Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm 1.120 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 giảm 1.020 đồng/lít trong khi dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít.

Như vậy mức giá bán lẻ với xăng E5 RON 92 là 22.230 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.210 đồng/lít.

Giá dầu trong kỳ điều hành này cũng giảm mạnh: Dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít còn 24.180 đồng/lít, dầu hỏa còn 24.410 đồng/lít. 

Sau kỳ điều hành này, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 10 lần giảm, một lần giữ nguyên. 

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 450 đồng/lít, dầu diesel 90 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối dương lớn. Tính đến 5/8, Petrolimex - nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước - dương 802 tỷ đồng, Saigon Petro 242,8 tỷ đồng, Petimex là 292 tỷ đồng...

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó ngày 5/9, Liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng trong nước giảm 366 - 439 đồng, xuống 23.359 - 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít, vượt giá xăng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu trong nước vượt giá xăng.

Giá xăng dầu trong nước giảm nhẹ do ảnh hưởng thị trường xăng dầu thế giới. Hiện giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 700 - 900 đồng/lít; còn dầu diesel, dầu hỏa thì thấp hơn khoảng 900 - 1.000 đồng/lít.

Trên thị trường thế giới, theo Oilprice ngày 12/9, giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 85,34 USD/thùng; dầu Brent ở mức 91,43 USD/thùng, đều giảm từ 1,5-1,6%.

Cả 2 loại dầu thô đều giảm nhẹ trong tuần này. So với cùng thời điểm này một năm trước, giá dầu WTI đã giảm hơn 20%, dầu Brent giảm gần 30%. Nguyên nhân giá dầu thế giới xuống thấp là khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu, dẫn đến mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.

Tuần trước, nhóm cường quốc G7 đã cố gắng tìm cách áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga. Mục đích là hạn chế doanh thu để hỗ trợ cho của chiến của Nga tại Ukraine.

OPEC+ tuần trước cũng thống nhất giảm sản lượng để hỗ trợ giá.

HÀ MY