Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm

Từ đầu năm 2020 đến nay, tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm 17%.

Những ngày qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ; riêng Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 9-11 đến 15-12 đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại nước ta. Trung bình, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên nhưng  tỷ lệ người trẻ và người trung niên ngày càng nhiều.

Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm

Tháng 11 - 12, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi, có bệnh nhên mới 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. 

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm: Bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, lạm dụng rượu, bia… 

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) thông tin thêm, đột quỵ não trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi nhưng hiện có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, với mức tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), lý do là người trẻ thường chủ quan, khi bệnh viện muộn đã làm mất đi “thời gian vàng” để xử lý.

“Với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn khuyến cáo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng người trẻ tuổi không nên chủ quan, không được lạm dụng rượu, bia. Đặc biệt nếu uống rượu bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu (do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm) làm huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ. 

Cần phát huy các thói quen lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia… Khi có biểu hiện của đột quỵ, như: Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói khó… cần thăm khám sớm nhất có thể ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Thanh Mai

Đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ có đúng không?

Đứng một chân kiểm tra nguy cơ đột quỵ có đúng không?

Bác sĩ cho rằng y văn chưa hề ghi nhận phương pháp tầm soát đột quỵ nào như trên.