Điện ảnh Việt: Khán giả đói tiếng cười và những tác phẩm hài chất lượng

Dù đa dạng như trên thế giới hay là chỉ 2 mảng chính, chúng ta vẫn có thể kể ra một vài yếu tố cơ bản tạo ra một tác phẩm hài.

Khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, trong dòng chảy phát triển của điện ảnh Việt, thể loại phim hài tình cảm vẫn luôn là dòng phim chưa bao giờ hết được quan tâm. Cho dù thực tế những tác phẩm hài chất lượng gần như ít và đếm trên đầu ngón tay. Nhưng dù vậy, công chúng vẫn luôn mong chờ và "đói" một tác phẩm hài nội địa thực sự chất lượng và đạt tầm tư tưởng nhất định.

Trên thế giới thì thể loại hài chia ra rất nhiều thể loại: Hài tình cảm, hài đen, hài hành động, hài học đường v.v.v.v. Nhưng ở Việt Nam chúng ta chỉ có hài tình cảm là thể loại hài phát triển lớn mạnh nhất và được nhiều người yêu thích nhất. Có lẽ ở Việt Nam chỉ chia ra 2 phong cách hài lớn. Ở các vùng miền từ Nam Trung Bộ trở vào sẽ ưa thích thể loại hài hình thể vật lý, mang tính chất "giải trí" kiểu "mì ăn liền". Tức là dạng kiểu chọc cười để xả stress theo đúng nghĩa đen. Còn các vùng phía Bắc thì lại chuộng kiểu hài châm biếm, đả kích sâu cay, mang tính phê phán xã hội (một dạng kiểu hài đen nhưng ở mức thấp hơn so với thế giới).

Tuy nhiên sự phân chia này chỉ là tương đối. Vẫn có những nhóm hài phía Nam vẫn đi theo hướng sâu cay của miền Bắc. Và cũng có nhiều nhóm hài miền Bắc vẫn đi theo hướng tung mảng miếng hài để chọc cười khán giả kiểu miền Nam (như nhóm các nghệ sỹ miền Bắc như Quang Tèo, Giang Còi hay Xuân Hinh). Nhưng về cơ bản đây là 2 phong cách hài chủ đạo của 2 miền.

Quang Tèo và Giang Còi
Quang Tèo và Giang Còi

Vậy vì sao một tác phẩm hài thực thụ và chất lượng lại hiếm hoi đến thế, không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí cả trên thế giới? Cùng điểm lại những yếu tố chính tạo nên một tác phẩm mang lại tiếng cười cho khán giả.

Diễn viên

Chúng ta vẫn thường hay nghe nói đến khái niệm: Diễn viên này, diễn viên kia "có tố chất đóng hài”. Vậy "tố chất đóng" hài đó là gì? Đầu tiên phải kể đến hình thể. Không giống như diễn viên đóng thể loại khác, khi lên hình, diễn viên cần phải đẹp, hoặc ít nhất là ưa nhìn, hay còn gọi là có khuôn mặt "điện ảnh". Nhưng ngược lại, ở thể loại hài, những diễn viên đẹp lộng lẫy về cơ bản sẽ rất khó cho ra những tác phẩm hài thành công. Hình thức của diễn viên đóng hài là hầu như phải có cái gì đó "xấu" hoặc không hoàn hảo, hay một nét gì đó phá tướng trên gương mặt hay cơ thể của họ. Để chỉ cần họ xuất hiện thôi, khán giả đã thấy bật cười rồi.

Ví dụ như cố nghệ sĩ Chí Tài đã từng chia sẻ: “Khi bạn là diễn viên hài, công chúng không đặt vấn đề bạn phải đẹp. Ví dụ Thúy Nga, Việt Hương không phải gái xấu, nhưng chắc chắn không phải gái đẹp. Hai cô đó giờ tân trang lại đẹp rồi nhưng nhìn vẫn tức cười. Cho nên nhiều khi nhiều diễn viên hài không dám làm đẹp quá. Vì nó mất cái duyên đóng hài. Giống như Tài làm thẩm mỹ gì thì làm, có thể làm căng cơ da mặt nhưng vẫn phải để 2 cái má phúng phính này. Mất đi là mất cái duyên đóng hài”.

NS Hoài Linh và cố NS Chí Tài
NS Hoài Linh và cố NS Chí Tài

Và quả nhiên ngẫm lại phần lớn các diễn viên hài đều có nét gì đó phá tướng trên gương mặt của mình để gây cười.. Việt Hương hay Hiếu Hiền là chiều cao hạn chế. Vân Dung là khuôn mặt mỏng kiểu lưỡi cày cộng với đôi môi mỏng và hơi cong cớn cộng thêm cái nốt ruồi. Như Quang Thắng là có cái mũi to quá khổ. Lê Dương Bảo Lâm thì có đôi môi dày một cách bất thường. Mạc Văn Khoa thì 2 đôi mắt cách xa nhau và lúc nào trông cũng buồn buồn, dù kể cả anh đang cười hay làm trò gì hài hài đi chăng nữa, thì cái ánh mắt lúc nào cũng buồn buồn đó tạo nên một sự đối nghịch cảm xúc khiến khán giả phải luôn bật cười. Chí Trung hay nữ danh hài Minh Vượng hồi trẻ có thể đẹp. Nhưng khi có tuổi phát tướng thì chuyển qua đóng hài khá là hợp. Hoài Linh hay Tự Long tuy không có nét gì phá tướng gây ấn tượng mạnh nhưng cũng không thể coi là đẹp trai. Trường hợp hiếm hoi là Xuân Bắc có thể coi là có khuôn mặt "dễ nhìn" thì anh nổi tiếng với tư cách là MC hơn là một diễn viên hài.

Đối với điện ảnh quốc tế, nổi tiếng nhất là trường hợp nam diễn viên Rowan Atkinson, người thủ vai Mr Bean trong loạt phim hài đình đám để đời của ông. Đôi mắt cách xa nhau, hơi đờ đẫn trông có vẻ không lanh lợi của ông là một lợi thế để hóa thân thành một diễn viên hài đóng vai Mr Bean ngờ nghệch. Đi kèm với kỹ năng trình diễn hình thể xuất sắc học từ huyền thoại hại Chaplin Charlie (Việt Nam vẫn quen gọi là Sạc-lô). Ánh mắt đờ đẫn không lanh lợi của Mr Bean kết hợp với kiểu chân tay thừa thãi lóng ngóng vụng về đã khiến cho khán giả bật cười mỗi khi Mr Bean chỉ mới xuất hiện trên khung hình.

Mr Bean.
Mr Bean.

Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt. Một diễn viên hài mà chỉ dựa vào hình thể gây cười của mình để gây cười thì họ chỉ tạo ra những tác phẩm hài đại trà dễ cười nhưng cũng dễ quên. Ngược lại, chỉ khi có những vai diễn có chiều sâu, để đằng sau tiếng cười đó chúng ta có một thông điệp ý nghĩa hơn thì mới tạo ra một tác phẩm thực sự lớn lao và sâu sắc.

Như nhân vật chị Hội của Thái Hòa trong "Để mai tính". Nhân vật hài này còn nổi bật đến nỗi từ một nhân vật phụ của "Để mai tính, tác giả đã dành hẳn một phần 2 để nói về nhân vật thú vị này mang tên “Để Hội tính”. Một tác phẩm mà đằng sau những mảng miếng cười hình thể được trình diễn một cách đầy xuất sắc và tinh tế đó, chúng ta vẫn thấy nội tâm nhiều nỗi buồn về thân phận của con người ẩn dưới vỏ bọc một nhân vật đồng tính luôn nói nói cười cười như Hội. Đây có thể coi là một ví dụ thành công của phim hài Việt.

Hoạt ngôn và tài ứng biến với tình huống

Một trong những kỹ năng quan trọng của diễn viên đóng hài đó là sự hoạt ngôn và phản xạ với tình huống tốt. Kể cả khi kịch bản hài được viết bởi một biên kịch giỏi thì nếu diễn viên hài không thoại tốt thì sẽ phá hủy hoàn toàn kịch bản. Thoại tốt đôi khi là do tốc độ nói để thể hiện sự hoạt ngôn. Dù có nói nhanh cũng vẫn phải đảm bảo khán giả nghe và hiểu được mình nói gì. Và đôi khi phải biết nhấn trọng tâm và những chỗ miếng hài đắt giá.

Đối với thể loại hài đen, đả kích phê phán xã hội thì có khi lại cần nói chậm lại để thời gian cho khán giả ngẫm nghĩ  một lúc và hiểu được sâu cay phê phán trong đó thì khán giả mới cười được. Nếu tốc độ thoại quá nhanh sẽ phá hủy hoàn toàn tác phẩm hài. Ví dụ như nhóm hài Quang Tèo Giang Coi là minh chứng rõ ràng nhất của việc nói to và nói nhanh liên tục khiến khán giả không kịp cảm nhận gì để cười cả. Nếu nghe quá nhiều chỉ thấy giống như đang cãi nhau. Tình trạng này cũng diễn ra ở khá nhiều nhóm hài khác.

Và kỹ nặng thoại này đôi khi còn nằm ở âm sắc của diễn viên. Điều này cũng tạo ra cái duyên đóng hài của nghệ sĩ. Đôi khi âm săc này có thể là tự nhiên như kiểu nói âm lượng lớn của Việt Hương hay giọng nói đậm chất miền quê bắc bộ của Mạc Văn Khoa, hay giọng nói hơi ngạt mũi  1 tí của Quang Thắng.

Nhưng đôi khi có thể là do kỹ năng đài chữ và bóp giọng của diễn viên khi nhập vai. Ví dụ như vai "Cô Đẩu" của Công Lý. Ai cũng biết giọng thật của diễn viên Công Lý là trầm và nam tính. Nhưng vào vai Cô Đẩu là anh đã phải đổi màu giọng của mình trở nên the thé nghe chua ngoa đanh đá gay gắt để hợp với kiểu nhân vật luôn bóc mẽ vạch trần những tiêu cực của các Táo lên chầu trời. Hay như diễn viên Hoài Linh thì nổi tiếng với các màn giả giọng các vùng miền.

Đỉnh cao như nhân vật Minions, biên kịch còn sáng tạo ra một loại ngôn ngữ riêng. Là một sự pha trộn giữa tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Indo, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc trộn lẫn vào với nhau. Tạo ra 1 ngôn ngữ vừa quen thuộc vừa quái dị khiến không ai hiểu chúng đang nói gì để đoán được chúng sắp làm gì tiếp theo. Và điều đó dẫn đến yếu tố thứ của 1 tác phẩm hài hay. Đó là…

Kịch bản

VÀ sau tất cả, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của một tác phẩm, không gì khác chính là kịch bản. Nếu không có kịch bản tốt thì dù chúng ta có những diễn viên có hình thể đặc sắc để gây cười hay kỹ năng thoại nhấn nhá tốt đến đâu cũng khó có thể làm khán giả cười. Hoặc họ chỉ cười nhạt trong chốc lát và rồi sẽ không đọng lại gì khi khán giả bước ra khỏi rạp.

Chúng ta đều biết yếu tố bất ngờ là điều khiến chúng ta bật cười. Các kịch bản phim hài thành công sẽ luôn lừa khán giả đi theo cái lối mòn suy nghĩ này rồi bất ngờ rẽ hướng lám khán giả không ngờ tới rồi bật cười. Ví dụ như các nhân vật Minions luôn khiến chúng ta bật cười vì chúng ta không bao giờ hiểu chúng đang nghĩ gì trong đầu, và chúng nó sắp làm trò điên khùng gì tiếp theo. Thậm chí việc đoán xem chúng đang nói gì cũng đã đủ thử thách và bật cười rồi.

Hay như các tác phẩm hài của Châu Tinh Trì là liên tiếp các bất ngờ không ngờ đến. Ví dụ như bà cô nội trợ với các quấn lô trên đầu, một ông sợ vợ, hay một thợ may đồng tính với quần lót của nữ màu đỏ ở trong v.v.v.v đều có thể là những cao thủ võ lâm. Lúc chiến đấu ngầu là thế, mà hết đánh nhau là ngay lập tức trở về với kiểu ẻo lả bình thường. Khiến khán giả liên tiếp đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và không ai dám đoán tiếp điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Châu Tinh Trì.
Châu Tinh Trì.

Cho nên yếu tố gây bất ngờ là kỹ năng cần có của một biên kịch phim hài. Không giống như trong chính kịch chúng ta chỉ cần 1 thậm chí đến 2 yếu tố bất ngờ trong phim đã là đủ. Nhưng với phim hài là phải liên tục gây bất ngờ thì mới thành phim hài hay được. Và những điều bất ngờ này phải không lặp lại. Vì chỉ cần lặp lại ba lần liên tiếp là khán giả sẽ thấy nhàm và không thể cười nữa. Cho nên nếu không có một kịch bản tràn ngập yếu tố bất ngờ, bạn sẽ không bao giờ có một tác phẩm hài trọn vẹn. Dù bạn có những diễn viên hài có hình thể chuẩn diễn viên hài hay kỹ năng thoại tốt đến đâu đi chăng nữa.

Điện ảnh Việt (không chỉ phim hài) luôn thiếu những biên kịch giỏi. Điều này lý giải vì sao cũng những diễn viên, bối cảnh đấy, thiết bị đấy. Chỉ cần "mượn" kịch bản Hàn Quốc remake là chúng ta có ngay những bộ phim từ trung bình khá cho đến xuất sắc. Đó là một câu hỏi lớn cho đội ngũ biên kịch nước nhà!

Nguyễn Đình Lâm

WHO: Hiện tại là thời điểm chấm dứt đại dịch COVID-19

WHO: Hiện tại là thời điểm chấm dứt đại dịch COVID-19

Ngày 14/9, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.