Dự báo lỗ hơn 15.000 tỷ đồng vì COVID-19, Vietnam Airlines sẽ bán gần 10 máy bay

Vietnam Airlines đang nỗ lực cắt giảm chi phí, đàm phán nợ, lên kế hoạch bán gần chục máy bay trước tình hình khủng hoảng vì COVID-19.

6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ sau thuế hơn 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch lỗ mà hãng hàng không quốc gia ước tính trong năm 2020.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự báo lỗ hợp nhất của năm nay lên đến gần 15.200 tỷ đồng, tức nửa cuối năm, số lỗ sẽ thêm khoảng 8.500 tỷ đồng vì đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh.

“Tổng công ty đang phải nỗ lực thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản, và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu, hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng”, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Thị trường hàng không quốc tế tăng trưởng theo hình chữ L

Theo tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 diễn ra vào ngày 10/8 tới, ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhận định thị trường vận tải hàng không năm nay rơi vào khủng hoảng sâu vì dịch bệnh COVID-19 .

Dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ vì COVID-19. Ảnh: VNA.
Dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ vì COVID-19. Ảnh: VNA.

Về thị trường hàng không quốc tế và thuê chuyến, Vietnam Airlines nhận định mô hình phục hồi dự báo theo hình “chữ L dài”, vì COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới, cùng tâm lý lo ngại của khách du lịch.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dự định sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay đi châu Âu và Úc trong cả năm nay. Riêng khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, hãng có kế hoạch khai thác trở lại từ tháng 10, với tần suất hạn chế từ 3-5 chuyến mỗi tuần, và bắt đầu khai thác ổn định dần vào tháng cuối cùng của năm. 

Tính chung cả năm 2020, Vietnam Airlines dự báo tổng lượng khách thị trường quốc tế hãng vận chuyển ước chỉ 2 triệu lượt, chưa bằng con số lẻ thực hiện năm 2019.

Về thị trường nội địa, hãng cho rằng có dấu hiệu phục hồi nhanh, nên sẽ liên tiếp mở đường bay mới và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi kích thích nhu cầu đi lại của người dân. 

Vietnam Airlines sẽ điều tiết hợp lý mức tải cung ứng và giá bán cho thị trường nội địa nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác tổng mạnh. Hãng cũng có kế hoạch khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Theo kế hoạch trình đại hội, năm 2020, Vietnam Airlines sẽ vận chuyển 14,5 triệu lượt khách, giảm 37% so với cùng kỳ; khách luân chuyển dự kiến giảm 57%, còn 16,2 tỷ khách/km. Sản lượng hàng hóa ước tính năm 2020 là 204.800 tấn.

Không chia cổ tức, tích cực đàm phán nợ

Trình bày rõ hơn về các chỉ tiêu tài chính và dòng tiền trong năm 2020 của công ty mẹ, Vietnam Airlines cho biết tổng doanh thu công ty mẹ năm nay ước giảm 56%, tương ứng 42.158 tỷ do COVID-19 ảnh hưởng nhu cầu đi lại của người dân, làm giảm doanh thu vận tải hàng không.

Dù hãng chủ động thực hiện nhiều giải pháp để “vượt bão” từ sớm, nhưng công ty mẹ vẫn ước lỗ 14.487 tỷ đồng. 

Theo tính toán của Vietnam Airlines, số dư tiền tính đến cuối năm của hãng chỉ còn 397 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2019 lên đến 4.185 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, gấp 6 lần so với năm 2019.

Kế hoạch trình cổ đông được Vietnam Airlines xây dựng dựa trên phương án được Chính phủ phê duyệt cho hãng vay 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu năm 2020 cũng sẽ chưa thực hiện.

Từ đầu năm, khi dịch COVID-19 bùng phát, ban lãnh đạo Vietnam Airlines liên tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay 12.000 tỷ đồng, trong đó lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối qua hình thức cho vay chỉ định, tái cấp vốn để tránh tình trạng âm vốn chủ sở hữu đang đến gần.

Một nội dung HĐQT Vietnam Airline trình cổ đông sắp tới là không có nguồn để trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Do vậy, hãng sẽ không chia cổ tức để đảm bảo cân đối tài chính cho các năm tiếp theo. 

HĐQT cho biết đang tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu Châu Âu và các ngân hàng trong, ngoài nước, để giảm giá, gia hạn và giãn tiến độ thanh toán các hợp đồng vay. Một trong những điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng và ngân hàng cho Vietnam Airlines giãn nợ là không chia cổ tức cho cổ đông.

“Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gian hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”, Vietnam Airlines giải thích thêm.

Sẽ bán 9 máy bay khi được giá

Một kế hoạch được ban lãnh đạo Vietnam Airlines đề ra trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chờ được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông này, là bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất từ năm 2007-2008.

VNA có kế hoạch bán 9 máy bay. Ảnh: VNA.
VNA có kế hoạch bán 9 máy bay. Ảnh: VNA.

Trong số 9 tàu bay sẽ bán, có 6 tàu bay sẽ bán theo kế hoạch đã có trước đó. Còn 3 tàu bay A321 CEO được đẩy lên bán sớm hơn từ năm 2020-2021, thay vì kế hoạch bán từ 2023-2024. 

Hãng thông tin 9 tàu bay này đã được trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của tổng công ty, nên đủ điều kiện về pháp lý. "Quyết định bán là cần thiết, bởi tổng công ty có định hướng thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác đến 12 năm tuổi. Song song đó, sự bùng phát của COVID-19 đã thúc đẩy quá trình này", tài liệu của Vietnam Airline nêu.

Dẫn dự báo của Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), Hãng hàng không quốc gia cho rằng có khả năng ngành hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức của năm 2019. Sự phục hồi của các đường bay quốc tế sẽ còn chậm hơn nữa.

Trong khi đó, đội bay của Vietnam Airlines và Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Pacific Airlines) sẽ dư thừa. Theo dự báo, hãng sẽ dư khoảng 25 máy bay trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 máy bay vào năm 2021.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ, qua khảo sát có nhiều đối tác mong muốn mua A321 CEO của hãng, đảm bảo tính khả thi và cạnh tranh khi thực hiện. Do ảnh hưởng của dịch nên Vietnam Airlines cho rằng mức giá hiện nay các đối tác trả vẫn chưa phản ánh đúng nhu cầu của thị trường. Hãng kỳ vọng khi thị trường phục hồi, nhu cầu tàu bay thân hẹp sẽ tăng, đảm bảo thu hồi đủ chi phí vốn.

“Đại dịch đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ lớn của tổng công ty trong năm 2020. Tổng công ty đang phải nỗ lực thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu, hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng”, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương