá sản. Tôi đã bán tất cả đồ hiệu anh đã tặng để giúp họ có tiền trả nợ. Sau đó, tôi chủ động nói lời chia tay.

Đọc đến đây, nhiều người sẽ nghĩ tôi là cô gái quá tệ bạc. Tôi không phủ nhận điều đó. Người khác có thể vì yêu mà sẵn sàng kết hôn với một người đàn ông đang phải gánh khoản nợ lên tới hàng chục tỷ đồng, còn tôi thì không. Sau mối tình ấy, tôi mới thấm thía rằng khả năng kiếm tiền và trí vượt khó mới là điều đáng quan tâm nhất khi chọn bạn đời.

Chồng tôi bây giờ là một người đàn ông rất bình thường. Anh không có ô tô riêng khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò, càng chưa bao giờ tặng đồ hiệu cho tôi nhưng ở tuổi 33, sau 3 năm kết hôn và cùng nhau kiếm tiền, tiết kiệm, chúng tôi đã tự mua được nhà mà không phải vay ngân hàng hay người thân, bạn bè.

2 - Tiết kiệm là khổ nhưng khổ trước rồi sẽ sướng sau

Cá nhân tôi không tin vào việc một người vừa có thể tiết kiệm, vừa có thể sống thoải mái. Nếu điều đó có xảy ra, có lẽ, động lực tiết kiệm của họ chưa đủ lớn và họ cũng chưa tiết kiệm ở mức tối đa. Tôi của tuổi 23 cũng vậy, tiết kiệm chỉ ở mức vừa đủ để có tiền mua sắm, đi du lịch. Nhưng đến tuổi 30 thì khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong suốt 3 năm sau khi kết hôn, vợ chồng tôi hoàn toàn không mua sắm quần áo mới, không đi du lịch, không ăn ngoài và phương tiện di chuyển luôn là xe bus.

Chúng tôi thực sự đã sống khổ hết mức, để có đủ tiền mua nhà mà không phải gánh bất kỳ khoản nợ nào.

Sau khi có căn nhà của riêng mình, chúng tôi mới bắt đầu đi du lịch, thử tới các nhà hàng được coi là sang trọng một chút vào cuối tuần và mua quần áo mới. Tất cả những việc đó chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng, trước khi chúng tôi tiếp tục quay trở lại lối sống cần kiệm tối đa để có tiền mua ô tô.

Khổ trước, sướng sau chính là vì lẽ đó. Tôi nghĩ mọi quyết định đều có hai mặt và đều là sự đánh đổi, không có gì là toàn vẹn, hoàn hảo cả đâu.

3 - Không chấp nhận được rủi ro mất tiền, tuyệt đối đừng đầu tư

Anh chị em trong nhà - những người từng chứng kiến cuộc sống có phần khắc khổ của vợ chồng tôi trong quá trình tiết kiệm để mua nhà, đều hỏi rằng tại sao chúng tôi không đầu tư chứng khoán hoặc mua vàng để tiền sinh lời nhiều hơn, thay vì chỉ gửi tiết kiệm.

Thực ra, vợ chồng tôi cũng có nghĩ đến việc mang tiền đi đầu tư. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chúng tôi vẫn quyết định nói không với việc này.

Sở dĩ, tôi là giáo viên, hoàn toàn không có kiến thức về kinh doanh, đầu tư. Chồng tôi là dân xây dựng, cũng không khá hơn tôi là mấy trong khoản này. Tiền có thể sinh lời nhiều hơn khi đầu tư, nhưng cũng có thể sẽ bay mất sạch. Đồng nghiệp của tôi và bạn của chồng tôi đều đã từng trải tình cảnh ấy. Chúng tôi nhìn họ và nhìn lại mình, quyết định đi chậm mà chắc còn hơn là chạy nhanh để rồi ngã một cú đau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là những suy nghĩ của tôi về tiền bạc ở độ tuổi U40. Đương nhiên, mỗi người sẽ có một cách tư duy, một quan điểm khác nhau về chuyện này, phân định đúng - sai là điều không nên và cũng không cần thiết.

Trong trường hợp bạn đang không chắc liệu mình có đang tư duy đúng về vấn đề tiền bạc hay không, hãy tự hỏi chính mình: Nếu bây giờ mình không có tiền tiết kiệm, mình cũng chẳng còn việc làm để kiếm ra tiền nữa, liệu những gì mình đang nghĩ và đang thực hành với tiền bạc, có khác đi không?

Đó là câu hỏi cốt lõi giúp tôi có được suy nghĩ thực tế chứ không phải thực dụng về vấn đề tiền bạc. Hy vọng nó cũng sẽ hữu ích với bạn!

Ngọc Linh

Đâm đầu vào tiết kiệm tiền bạc nhưng thứ tài sản này mới là nhân tố quyết định đời bạn có hạnh phúc không

Đâm đầu vào tiết kiệm tiền bạc nhưng thứ tài sản này mới là nhân tố quyết định đời bạn có hạnh phúc không

Bên cạnh tiền bạc, còn một loại tài sản vô hình mà bạn không nên bỏ qua trong quá trình hoạch định tài chính cá nhân.