Doanh nghiệp ngoại kiến nghị NHNN bỏ trần tín dụng và lãi suất tiền gửi USD

Cùng với các kiến nghị xung quanh việc phân bổ tín dụng cho các ngân hàng, nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bỏ trần lãi suất huy động USD đang ở mức 0% để giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp FDI, cũng như ngăn "chảy máu" ngoại tệ.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam, Trưởng nhóm Banking Group (BWG) cho biết, các thách thức của năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ thế giới với các cú sốc địa chính trị và kinh tế, lạm phát gia tăng trên quy mô toàn cầu và thắt chặt tiền tệ, các biến động khác như xung đột Ukraina/Nga.

Nội tại nền kinh tế, áp lực lạm phát tăng cao, tỷ giá tăng, hoạt động tín dụng. Cùng với đó, tác động từ các biến động trên thị trường tài chính và bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, thanh khoản, nhu cầu tín dụng so với rủi ro và kiểm soát tỷ lệ an toàn ngân hàng của ngân hàng là những thách thức nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Doanh nghiệp ngoại kiến nghị NHNN bỏ trần tín dụng và lãi suất tiền gửi USD - Ảnh 1.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam, Trưởng nhóm Banking Group (BWG).

Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bà Michele We cho hay, các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường đã đặt ra một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn và có thể dẫn đến biến động hệ thống tài chính trong ngắn hạn.

Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính.

Bà Michele Wee đã nhấn mạnh 4 điểm quan trọng để ngành tài chính và ngân hàng có thể hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, NHNN và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam bền vững.

Thứ nhất, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh triển khai Số hóa gắn với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và chương trình chuyển đổi số hướng tới tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu. Việc đồng bộ hóa các quy định cũng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy toàn diện quá trình số hóa, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN…) để hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro liên quan đến an ninh mạng.

"Định danh điện tử, xác thực điện tử, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ưu tiên cho phép thực hiện toàn bộ quy trình eKYC, công nhận chữ ký điện tử/định danh điện tử trong các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu cụ thể", bà Michele Wee nói.

Thứ hai, tăng trưởng xanh. Ngành tài chính - ngân hàng cần phối hợp với các doanh nghiệp hướng tới thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tiến trình này sẽ tăng tốc khi các đối tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) tiếp tục làm việc để tạo điều kiện lưu chuyển dòng tài chính khu vực tư nhân JETP sẽ cần trao đổi với NHNN để hướng dẫn các ngân hàng.

Doanh nghiệp ngoại kiến nghị NHNN bỏ trần tín dụng và lãi suất tiền gửi USD - Ảnh 2.

Ảnh: Như Ý.

Thứ ba, lĩnh vực bất động sản/thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các dấu hiệu suy yếu trong tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đặt ra một thách thức đối với nguồn vốn của doanh nghiệp dẫn đến sự biến động của hệ thống tài chính trong ngắn hạn. Do đó, Chính phủ cần đề ra một kế hoạch phục hồi thị trường với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và NHNN để bảo đảm hoạt động an toàn của hệ thống tài chính, theo Tinnhanhchungkhoan.vn.

Cuối cùng, động lực tăng trưởng (bao gồm cả kiểm soát tín dụng). Mặc dù lạm phát của Việt Nam đã được kiềm chế cho đến nay, những áp lực về giá cả vẫn là một thách thức lớn trong năm 2023. Do đó, bà Michele Wee kiến nghị NHNN luôn thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng nội tệ (VND), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và dự trữ ngoại hối nhằm mục tiêu đảm bảo ổn định tài chính.

Bà Michele Wee nói: "Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục phân bổ tăng trưởng tín dụng hợp lý cho các ngân hàng tốt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam với những định hướng rõ ràng, phù hợp với sự phát triển của nhu cầu tài chính tiêu dùng".

Liên quan đến phân bổ tín dụng, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát tốc độ tăng tín dụng của từng ngân hàng dựa trên các công cụ khác thay vì biện pháp hành chính.

"Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bỏ dần kiểm soát hành chính trong việc thiết lập hạn mức tăng trưởng cho toàn hệ thống ngân hàng và thay vào đó là sử dụng công cụ khác như kiểm tra sức chịu đựng để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Tổ chức tài chính nên được giám sát dựa trên các tỷ lệ đảm bảo an toàn, công cụ này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc quản lý lĩnh vực này, đồng thời có đủ tính linh hoạt cho các ngân hàng có mức tài sản thấp và danh mục đầu tư chất lượng cao", AmCham kiến nghị.

Trong khi đó, phía KoCham và BritCham kiến nghị bỏ quy định lãi suất tiền gửi USD 0% đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì nhiều năm qua.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) lý giải, do quy định lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lãi suất 0%) có hiệu lực từ tháng 12/2015, các công ty hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi USD, theo Dân Việt.

Trong khi đó, các công ty sản xuất của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thường nhập khẩu nguyên liệu thô từ bên ngoài Việt Nam và sau đó xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Vì vậy việc giữ một mức ký quỹ nhất định bằng đô la Mỹ là điều cần thiết.

Theo KoCham, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất (0,25 - 4,50%) vào năm 2022 và các đợt tăng tiếp theo vào năm 2023, lãi suất cao dự kiến sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian đáng kể, chi phí cơ hội của tiền gửi USD đối với các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh.

"Chúng tôi đề nghị bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi USD (lãi suất tối đa 0%) đối với các doanh nghiệp đang gửi USD hoặc đầu tư trực tiếp (FDI) của tiền gửi USD ở một quy mô nhất định hoặc trên một quy mô nhất định nhưng vẫn tuân thủ nền tảng và mục đích của các quy định liên quan", ông Hong Sun kiến nghị.

(Tổng hợp)

AN LY