Điều gì xảy ra nếu nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia phát nổ?

Trong khi một vụ nổ không phải là không thể xảy ra, các chuyên gia cho rằng mối quan tâm lớn nhất là sự cố rò rỉ phóng xạ có thể xảy ra do hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraina.

Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra báo động về các vụ pháo kích đang diễn ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (Ukraina) hiện do Nga kiểm soát và cho rằng tình hình hiện tại có nguy dẫn đến "thảm họa hạt nhân".

Cả Nga và Ukraina đều cáo buộc nhau lẫn nhau về các vụ tấn công trong khi IAEA kêu gọi các bên kiềm chế tối đa các cuộc giao tranh xung quanh khu vực này.

Điều gì xảy ra nếu nhà máy hạt nhân của Ukraina phát nổ? - Ảnh 1.

Một quân nhân với cờ Nga trên quân phục đứng gác gần Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở đâu và tại sao lại quan trọng?

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và nằm trong số 10 nhà máy lớn nhất thế giới. Nhà máy này tạo ra một nửa năng lượng có nguồn gốc từ hạt nhân của Ukraina.

Nhà máy có tổng công suất khoảng 6.000 MW, đủ sử dụng cho khoảng 4 triệu ngôi nhà.

Nhà máy nằm ở thảo nguyên miền Nam Ukraina trên sông Dnepr, cách thủ đô Kyiv của Ukraina khoảng 550 km (342 dặm) về phía Đông Nam và cách Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986, khoảng 525 km (325 dặm) về phía Nam.

Hiện tại, nhà máy được vận hành bởi các nhân viên Ukraina nhưng các đơn vị quân đội Nga quản lý cơ sở này.

Theo IAEA, nhà máy này có 6 lò phản ứng làm mát bằng nước do Nga thiết kế chứa uranium 235, mỗi lò có công suất thực là 950 MW. Với 1 MW công suất sẽ cung cấp năng lượng cho 400 đến 900 ngôi nhà trong một năm.

Điều gì xảy ra nếu nhà máy hạt nhân của Ukraina phát nổ? - Ảnh 2.

Nhà máy Zaporizhzhia cũng nằm cách Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014, khoảng 200 km (125 dặm).

Hôm thứ Ba, nhà điều hành Ukraina Energoatom cho biết các lực lượng Nga chiếm đóng khu vực này và đang chuẩn bị kết nối nhà máy với lưới điện Crimea.

Michael Black, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Hoàng gia Anh nói với Al Jazeera rằng: "Mối quan tâm chính là việc kết nối nhà máy với lưới điện Crimea có thể làm gián đoạn nguồn điện cho các lò phản ứng. Bạn cần nguồn điện đó để cung cấp khả năng làm mát cho các lò phản ứng. Miễn là các máy phát điện đó hoạt động, thì mọi thứ đều ổn".

"Thật đáng khích lệ khi thấy rằng người Nga muốn sử dụng điện, điều này ngụ ý rằng họ không muốn làm hỏng nhà máy phát điện", ông nói thêm.

IAEA đã nói gì?

Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc của IAEA mô tả tình hình hiện tại là "hoàn toàn mất kiểm soát" trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press vào tuần trước.

Mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân đều đã vi phạm tại nhà máy, Grossi nói. "Những gì đang diễn ra là cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm".

Trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết tính toàn vẹn vật lý của nhà máy không được tôn trọng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, vì vậy không chắc nhà máy đã nhận được những gì cần nhất.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Ba, Grossi cho biết ông đang chuẩn bị thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an toàn hạt nhân trong nhà máy vào thứ Năm.

IAEA đã cố gắng trong nhiều tháng để cử một đoàn thanh tra tới nhà máy hạt nhân nhưng không thành công.

Cơ quan giám sát cũng cho biết hôm thứ Ba rằng Ukraina đã thông báo cho IAEA về việc khôi phục một đường dây điện có thể được sử dụng để cung cấp điện cho nhà máy này  từ một nhà máy nhiệt điện gần đó nếu cần.

Đường dây điện bên ngoài này là cần thiết để bảo vệ hệ thống làm mát thích hợp của nhà máy.

Grossi đã vạch ra nhu cầu về nguồn cung cấp điện an toàn bên ngoài như một trong 7 trụ cột an toàn hạt nhân khi bắt đầu cuộc xung đột.

Liệu nhà máy có thể phát nổ và hậu quả sẽ như thế nào?

Ross Peel, Giám đốc nghiên cứu và chuyển giao kiến thức của Trung tâm nghiên cứu khoa học và An ninh tại Đại học King's College Anh, cho biết: "Những gì chúng ta có ở đây với sự tham gia của quân đội. Nếu nhiều yếu tố kết hợp với nhau thì một vụ nổ có thể xảy ra".

"Rất khó để nói liệu điều này có xảy ra hay không và hậu quả có thể rất tồi tệ. Nó phụ thuộc vào việc vụ nổ xảy ra như thế nào", ông nói thêm.

Có những lo ngại về các cuộc pháo kích xảy ra xung quanh nhà máy và có khả năng làm hỏng cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các lò phản ứng.

MV Ramana, nói rằng "Các lò phản ứng cần được làm mát liên tục bằng nước".

"Nếu dòng nước đó bị cắt theo một cách nào đó, thì lò phản ứng có thể mất khả năng làm mát, nhiên liệu sẽ bắt đầu tan chảy. Điều này sẽ tạo ra áp lực cao và có thể phát nổ", ông nói thêm.

Điều gì xảy ra nếu nhà máy hạt nhân của Ukraina phát nổ? - Ảnh 3.

Nhà máy Zaporizhzhia được vận hành bởi các nhân viên Ukraina, nhưng các đơn vị quân đội Nga bảo vệ nhà máy.

Ngay sau khi một vụ nổ xảy ra, chúng ta có thể thấy các cuộc sơ tán trên diện rộng do một đám mây phóng xạ vô hình gây ra. Tuy nhiên, tác động của rò rỉ phóng xạ có thể sẽ được cảm nhận trong nhiều năm tới.

"Hàng trăm nghìn người phải ra khỏi khu vực đó", Ramana chia sẻ.

Vụ nổ có thể gây ngộ độc bức xạ cấp tính hoặc ung thư có thể gặp sau đó.

"Những người tiếp xúc với lượng nhỏ phóng xạ này vẫn có thể bị ngộ độc cấp tính và sau đó sẽ hồi phục. Điều này xảy ra trong vài ngày đến vài tuần hoặc có thể vài tháng. Đối với những người tiếp xúc với mức độ phóng xạ thấp hơn, nhiều trường hợp gây ung thư và có thể kéo dài trong những năm tiếp theo đến hàng thập kỷ", ông nói thêm.

Những tình huống xấu có thể xảy ra?

Thay vì một vụ nổ lõi lò phản ứng, các chuyên gia lo ngại hơn về thiệt hại đối với các hệ thống làm mát bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và các lò phản ứng. Nếu việc làm mát không thành công điều này có thể dẫn đến sự tích tụ nhiệt không kiểm soát gây nóng chảy và hỏa hoạn có thể giải phóng và phát tán bức xạ.

Amelie Stoetzel nói rằng: "Chúng có thể tạo ra phóng xạ, không nhất thiết là một vụ nổ".

"Không thể đoán trước được, chúng tôi thực sự không biết rằng chất phóng xạ này sẽ như thế nào, điều này còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết".

Do vị trí địa lý của nhà máy, một lượng phóng xạ có thể tấn công bất kỳ khu vực nào của lục địa châu Âu.

Nhìn chung, các chuyên gia nhấn mạnh rằng khó có thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào trong giai đoạn này.

Điều chắc chắn duy nhất mà chúng tôi thực sự có là hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân gây ra rủi ro cho nhà máy, Ross nói.

Nếu có rò rỉ bức xạ, điều gì xảy ra tiếp theo?

Nếu xảy ra rò rỉ, các chuyên gia mong muốn có việc sơ tán ngay lập tức nhưng điều này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ sở y tế.

Stoetzel nói: "Khi xảy ra các vụ nổ phóng xạ, có rất nhiều người xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc phóng xạ, mặc dù họ chưa bị phơi nhiễm nhưng điều này gây sợ hãi và hoang mang".

Các chuyên gia cũng cho rằng việc sơ tán trong vùng chiến sự sẽ đi kèm với những phức tạp riêng. Rất nhiều người đã rời khỏi khu vực này nhưng vẫn còn rất nhiều người khác bị bỏ lại.

Vì vậy, sẽ có rất nhiều người đổ xô đến các bệnh viện, đó sẽ là một vấn đề lớn và sẽ có sự nhầm lẫn, trong một cuộc chiến tranh đang diễn ra thì việc sơ tán người dân là vô cùng khó khăn

Theo các chuyên gia, đối với nhiều người nỗi sợ hãi về bức xạ có thể nguy hiểm hơn bản thân bức xạ.

"Chúng tôi có thể thấy sự gia tăng số bệnh nhân vì các triệu chứng tâm lý liên quan đến suy nghĩ rằng bức xạ có thể đã bị rò rỉ từ một nhà máy điện hạt nhân gần đó".

"Hiện tại, vấn đề nan giải nhất đối với chính phủ là làm thế nào để đối phó với một số lượng lớn bệnh nhân", cô nói thêm.

Trong trường hợp nổ hoặc hỏa hoạn, rò rỉ bức xạ có thể dẫn đến "thảm họa lâu dài".

"Đó không phải là thứ mà khi tiếp xúc với bức xạ này, ngay lập tức ngã xuống và chết. Nhưng sẽ gây ra một số tổn thất tâm lý rất lớn, ngay trên tâm lý của chính cuộc chiến", Ramana nói.

(Nguồn: AL JAZEERA)

TRUNG HIẾU