Với những tiến bộ vượt bậc trong sự hội nhập giữa các quốc gia, nhu cầu được tới các miền đất mới để trải nghiệm và học tập ngày càng trở nên phổ biến hơn cả. Quả thực đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn trẻ, tuy nhiên, đôi khi việc du học không đơn giản chỉ là cầm tấm vé thông hành tới phương xa và mơ mộng về cuộc sống văn minh, hiện đại cùng viễn cảnh tương lai rộng mở. Hãy cùng trò chuyện với Đoàn Tuấn Khôi, một bạn trẻ với trải nghiệm theo học 3 trường đại học khác nhau tại châu Âu, chia sẻ về cuộc sống du học đầy thử thách và cách để vượt qua nó.
Đoàn Tuấn Khôi |
“Mình không thể hòa nhập được”
Hiện tại, Khôi vừa là một sinh viên năm cuối theo học ngành Truyền thông tại trường Đại học Nghiên cứu Erasmus Rotterdam, vừa là một digital marketeer tại công ty UReason, Hà Lan. Bắt đầu cuộc hành trình du học vào năm 2019, Khôi chia sẻ rằng trong khoảng hơn một năm đầu tiên, bạn không thể hòa nhập được. Lý do bởi vì thành phố bạn lựa chọn để du học là Mechelen - một cái thành phố vệ tinh giữa Brussels và Antwerp và đây là nơi “dành cho những người giàu đi làm tại các thành phố lớn, để người ta quay về” nên “vào ban ngày thì cái không khí của nơi này cũng khá là ảm đạm”.
“Sự phân biệt chủng tộc ngầm khá là cao”
Một lí do khác khiến Khôi cảm thấy bị lạc lõng giữa đất nước Bỉ là vì sự phân biệt chủng tộc. Khi tới Mechelen, Khôi mới biết được rằng, không phải thành phố nào người dân cũng cởi mở với sự đa dạng sắc tộc, đặc biệt khi bạn “là một trong những người châu Á duy nhất trong cái thành phố này”. Bạn có chia sẻ rằng: “Với tư cách là một người thiểu số thì mình nhận ra là cái sự phân biệt trứng tộc ngầm nó khá là cao”, “người ta sẽ không nói trước mặt mình nhưng mà người ta cũng có ý là phân biệt” và “việc sốc văn hóa là một điều khá là hiển nhiên, đặc biệt khi mà mình cũng là người Châu Á, còn bên này họ là người Châu Âu”.
Tại một thành phố đa số không phải người trẻ, “môi trường thì thiếu sự đa dạng sắc tộc” và cũng không có ai là người nước ngoài giống bản thân, hai điều này đã trở thành rào cản vô cùng lớn để Khôi có thể hòa nhập cũng như tập trung vào việc học. Bạn cũng có kể thêm rằng mặc dù sau này, khi đã chuyển tới nơi khác, bạn “cũng đã nhìn thấy rất nhiều người bạn của mình bị ảnh hưởng quá nặng nề và muốn về nhà”.
“Sau hai tháng học tại Bỉ thì mình quyết định chuyển trường”
Bên cạnh đó, vì sự tìm hiểu chưa kỹ lưỡng về trường học, ngành học Khôi đã chọn phải ngành học mà trường mới mở hệ quốc tế, bạn kể rằng: “giáo viên vẫn còn khá là bỡ ngỡ và khi mà người ta không không có cách nào giải thích được bằng tiếng Anh thì người ta sẽ chuyển ngay sang tiếng Hà Lan”. Và thế là chỉ sau 2 tháng đặt chân lên đất Bỉ, Khôi đã bắt đầu cuộc hành trình mới tại Hà Lan, lần này bạn đã chọn Utrecht - thành phố của sinh viên.
Tưởng chừng như đây sẽ là nơi Khôi gắn bó trong những năm đại học tiếp theo khi bạn đã tìm thấy được những bạn bè đồng trang lứa và cũng không còn là người châu Á duy nhất ở đây. Tuy nhiên, sau một năm theo học, Khôi tiếp tục nhận ra rằng trường Đại học Khoa học ứng dụng lại không phải môi trường phù hợp với bản thân. Vậy là năm 2020, Khôi quyết định chuyển tới trường Đại học Nghiên cứu Erasmus Rotterdam, Hà Lan.
“Mình không có cơ hội được trải nghiệm hoặc là không được ra ngoài, không được hòa nhập với những người xung quanh và thậm chí là kể cả những những người cùng nhà của mình”
Năm đầu tiên của Khôi tại Rotterdam rơi vào đúng thời điểm đại dịch Covid hoành hành, Khôi kể rằng, lúc này “các bạn cùng lớp của mình đều ở nước nhà chứ người ta không sang Hà Lan, thế nên là tất cả mọi thứ đều bị đóng chặt cho nên là mình không có cơ hội được trải nghiệm hoặc là không được ra ngoài, không được hòa nhập với những người xung quanh”. Bên cạnh đó, việc giao tiếp với các bạn cùng nhà cũng là một khó khăn với Khôi bởi vì “người ta không không nói tiếng Anh hoặc là không nói tiếng Việt, thế nên là mình bị bất đồng ngôn ngữ”.
Cũng vì đại dịch Covid này, tại thời điểm đó, châu Âu đã dấy lên làn sóng bài trừ người châu Á bởi sự nhầm lẫn giữa các quốc tịch, Tuấn Khôi cũng không tránh khỏi là một nạn nhân của điều này. Kể về một lần bị phân biệt chủng tộc bởi lý do trên, Khôi chia sẻ: “Có một hôm mình đang đi trên đường xong người ta đang đạp xe, người ta nhìn thấy mình đi qua và người ta chỉ vào mình và nói ‘A Covid!’”. Tuy nhiên, sau một thời gian tập sống chung thì Khôi cũng cảm thấy “bây giờ thì cái vấn đề phân biệt chủng tộc thì nó cũng chỉ cái việc mà người ta nhận nhầm người Trung Quốc và người Việt và người Nhật và người Hàn; và cái vấn đề này nó cũng xảy ra với những bạn mình người Châu Á nữa”, “ còn mình chưa bao giờ bị gục ngã vì phân biệt chủng tộc”.
“Mình không còn ở trong vòng tay bố mẹ nữa rồi”
Giống như nhiều du học sinh với tâm thế hào hứng khi được đi xa, tới những miền đất lạ, được làm quen với những người bạn mới, những ngày đầu tiên của Tuấn Khôi tại châu Âu đều dành cho việc giao du, khám phá. Tuy nhiên, khi tới cuối tuần, khi mà những người bạn ngoại quốc ấy “lúc nào cũng có người trong nhà, lúc nào cũng có bố mẹ, …”, trong tâm trí cậu sinh viên mới “tất cả những cái điều nhỏ nhặt nhất về Việt Nam bắt đầu ập đến”, Khôi nhận ra “Ôi chết rồi, mình không còn ở trong vòng tay bố mẹ nữa rồi!”.
Cùng với đó là trong giai đoạn dịch Covid đang đỉnh điểm tại châu Âu, các lệnh cấm, quy định về giãn cách khiến Khôi không thể ra ngoài càng làm cho nỗi nhớ nhà của cậu du học sinh lớn hơn bao giờ hết. Khôi đã chia sẻ: “Cả ngày cũng chỉ có một mình lủi thủi lủi thủi thôi, mình mất tầm 2 năm đầu để chống chọi lại với sự cô đơn.”.
“Chẳng bao giờ quá muộn để bắt đầu học cả”
Về câu chuyện theo học tới 3 trường đại học khác nhau tại châu Âu, Tuấn Khôi tâm sự: “Ban đầu thì mình cũng có nghĩ là bản thân bị thụt lùi so với các bạn cùng trang lứa, với các bạn cùng tuổi nhưng mà sau mình nhận ra là môi trường xung quanh mình có rất nhiều người học đại học muộn, ở độ tuổi khá là lớn. Ví dụ như chị học giỏi nhất ngành của mình bây giờ, học cùng năm với mình, chị ý 27 tuổi, chuẩn bị lên 28 tuổi chẳng hạn. Đối với mình thì đến bây giờ mình nghĩ là cái tuổi không phải là cái vấn đề, chẳng bao giờ chẳng bao giờ quá muộn để bắt đầu học cả.”.
Quả thực là như vậy. Hóa ra sự thiếu tìm hiểu kỹ lưỡng về các trường học sẽ không phải là trở ngại quá lớn nếu bản thân biết tìm cách khắc phục và cũng chính nhờ những trải nghiệm tại các môi trường khác nhau đã giúp cho Khôi có được “những kiến thức … rộng hơn và còn sâu hơn nữa trong một số trường hợp” so với các bạn đồng trang lứa. Khôi giải thích cho điều này là vì mỗi một ngôi trường đều có một chương trình giảng dạy riêng, chương trình nào cũng có điểm đặc biệt, từ đó giúp bạn có được sự đa dạng kiến thức và trải nghiệm. Từ đó, Khôi có đưa ra lời khuyên cho các bạn du học sinh nếu đang gặp vấn đề tương tự là: “sự thích nghi, nó không đến từ môi trường mà nó phải phụ thuộc vào bản thân để tự xây dựng cái cuộc sống cho riêng mình”.
“Không có một cái nơi nào là ‘miền nước hứa’ cả, ‘miền đất hứa’ của bạn là cái miền đất mà chính bạn gây ra, chính bạn tự tạo ra”
Trả lời câu hỏi “Nếu trở lại quá khứ, bạn có lựa chọn sẽ đi du học?”, Tuấn Khôi đã rất chắc chắn rằng vẫn sẽ quyết định được du học. Khôi giải thích rằng: “đối với mình rồi họ không phải là về chất lượng giáo dục mà mình muốn đi du học là để thay đổi bản thân”, “du học giúp cho mình có thêm cơ hội được học cách sống và học được thêm khá là nhiều kỹ năng mềm mà nếu sống ở Việt Nam nó mình sẽ không có cơ hội hoặc không để ý đến”. Việc tới một phương trời mới, xa gia đình, bạn bè và những điều thân quen đã giúp cho Khôi hiểu được “cách tôn trọng các nền văn hóa khác nhau ở trên thế giới”, “tôn trọng những người sống cùng nhà chẳng hạn, hoặc là kể cả những cái biết đơn giản nhất như cuộc sống tự lập”.
Để gửi lời nhắn tới các bạn trẻ đang chuẩn bị bay tới miền đất mới để học tập, Khôi chia sẻ: “Khi mà đến khi mà đã đặt chân đến đến cái miền đất mới rồi thì hãy cố gắng tin cho mình một người bạn, mặc dù đấy có phải là người Việt hơn người nước ngoài ấy thì cái đấy là bước đầu tiên để tạo cho bạn một cái cuộc sống mới ở cái đất nước mà bạn du học - tại vì không có một cái nơi nào là biết nước hứa cả, miền đất hứa của bạn là cái miền đất mà chính bạn gây ra, chính bạn tự tạo ra”, “sau khi mà bạn có một người bạn hoặc một nhóm bạn đầu tiên rồi thì bạn nên bắt đầu mở rộng các cái mối quan hệ xã hội xung quanh của bạn chứ đừng có gò bó bản thân và chỉ gói gọi mình trong một vòng tròn.”.
“Hãy hiểu rõ bản thân”
Lời khuyên thứ hai mà Khôi muốn gửi tới các bạn du học sinh tương lai là: “Hãy hiểu rõ bản thân muốn theo học khoa học nghiên cứu hay là khoa học ứng dụng”. Từ trải nghiệm là một người đã và đang đi làm khá nhiều vị trí tại các công ty khác nhau tại châu Âu, Khôi chia sẻ: “nếu mà bạn học khoa học ứng dụng thì các công ty sẽ hiểu rõ được là các các công ty sẽ hiểu rõ được là các cái kỹ năng của bạn đang nằm ở đâu và bạn học được cái gì thì khi ra trường thì cái cơ hội được tuyển của các bạn sẽ cao hơn.”
Tuy nhiên, đối với các bạn lựa chọn con đường theo học trường nghiên cứu giống bản thân, Khôi cũng có nói: “Nếu mà bạn học nghiên cứu thì tất cả những cái gì bạn học sẽ lý thuyết, chứ bạn không được học cách áp dụng những cái lý thuyết đấy vào trong công việc của mình thì nếu bạn may mắn tìm được việc ý thì cái cơ hội tăng tiền nó sẽ cao hơn và với một mức lương sẽ hấp dẫn hơn”.
Trên đây là những tâm sự vô cùng chân thật và đáng quý từ Đoàn Tuấn Khôi - một sinh viên năm cuối, một digital maketeer với kinh nghiệm trải nghiệm du học 3 trường đại học khác nhau tại châu Âu. Mong rằng những chia sẻ chân tình của Khôi có thể giúp ích cho các bạn trẻ đang đứng trước lựa chọn theo học đại học trong nước hay nước ngoài. Và xin cảm ơn Khôi đã chia sẻ với chúng mình, chúc Khôi sẽ đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Forbes bình chọn Mahsa Amini là một trong những phụ nữ quyền lực nhất năm 2022
Thế giới đang bất ổn dữ dội và chật vật với một loạt các cuộc khủng hoảng, lời hứa, nhu cầu quyền lực của phụ nữ chưa bao giờ quan trọng hơn.