Diễn viên phim “Phong hậu” làm Chủ tịch BGK hạng mục phim Châu Á -DANAFF

Diễn viên phim “Phong hậu” - bộ phim đang được yêu thích trên Netflix sẽ ngồi ghế Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục phim Châu Á - ( DANAFF)

 Diễn ra từ ngày 9-13/5, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF) quy tụ những gương mặt “đắt giá” của điện ảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngồi ghế giám khảo. Trong số này, diễn viên người Hàn Quốc Moon So Ri giữ vai trò Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục phim châu Á. Đây là hạng mục phim dự thi quan trọng tại Liên hoan phim, gồm 12 phim dự thi: Tro tàn rực rỡ, Những đứa trẻ trong sương (Việt Nam); Thế chiến 3 (Iran); Tòa nhà trắng( Pháp, Đức, Bỉ, Italy, Cambodia), Muru (New Zealand); Người môi giới (Hàn Quốc); Soi gương (Ấn Độ, Cộng hòa Liva, Hàn Quốc); Gangwon-do (Hàn Quốc); Người thân xa lạ ( Nhật Bản); Joland (Pakistan), Abenida (Philippines) và Giáo sĩ Qodrat (Indonesia).

Diễn viên Moon So Ri được chọn giữ chức Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục Phim châu Á vì đoạt nhiều giải thưởng trong gần 25 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Diễn viên Moon So Ri được chọn giữ chức Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục Phim châu Á vì đoạt nhiều giải thưởng trong gần 25 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Theo T.S Ngô Phương Lan, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng, Moon So Ri được chọn giữ chức Chủ tịch Ban Giám khảo hạng mục Phim châu Á vì đoạt nhiều giải thưởng trong gần 25 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Thông tin Moon So Ri sang Việt Nam làm giám khảo khiến các “mọt phim” thích thú. Bởi, cô đang nổi như cồn với vai nhà hoạt động nữ quyền Oh Kyung Sook trong bộ phim Phong hậu của điện ảnh Hàn Quốc, đứng đầu danh sách chương trình không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên Netflix.

Diễn xuất của Moon So Ri trong phim
Diễn xuất của Moon So Ri trong phim "Phong hậu"

Đây không phải lần đầu tiên Moon So Ri đến Việt Nam. Năm 2016, Moon So Ri  đến Đà Nẵng dự chương trình Gặp gỡ mùa thu – do đạo diễn Phan Đăng Di sáng lập – với vai trò khách mời.

Xinh đẹp, tài năng, ở tuổi 49 Moon So Ri vẫn là một gương mặt “tài sắc vẹn toàn” của điện ảnh xứ Kim Chi. Vào nghề năm 1999 khi 25 tuổi, phim dài đầu tiên Moon So Ri được giao vai chính là Peppermint Candy của đạo diễn Lee Chang Dong. Tác phẩm chiếu mở màn Liên hoan phim Busan 1999 và đoạt giải Phim hay nhất- giải Grand Bell Awards do Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc trao tặng.

Năm 2000, Moon So Ri  giành giải Nữ diễn viên mới xuất sắc tại Liên hoan phim Venice lần thứ 57 với vai người phụ nữ bại não Han Gong Ju trong phim Oasis do Lee Chang Dong đạo diễn. Cô là diễn viên Hàn Quốc đầu tiên được mời làm Giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 73 năm 2016.

Moon So Ri là diễn viên tài sắc vẹn toàn
Moon So Ri là diễn viên tài sắc vẹn toàn

Sau gần 20 năm làm diễn viên, Moon So Ri lần đầu tiên đảm nhận vai trò biên kịch và đạo diễn bộ phim The Running Actress. Đây là bản tự truyện về một nữ diễn viên vật lộn với sự nghiệp, cuộc sống gia đình và nhận thức công chúng. The Running Actress là hợp tuyển ba phim ngắn mà Moon So Ri đã làm  khi học Khoa Nghệ thuật và Công nghệ Đại học Chung Ang trong chương trình thạc sĩ của cô. Moon So Ri cũng tham gia diễn xuất chính trong phim này. Nói về The Running Actress, Moon So Ri cho biết, cô rất giống với nhân vật chính trong  phim, hài hước và có cái nhìn lạc quan với mọi vấn đề. “Vào dịp kỷ niệm 10 năm kết hôn, tôi đã hỏi chồng tôi (đạo diễn Jang Joon Hwan) có hối hận hay không. Rất hay là chồng tôi thích tính hài hước của tôi. Có thể tôi không nấu ăn ngon, nhưng tôi tin vợ chồng tôi có những cuộc trò chuyện đầy ắp tiếng cười”- Moon So Ri chia sẻ.

The Running Actress  đã đem đến cho Moon So Ri giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Giải thưởng Phim Buil (Hàn Quốc) lần thứ 27. Năm 2018, cô nhận giải Thành tựu trọn đời Halekulani Liên hoan phim quốc tế Hawaii.

Tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất, đạo diễn Jang Joon Hwan-chồng của  Moon So Ri  sẽ  đồng hành cùng cô trong các sự kiện.

Nguyệt Nhi

Phụ nữ trong phim Hàn Quốc

Phụ nữ trong phim Hàn Quốc

Các chuyên gia cho rằng phụ nữ có vai trò rất mờ nhạt và chịu nhiều thiệt thòi trong phim điện ảnh Hàn Quốc. Truyền thống này khó có thể thay đổi.