Mỗi mùa bão lũ, chứng kiến cảnh người dân oằn vai vì thiên tai, bao nhiêu mái nhà đổ sập, gia đình ly tán, lòng trắc ẩn và tinh thần sẻ chia đùm bọc, “lá lành đùm lá rách” trong mỗi người Việt lại trỗi dậy mạnh mẽ. Người người, nhà nhà chung tay góp sức, san sẻ yêu thương với đồng bào đang phải đối diện với mất mát, đau thương.
Hòa chung nhịp đập sẻ chia cùng đồng bào cả nước, các nghệ sĩ, người nổi tiếng trong showbiz cũng có những đóng góp không nhỏ từ vật chất, tinh thần… Đặc biệt trong những năm gần đây, nhờ có mạng xã hội và các kênh truyền thông cá nhân, không ít những người nổi tiếng đã dùng sức ảnh hưởng và tiếng nói từ chính cá nhân mình để kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ bà con gặp thiên tai. Hình ảnh các nghệ sĩ lặn lội đến tận các vùng lũ, trao tận tay những phần quà, lời động viên đến người dân không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao, góp phần tạo nên làn sóng ủng hộ vô cùng mạnh mẽ trong cộng đồng.
Thiện nguyện không chỉ đơn thuần là quyên góp tiền bạc, mà còn là sự cống hiến và chia sẻ với cộng đồng (Ảnh trong MV "Nấu ăn cho em") |
Thế nhưng, bên cạnh những sự giúp đỡ tận tâm, chân thành, đáng buồn là cũng có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng hoạt động thiện nguyện như một “sân khấu” để đánh bóng tên tuổi, thậm chí là trục lợi. Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội những ngày qua là các “ngôi sao” xúng xính áo quần, cùng ekip quay phim, chụp ảnh hùng hậu “đổ bộ” vào vùng lũ. Họ trao những phần quà, tờ tiền cho người dân nhưng không quên livestream trực tiếp nhất cử nhất động. Dù biết mọi sự giúp đỡ đều là giá trị trong hoàn cảnh “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng làm phô trương, thiếu tinh tế của một số người khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Giữa lúc đồng bào đang oằn mình gánh chịu thiên tai, mất mát cả về người và của, một số người lại biến nỗi đau của người khác thành “cơ hội” để khoe lòng tốt, tô vẽ hình ảnh của bản thân. Những khuôn mặt khắc khổ bỗng nhiên phải trở thành “diễn viên bất đắc dĩ”, thậm chí là “phông nền” trong “show diễn từ thiện” ấy. Một kiểu “lòng tốt có điều kiện” thật đáng ngậm ngùi.
Nhiều nghệ sĩ “hồn nhiên” mang những phần quà xuống vùng khó khăn, nhưng lại không mảy may tìm hiểu xem người dân có thực sự cần những thứ đó hay không. Và thay vì quan tâm, chia sẻ với bà con, thì họ mải mê chạy theo việc quay phim, chụp ảnh, câu view, “khoe” lòng tốt mà quên luôn cả nỗi khổ của những người xung quanh. Những đoàn người ồn ào đến rồi đi trong chớp nhoáng, chỉ để lại những hình ảnh “lung linh” trên mạng xã hội kèm những câu đạo lý sâu sắc, sau lưng những cảnh đời vẫn còn ngổn ngang.
Nhớ lại vụ việc năm 2020, một nam diễn viên được coi là gạo cội bị tố cáo thiếu minh bạch trong việc quyên góp và sử dụng số tiền hơn một chục tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Dù sự việc sau đó đã lắng xuống, nhưng nó cũng để lại nhiều hoang mang và sự mất lòng tin trong công chúng. Hay gần đây nhất, hình ảnh một nam ca sĩ trao tiền cho người dân vùng lũ bằng cách cầm từng tờ tiền phát trực tiếp trên mạng xã hội một cách khiếm nhã cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng hành động này thiếu sự tôn trọng với người được nhận, thậm chí còn có thể gây tổn thương cho họ.
Người nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm với hình ảnh của mình, tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào hoạt động từ thiện. |
Trên thế giới, nhiều ngôi sao cũng vướng phải lùm xùm khi biến hoạt động nhân đạo thành công cụ đánh bóng tên tuổi. Siêu mẫu Naomi Campbell vừa bị cấm tham gia hoạt động từ thiện tại Anh trong 5 năm do lùm xùm liên quan đến quỹ từ thiện Fashion for Relief do cô sáng lập.
Cuộc điều tra cho thấy, một phần lớn số tiền quyên góp được sử dụng cho các kỳ nghỉ xa hoa, dịch vụ spa và những nhu cầu cá nhân khác của Naomi. Siêu mẫu gần như cũng không mảy may quan tâm số tiền đã được quyên góp có đến được tay người cần giúp đỡ hay không. Cô chỉ tập trung vào việc tổ chức các sự kiện hoành tráng, xuất hiện lộng lẫy trước ống kính máy quay, nhận lời ca tụng về lòng nhân ái.
Hành vi này đã phản bội lòng tin của những người đã ủng hộ quỹ, đồng thời làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của hoạt động từ thiện. Năm 2010, nữ ca sĩ Wyclef Jean cũng bị tố cáo biển thủ 9 triệu USD quyên góp cho nạn nhân động đất ở Haiti vào mục đích cá nhân. Và nhiều những câu chuyện đáng buồn tương tự cũng liên tục xảy ra khiến giá trị to lớn của hoạt động thiện nguyện trong giới nghệ sĩ bị dấy lên những nghi ngờ và những điều tiếng đáng tiếc.
Thực tế, hoạt động thiện nguyện của người nổi tiếng không chỉ đơn thuần là những cú “chuyển khoản” hào nhoáng. Vì mỗi nghệ sĩ, mỗi người nổi tiếng đều có tiếng nói có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác, nên việc làm của họ có thể gây tác động lớn đến cộng đồng và xã hội. Diễn viên Quyền Linh từng nói: “Người nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm với hình ảnh của mình, tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào hoạt động từ thiện”.
Vợ chồng nhà Bill Gates và Melinda Gates cũng từng nhấn mạnh: “Thiện nguyện không chỉ là việc cho đi tiền, mà còn là việc dành thời gian và công sức để giúp đỡ người khác” – Người sáng lập Microsoft nhấn mạnh rằng thiện nguyện không chỉ đơn thuần là việc quyên góp tiền bạc, mà còn là sự tham gia, cống hiến và chia sẻ với cộng đồng. Với quỹ từ thiện lớn nhất thế giới mang tên mình, họ đã quyên góp hàng tỷ đô la từ tài sản của chính mình cho các hoạt động giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu mà luôn hạn chế nói về việc đó.
Người nổi tiếng, với sức ảnh hưởng rộng lớn, có khả năng truyền cảm hứng và dẫn dắt hàng triệu người. Tuy nhiên, đi kèm với sức ảnh hưởng là trách nhiệm. Chính vì vậy, họ cần sử dụng sức ảnh hưởng ấy một cách có ý nghĩa và giá trị, nhằm góp phần lan tỏa yêu thương và gieo mầm những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Thiện nguyện, có lẽ chỉ thực sự ý nghĩa khi khiến cho người nhận cảm thấy được giúp đỡ, hạnh phúc, ấm áp hơn.
Và có lẽ, cũng đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn thực tế để hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như có những quy định chặt chẽ hơn nữa để hoạt động thiện nguyện được đảm bảo tính minh bạch, ngăn chặn những hành vi trục lợi, lạm dụng lòng tin. Chỉ khi đó, thiện nguyện mới thực sự là cầu nối yêu thương, mang lại niềm vui và hy vọng cho những người thực sự cần giúp đỡ.
Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ
AloBacsi nguyện làm người truyền lửa, gieo duyên cùng các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ viết nên hành trình trao gửi những viên thuốc yêu thương.