Các thí nghiệm của họ "đã mang lại cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới electron bên trong nguyên tử và phân tử". Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier đã chứng minh được cách tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo các quá trình nhanh chóng trong đó các electron chuyển động hoặc thay đổi năng lượng", trang web của giải Nobel cho biết.
Pierre Agostini
Pierre Agostini là nhà vật lý thực nghiệm người Mỹ gốc Pháp, từng học tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp và lấy bằng Tiến sĩ năm 1968. Ông hiện đang giảng dạy tại Đại học Bang Ohio, Columbus, Mỹ.
Năm 2001, Agostini đã thành công trong việc tạo ra và nghiên cứu một loạt xung ánh sáng liên tiếp, trong đó mỗi xung chỉ kéo dài 250 atto giây.
Ông được biết đến với việc phát minh ra kỹ thuật RABBITT (tái tạo nhịp đập atto giây bằng sự giao thoa của các chuyển đổi hai photon) để mô tả các xung ánh sáng atto giây.
Anne L'Huillier
Sinh ra ở Paris vào năm 1958, Anne L'Huillier giảng dạy tại Đại học Lund của Thụy Điển. Bà là người phụ nữ thứ năm đoạt giải Nobel vật lý. "Anne L'Huillier phát hiện ra một hiệu ứng mới từ sự tương tác của ánh sáng laser với các nguyên tử trong chất khí.
Pierre Agostini và Ferenc Krausz đã chứng minh rằng hiệu ứng này có thể được sử dụng để tạo ra các xung ánh sáng ngắn hơn khả năng trước đây", Ủy ban Nobel cho biết trong một thông cáo báo chí.
L'Huillier nhận được cuộc gọi từ học viện vào giữa buổi giảng và khi xong bài giảng, cô quay lại ngay với công việc giảng dạy.
Bà đã chia sẻ Giải thưởng Wolf về Vật lý năm 2022 với các giáo sư Paul Corkum tại Đại học Ottawa, Canada và Ferenc Krausz tại Viện Quang học Lượng tử Max Planck ở Đức. Năm 2003, dưới sự lãnh đạo của bà, nhóm của bà đã phá kỷ lục thế giới với xung laser nhỏ nhất là 170 atto giây.
Ferenc Krausz
Krausz sinh ngày 17/5 năm 1962 tại Mór, Hungary. Ông là giám đốc tại Viện Quang học Lượng tử Max Planck, Garching và giảng dạy tại Đại học Ludwig-Maximilians-Universität München, Đức.
Krausz đang chuẩn bị cho buổi sáng đi tham quan phòng thí nghiệm tại viện của mình thì nhận được một cuộc điện thoại từ Thụy Điển. "Tôi không chắc liệu mình đang mơ hay đó là sự thật", ông nói. Chính nhóm nghiên cứu do Krausz dẫn đầu đã tạo ra và đo xung ánh sáng atto giây đầu tiên.
(Nguồn: Money Control/Reuters)