Giá hàng hóa toàn cầu tăng 50%, tốc độ nhanh nhất trong gần 30 năm

Giá dầu thô, kim loại ngũ cốc và các loại hàng hóa trao đổi quốc tế khác đang có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1995, gây ra lo ngại bất ổn chính trị ở một số nước lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu bên ngoài.

Thị trường hàng hóa đang bị ép từ hai hướng. Một mặt, nhu cầu đang bùng nổ khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Mặt khác, lại xuất hiện những nhân tố cản trở nguồn cung dồi dào để đáp nhu cầu này, nổi bật là những căng thẳng địa chính trị.

Theo Nikkei, chỉ số CRB Refinitiv CoreC Hàng hóa, một thước đo tổng hợp của giá hàng hóa, đã tăng 46% vào cuối tháng Giêng. Đây là mức tăng lớn nhất tính theo năm kể từ năm 1995 – mốc thời gian bộ chỉ số này lần đầu tiên đi vào hoạt động.

Giá cả hàng hóa đang gia tăng trên diện rộng, đặc biệt là dầu thô và các loại nhiên liệu khác. Trong số 22 mặt hàng chính, có 9 mặt hàng tăng hơn 50%, bao gồm giá các mặt hàng quen thuộc như cà phê, tăng 91% và bông, tăng 58%. Nhôm tăng 53%.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f4-2f6-2f5-2f7-2f38827564-1-eng-gb-2feveningscoop.jpg

Nhu cầu tiêu thụ dầu thô bùng nổ. Nhưng đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác suy yếu, do các nền kinh tế bắt đầu chuyển hướng sang trung hòa carbon, có kế hoạch giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giá khí đốt tăng nhanh do những căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine.

Đứt gãy chuỗi cung cùng với thiếu hụt nguồn nhân công do đại dịch COVID-19 cũng gây thêm sức ép cho cân bằng cung và cầu.

Ngoài ra, việc ép giá hàng hóa đã gây ra hàng loạt phản ứng dây chuyền trên thị trường. Các nhà máy luyện nhôm, sử dụng lượng điện năng khổng lồ, đã buộc phải cắt giảm sản lượng do chi phí sản xuất tăng, tạo ra sự thiếu hụt kim loại.

Giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã đẩy giá amoniac, một thành phần chính của phân bón, đẩy giá ngũ cốc lên cao.

Giá hàng hóa neo ở mức cao đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá nhiên liệu vẫn duy trì ở ngưỡng hiện nay, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm 2022.

Những nước nghèo tài nguyên thiên nhiên sẽ chịu thiệt hại lớn nhất từ giá hàng hóa leo thang. Đơn cử như tại Nhật Bản: Chi phí cho nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu thô trong tài khóa này, kết thúc vào tháng 3/2022, dự kiến tăng thêm khoảng 10.000 tỷ yên (86,7 tỷ USD).

Ông Hiroshi Ugai, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Securities Japan, cho biết Mỹ và các nước khác đang gấp rút thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát, nhưng "rất khó để kiềm chế lạm phát gây ra bởi các cú sốc về nguồn cung đối với chính sách tiền tệ".

Tác động của giá hàng hóa leo thang đối với bất ổn chính trị đang dần trở thành mối quan ngại lớn với nhiều nước. Thổ Nhĩ Kỳ, nước phải nhập khẩu tới 70% năng lượng từ bên ngoài, vừa phải ghi nhận mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 49% trong tháng 1.

Kể từ đầu tháng này, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện làn sóng biểu tình của nhân công, đòi yêu sách tăng lương, thu nhập, phản đối giá nhiên liệu tăng vọt.

Trong số 143 quốc gia và khu vực tự quản trên thế giới, 47 quốc gia dựa vào nhập khẩu để đáp ứng hơn một nửa nhu cầu năng lượng của họ trong năm 2019, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Kazakhstan là trường hợp mới nhất vừa trải qua các đợt biểu tình bạo động, mà một phần nguyên nhân là phản ứng của dân chúng đối với giá nhiên liệu.

Sự gia tăng hàng hóa cũng khiến thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Tại Thái Lan, giá thịt lợn tăng khoảng 50% trong ba tháng đến tháng Giêng. Giá thịt lợn, loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất trong nước, đã bị đẩy lên do giá đậu tương và ngô cao hơn, cả hai đều được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên Indonesia đã áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu hàng hóa, nhiên liệu, đầu tiên là than đá, kế đến là dầu cọ - mặt hàng được sử dụng nhiều trong sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng.

“Chủ nghĩa quốc gia tài nguyên” – khái niệm dùng để chỉ việc một nước hướng ưu tiên trong sử dụng nguồn tài nguyên cho kinh tế trong nước, đang nổi lên là một nguyên nhân nữa khiến hàng hóa toàn cầu chịu thêm sức ép tăng giá.

(Nguồn: Nikkei)

GIA HÂN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương