Gần 70% đại biểu Quốc hội không đồng ý với đề xuất chuyển quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an

Nhiều đại biểu không đồng tình đề xuất của Chính phủ về việc tách luật và chuyển thẩm quyền quản lý lĩnh vực sát hạch lái xe sang Bộ Công an.

Sáng 17/11, Quốc hội xin ý kiến đại biểu ba vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, hầu hết các đại biểu đều không đồng ý với các đề xuất tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật và chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an.

Cụ thể có 302 đại biểu không đồng ý (72,95%) với đề xuất tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng (tách thành hai luật như nêu trên);  321 đại biểu không đồng ý (66,74%) với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; 251 đại biểu (52,18%) đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.

  Kết quả tổng hợp xin ý kiến đại biểu sáng 17/11.

Kết quả tổng hợp xin ý kiến đại biểu sáng 17/11.

Trong phiên thảo luận trước đó, một số ý kiến ủng hộ đề xuất tách luật chuyển thẩm quyền nhưng có nhiều đại biểu không đồng tình. 

Ông Nguyễn Quốc Hận - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, nhận định, công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhiều người dân ủng hộ và quốc tế công nhận. Hiện nay, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, các vấn đề về tệ nạn còn nhiều, do vậy công an theo trách nhiệm là giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, "không cần nhận thêm nhiệm vụ khác".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sinh (Quảng Trị) cũng cho rằng việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa thuyết phục và cần được đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học. Điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng về chuyển các nhiệm vụ có điều kiện dân sự hoá thì chuyển cho các Bộ không thuộc Quốc phòng, Công an quản lý, nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn TP Đà Nẵng) cũng đề nghị phải làm rõ hai việc: Tách hai luật trong điều kiện gấp gáp và giải quyết hệ luỵ khi chuyển đào tạo, cấp giấy phép lái xe sang Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ thì cơ sở vật chất, con người giải quyết thế nào?.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện, đề nghị nếu tách hai luật thì ngành công an chuyển cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông Vận tải và giữ nguyên quyền lợi, chế độ.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã được Uỷ ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội đồng ý đề xuất xây dựng dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật này và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, không tăng chi phí, thủ tục hành chính và không lãng phí; tất cả thủ tục vẫn theo các quy định từ trước đến nay đã có.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp, xin ý kiến đại biểu về các vấn đề lớn của cả hai dự án Luật.

Thanh Mai

Hà Nội: Đá lát vỉa hè được quảng cáo độ bền 70 năm nhưng đã bung vỡ chỉ sau 2 năm sử dụng

Hà Nội: Đá lát vỉa hè được quảng cáo độ bền 70 năm nhưng đã bung vỡ chỉ sau 2 năm sử dụng

Tại một số tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng (Hà Nội),... đá lát vỉa hè bắt đầu vỡ nát, xô lệch.