Nền kinh tế toàn cầu hậu COVID-19 suy thoái do lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng

Triển vọng nền kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi do một loạt dữ liệu từ châu Âu và châu Á cho thấy tăng trưởng đã chững lại trong quý 3.

Nguyên nhân do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, khiến lạm phát và tác động của biến thể Delta rất dễ lây lan.

Từ Thụy Điển, Vương quốc Anh đến Đức và Nhật Bản, việc dồn ứ tắc nghẽn và các cảng bị đình trệ trong dòng luân chuyển nguyên vật liệu và linh kiện trên toàn cầu đã khiến các hãng sản xuất bị xáo trộn, khiến các nhà máy phải đóng cửa và các nhà điều hành phải cảnh báo khách hàng chờ đợi hàng hóa thiết yếu.

David Oxley, một nhà kinh tế học tại tổ chức Capital Economics ở London, cho biết: “Sự phục hồi tốt nhất từ việc tái mở cửa trở lại có lẽ diễn ra từ đầu năm nay".

im-416072.jpg
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế toàn cầu trong tuần này; một trung tâm mua sắm ở Stockholm vào tháng trước. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu từ hôm thứ Tư cho thấy Vương quốc Anh, một trong số ít nền kinh tế lớn công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội hàng tháng, đã chỉ ra rằng mức tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 8 vừa qua với 0,4%.

Lĩnh vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính trong tháng 8, khi người Anh quay trở lại nhà hàng, quán bar, khách sạn và nhà hát sau khi nước này gỡ bỏ gần như tất cả các lệnh giãn cách hạn chế liên quan Covid-19 vào giữa tháng 7.

Lĩnh vực sản xuất đóng góp không nhiều vào sự mở rộng do các nhà máy đang gặp khó khăn với những thách thức trong chuỗi cung ứng như việc thiếu hụt các nguồn nguyên liệu thô và giá cả năng lượng tăng cao.

Rowan Crozier, Giám đốc điều hành của C. Brandauer & Co. Ltd. có trụ sở tại Birmingham, Anh, một công ty kỹ thuật chính xác chuyên sản xuất các đầu nối kim loại được sử dụng trong mọi thứ, từ ấm điện cho đến các thiết bị y tế và máy bay không người lái quân sự thu nhỏ - cho biết họ có đủ đơn đặt hàng nhưng nguyên vật liệu không nhập về kịp để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ông nói, thông thường sẽ mất khoảng từ sáu đến 12 tuần để hoàn thành một đơn đặt hàng, nhưng hiện tại, ông phải báo với khách hàng của mình rằng họ có thể phải đợi từ 30 tuần đến hơn một năm.

Ông cho biết những nhà cung cấp đang tăng dần công suất, nhưng hy vọng rằng tình trạng thiếu hụt các nguồn nguyên liệu thô để xoa dịu tình trạng này chỉ diễn ra vào mùa xuân.

Ông Crozier nói: “Mọi thứ đang dần trở nên tốt hơn, nhưng chúng ta vẫn đang trong tình trạng khó khăn".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2021 xuống 5,9% trong tuần này từ mức 6% trước đó.

Tình trạng thiếu các tài xế xe tải ở Vương quốc Anh đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại cảng container nhộn nhịp nhất nước Anh là Felixstowe.

Cảng này hạn chế các tàu chở hàng khổng lồ, vì vậy hãng tàu Maersk phải tháo dỡ các container tại các cảng khác ở Anh và Châu Âu và vận chuyển chúng trở lại bằng các tàu nhỏ hơn để giảm thiểu sự chậm trễ.

Với thời gian vận chuyển kéo dài hơn vào mùa hè, Will Bown đã trả phí bảo hiểm cho một container để được vận chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc, nhưng lại bị mắc kẹt tại cảng Hull ở Anh trong ba tuần.

Doanh nghiệp gia đình của ông, SuperFOIL, nhập khẩu các loại vật liệu xây dựng như vật liệu cách nhiệt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc và chuyển đến Vương quốc Anh.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy lượng lớn hàng tồn đọng tại các cảng ở California khi mà các vấn đề về chuỗi cung ứng đang đe dọa đến mùa mua sắm cuối năm.

Tại Nhật Bản, dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy đơn đặt hàng máy đã sụt giảm 2,4% trong tháng 8, bất chấp kỳ vọng tăng trưởng. Dữ liệu gần đây của Thụy Điển và Đức cũng cho thấy các nhà sản xuất đang phải chịu nhiều áp lực.

Nền kinh tế Thụy Điển giảm 3,8% trong tháng 8, đẩy nền kinh tế nước này trở lại dưới mức trước đại dịch khi xuất khẩu sụt giảm do các vấn đề về vận thiếu hụt và chuyển hàng hóa đã kéo theo sản lượng sản xuất giảm 4,5%.

Volvo đã ngừng sản xuất vào tháng 8, nhà sản xuất ô tô mới nhất phải hứng chịu cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu. Việc thiếu chip đã gia tăng trong quý 3 khi mà số ca Covid-19 tăng mạnh ở Đông Nam Á, đầu mối cung cấp chip cho cả thế giới.

im-416191.jpg
Volvo đã đình chỉ sản xuất vào tháng 8, nhà sản xuất ô tô mới nhất phải chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu; một đại lý ở Stockholm vào tháng 8.
Ảnh: Bloomberg

Doanh số bán hàng của Tập đoàn NordiQ (Thụy Điển) đạt kỷ lục với mức doanh thu 30 triệu euro trong năm nay, mặc dù hoạt động sản xuất tại một số nhà sản xuất ô tô mà tập đoàn này cung cấp tấm kim loại, bao gồm cả Volvo, đã bị gián đoạn do thiếu một số thành phần.

Giám đốc điều hành Stefan Ottosson cho biết, nếu không có những hạn chế đó, doanh số bán hàng có thể cao hơn 10-15%. Danh sách đặt hàng cho năm tới đã đầy, mặc dù giá thép tăng là một nguyên nhân đáng lo ngại, nhưng nhu cầu cho thấy vẫn sẽ rất cao.

Nền kinh tế nước Đức, hiện đang lớn nhất châu Âu, đang sụt giảm mạnh khi các công ty định hướng xuất khẩu phải vật lộn với sự bế tắc của chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng tăng cùng với sự suy thoái ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Văn phòng thống kê liên bang cho biết trong tháng này, sản xuất công nghiệp của Đức đã giảm 4% trong tháng 8 khi so với tháng trước. Sự suy yếu này là do sự sụt giảm trong sản xuất xe và các bộ phận của xe.

Theo dữ liệu công bố hôm thứ Ba, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Đức, đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng thiếu hụt các chất bán dẫn và nguồn điện.

im-416190.jpg
Tình trạng thiếu tài xế xe tải ở Anh đã dẫn đến tắc nghẽn tại cảng Felixstowe; vận chuyển container tại cảng vào thứ Tư. Ảnh: Zuma Press

Nhà sản xuất ô tô Đức Opel Automobile cho biết, vào cuối tháng 9, họ sẽ đóng cửa hoạt động tại nhà máy Eisenach ở vùng trung tâm nước Đức cho đến ít nhất là cuối năm nay và buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Họ cho rằng nguyên nhân của sự việc là do sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.

Người phát ngôn của hãng cho biết, việc sản xuất tại nhà máy sử dụng 1.300 công nhân để chế tạo chiếc xe thể thao Grandland, sẽ khởi động lại vào đầu năm 2022, với điều kiện tình hình chuỗi cung ứng cho phép.

Gần một nửa trong số khoảng 3,8 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức hiện đang phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng, theo một cuộc khảo sát vào tháng 9 của ngân hàng đầu tư nhà nước Đức.

Ngân hàng cho biết việc thiếu hụt không chỉ ảnh hưởng đến bộ vi xử lý mà còn ảnh hưởng đến thép, nhôm, đồng và các kim loại khác, nhựa và vật liệu đóng gói, gỗ cho ngành xây dựng và nội thất.

Tại Mỹ, mức tăng trưởng dự kiến sẽ giảm 1,4% trong quý 3, từ mức trung bình 6,5% trong nửa đầu năm 2021, theo IHS Markit, do chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh.

Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,4% so với tháng 9 và cao hơn 5,4% so với một năm trước đó, dữ liệu từ hôm thứ Tư cho thấy, do tình trạng thiếu hụt hàng hóa và lao động đã đẩy giá nhu yếu phẩm, xe mới và đồ nội thất.

Giá năng lượng gia tăng trên toàn thế giới đã làm tăng giá xăng và dầu sưởi lên cao. IMF tuần này cho biết lạm phát tăng nhanh có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu và kêu gọi các ngân hàng trung ương cảnh giác với nguy cơ áp lực giá có thể khó khắc phục hơn so với mong đợi.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ suy thoái nhanh trong quý 3 do đất nước này bị bao trùm bởi những cú sốc bất ngờ như dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình trạng thiếu điện trên diện rộng và thị trường bất động sản đang hạ nhiệt.

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,1% trong quý 3 so với một năm trước, theo một cuộc thăm dò của The Wall Street Journal với 17 nhà kinh tế, sau khi tăng trưởng 7,9% trong quý 2.

GIA HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương