Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội hoài nghi ACV

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Có phải chỉ ACV đủ năng lực

Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Báo cáo nghiên cứu khả thi cho rằng “ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền”. Theo đại biểu tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành là chưa thoả đáng. Ông nêu hiện chỉ có 8 trong 21 sân bay nội địa thu đủ chi và có lãi, tức là 13 sân bay còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần. 

Đại biểu Thành đề nghị làm rõ việc huy động vốn 11 tỷ USD để làm sân bay Long Thành giai đoạn tiếp theo. 

Đại biểu Lạng Sơn cũng băn khoăn về việc xác định tổng mức đầu tư. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nêu tổng mức là 16 tỷ USD, trong giai đoạn 1 này xác định là 4,8 tỷ USD. Hiện chưa có con số khái toán tổng đầu tư cho cả 3 giai đoạn là bao nhiêu.

“Với số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD có thể huy động được các nguồn vốn khác, nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo khả năng sẽ như thế nào? Đề nghị làm rõ hơn. Nếu không thu xếp được vốn thì đồng nghĩa chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của công trình”, đại biểu nêu băn khoăn.

Nhiều đại biểu khác cũng không đồng tình việc Chính phủ đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục chính. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, giao ACV tiết kiệm được 1,5 năm đấu thầu, "nhưng chưa chắc rút ngắn toàn bộ quá trình đầu tư ". 

Đồng thời, ông Cường thấy "chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm". Theo ông có nhiều dự án và tư nhân chưa có kinh nghiệm vẫn thành công, điển hình là sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). 

"Nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng nếu xảy ra rủi ro thì vẫn phải gánh chịu bởi đây là một doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực vốn lớn luôn luôn sẵn sàng", ông Cường phát biểu. 

Đáp lại những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và "khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành". Mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp. 

Vì sao Long Thành đắt hơn các nơi khác

Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành so sánh tổng mức đầu tư Long Thành với các sân bay quốc tế khác. Ông dẫn chứng, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) khánh thành năm 2019, thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hoá, vốn đầu tư chỉ 11,5 tỷ USD. Sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD. Trong khi đó, sân bay Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mà vốn đầu tư là 16 tỷ USD.

Đại biểu Thanh Hoá Mai Sỹ Diến cũng cho rằng chưa có cơ sở để Quốc hội ra nghị quyết là tổng mức đầu tư dự án không được vượt 111.000 tỷ đồng khi Hội đồng thẩm định quốc gia chưa kết luận. Hơn nữa, ngày 7/10, Chính phủ mới ban hành tờ trình dự án, Quốc hội chỉ có 10 ngày thì không đủ để nghiên cứu kỹ hồ sơ báo cáo khả thi.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cảnh báo, Long Thành là dự án có ý nghĩa hệ trọng với an toàn kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước trong thế kỷ 21: "Dự án này nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án trùm mền, đắp chiếu đang tồn tại", ông nói. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng suất đầu tư tại sân bay Long Thành đang rất cao. Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách/năm (bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách). Sân bay Sydney ở Australia có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.

“Đây là con số chúng ta cần tham khảo. Nếu như tình hình gần đây giá cả có thể tăng lên nhưng nhất thiết phải bảo đảm hiệu quả. Do đó phải nghiên cứu lấy ý kiến các chuyên gia”, ông nói.

 Một số khác đề xuất cần lấy ý kiến nhân dân và tổ chức họp bất thường để xem xét.

Trả lời các đại biểu sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài để thẩm tra độc lập dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. 

Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có. Tổng đầu tư của sân bay Long Thành dự kiến lên đến 16 tỷ USD.  

TH

Quốc hội bàn về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành

Quốc hội bàn về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành

Sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1