Dự kiến cuối năm sẽ có thuốc uống chữa COVID-19 tại nhà

Việc phát triển các loại thuốc uống chữa COVID-19 tại nhà, không phải nhập viện là rất cần thiết.

Ngày 17/6, Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ thông báo, chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết định chi 3,2 tỷ USD để đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc kháng virus dành cho người mắc COVID-19.  Số tiền này được tập trung đầu tư cho 19 loại thuốc uống điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm.

Trước đó, chính quyền Mỹ thông báo sẽ mua 1,7 triệu liều thuốc kháng virus qua đường uống của hãng dược Merck và đối tác Ridgeback. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. 

Theo Merck và Ridgeback, thuốc điều trị COVID-19 qua đường uống mang tên molnupiravir cho kết quả hứa hẹn trong thử nghiệm giai đoạn 2.

“Chúng tôi tiếp tục đạt tiến bộ trong thử nghiệm thuốc kháng virus molnupiravir. Dữ liệu từ các nghiên cứu phù hợp với cơ chế hoạt động của thuốc và cung cấp bằng chứng ý nghĩa về tiềm năng kháng virus bằng liều dùng 800mg”, Roy Baynes, phó chủ tịch cấp cao, nhà khoa học trưởng của phòng thí nghiệm Merck, nói. “Dựa trên kết quả này, chúng tôi đang tiến hành giai đoạn 3 để thử nghiệm trên bệnh nhân không nhập viện và tuyển tình nguyện viên phù hợp trên toàn cầu”, ông Baynes cho biết. 

Ông cũng cho biết dữ liệu của thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ có vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Thuốc kháng virus remdesivir của hãng Gilead Sciences được FDA Mỹ cấp phép điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng chứa chất ức chế polymerase, dù cách thức hoạt động cụ thể của từng thuốc khác nhau.

Hiện có 5 hãng dược Ấn Độ ký hợp đồng đối tác với Merck về loại thuốc này. Một số công ty đã ký hợp đồng để sản xuất, cung cấp loại thuốc này cho thị trường Ấn Độ và hơn 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy thuốc uống chống COVID-19 mang tên AT-527 của hãng dược Roche (Thụy Sĩ) hợp tác với Atea Pharmaceuticals (Mỹ) cũng chứng tỏ tác dụng giảm lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện. Theo các nhà nghiên cứu, những người sử dụng thuốc đã không còn dấu vết virus tại nhiều thời điểm kiểm tra ngẫu nhiên. 

Dù vậy, Atea Pharmaceuticals và Roche chưa có minh chứng cụ thể cho việc giảm nhẹ triệu chứng hoặc ngăn chặn tác hại. 

Ngoài ra, hãng Pfizer (Mỹ) cũng đang phát triển một loại thuốc uống. Hồi tháng Tư, CEO Albert Bourla của Pfizer nói với CNBC rằng, thuốc của hãng sẽ được bán ra thị trường vào cuối năm nay, Reuters đưa tin.

Thanh Mai

Người dân có nên tự ý mua test nhanh và thực hiện tại nhà?

Người dân có nên tự ý mua test nhanh và thực hiện tại nhà?

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không nên tự ý mua các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19, hay còn gọi là test nhanh về tự kiểm tra cho mình.