“Giang” - chia sẻ về một niềm yêu

Độc đáo triển lãm của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:các bức tranh được vẽ trên nền giấy Giang thô ráp

Phòng tranh chỉ trưng bày vỏn vẹn 25 bức, nhưng đều to khổ, 170x150cm, vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên giấy Giang bồi trên vải toan, sáng tác trong giai đoạn 2020 - 2024, theo xu hướng hội họa biểu hiện trừu tượng.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh bên một tác phẩm “Giang”. Ảnh: L.Q.V
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh bên một tác phẩm “Giang”. Ảnh: L.Q.V

Hẳn không ít người sẽ ngạc nhiên bởi loại giấy mộc mạc lạ lẫm này, nhưng nó lại là nét quen thường ngày của bà con người Mông ở Pà Cò - một bản vùng cao của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - nơi có một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải, vẽ sáp ong, làm giấy Giang... Đặc biệt, làm giấy không phải để kinh doanh, mà người dân nơi đây chủ yếu chỉ sử dụng cho việc trang trí nhà cửa, yểm chú đồ vật, cúng tế...

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh cho hay: “Hàng năm, vào khoảng tháng 5, dân bản thu lượm cây Giang chế biến thủ công, sau một thời gian ủ ngâm tới giai đoạn "đổ giấy". Khổ giấy lớn, nhỏ tuỳ theo mong muốn. Sau khi phơi nắng những tờ giấy đã tráng lên các tấm lưới, khi giấy khô căng, trên bề mặt giấy hiện lên những sợi xơ của thân cây quện bột ngâm của lá, đã tạo nên bề mặt thô ráp tự nhiên, đầy sức cuốn hút…”.

Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh
Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh

 Với Nguyễn Mạnh Quỳnh, qua triển lãm này, ông muốn bày gọi và chia sẻ cùng mọi người vẻ đẹp hiếm có của giấy Giang trong sáng tác hội họa. “Với tôi, hội họa đương đại trong giấy Giang dường như cùng tan chảy thật quyến rũ theo vô vàn điểm chạm không gian, thời gian…” - họa sĩ chia sẻ.

Theo họa sĩ Ngô Xuân Bính: “Tranh Quỳnh không hẳn chỉ là thủ pháp trừu tượng, 25 tác phẩm của anh có nặng nhẹ xu thế Biểu cảm, có gia hồn gia sắc - khuynh hướng cách tân Dã Thú, Đa Đa và Chủ nghĩa thiên trúc trực đối, mô típ đồng sàng - đồng mộng vô chính phủ (không câu nệ, không phụ thuộc, không dập khuôn…). Cho giá trị mông lung, ưu ưu tao nhã…”.

Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh
Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người gần đây đã đắm mình mê say trong thế giới của hình và sắc - chia sẻ: “Nguyễn Mạnh Quỳnh chọn "Giang". Một sự chọn lựa không thể chính xác hơn. Điều quan trọng nhất là Nguyễn Mạnh Quỳnh đã hiểu được "Giang", hay nói cách khác là ông hiểu được bản chất của "Giang", hiểu được những chuyển động bí ẩn của "Giang" và hiểu được sự tương đồng giữa bản chất của "Giang" (chất liệu) và thế giới bên trong ông mà ông đang tìm một không gian để nó hiện ra và để từ đó, ông chọn cách làm cho những bí mật đó mở ra những vẻ đẹp huyền ảo riêng biệt khi kết hợp với màu và kỹ thuật dùng màu cùng với nét và khối đặc trưng của ông.

"Giang" và màu đã mở ra những vẻ đẹp cổ xưa: Đất đai, hoang mạc, hang động, nhà cửa, đền đài cùng những câu chuyện như cổ tích, như huyền thoại, còn hình và nét đã làm ra vẻ đẹp hiện đại. Cả hai điều đó đã làm nên thế giới hội hoạ mang tên Nguyễn Mạnh Quỳnh và thế giới hội hoạ ấy xác lập ông. Chính vậy mà những bức tranh của Nguyễn Mạnh Quỳnh đã dẫn tôi qua những thời đại khác nhau theo một hành trình: Cổ xưa - hiện tại - tương lai và ngược lại…”.

Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh
Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh

 Về triển lãm “Giang”, theo góc nhìn của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Được duyên, nên thả bước nhẹ nhõm với Thượng Ngàn trong bản Pà Cò của người Mông ở Mai Châu, Hòa Bình, Nguyễn Mạnh Quỳnh lắng nghe được lời mách bảo của người xưa ẩn trong đồ vật và tranh thờ làm từ giấy Giang. Con mắt mới của ông được đánh thức, cứ tự do lạc bước vào muôn nẻo của Biểu hiện trừu tượng và ngôn ngữ siêu hình của thế giới tâm linh. Nét đợi nét, hình gọi hình và đĩa màu cứ lằng lặng đọc vị thời gian nơi bức họa. Ngọn bút phơ phất nét rồi ào ạt những mảng màu đơn sắc hay đa sắc đều nương theo con mắt mới và cái tai lạ của họa sĩ”.

Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh
Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh sinh năm 1956, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1983, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã tham gia nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là triển lãm cá nhân "Lebon" năm 2019 và bây giờ, là "Giang" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội), kéo dài tới ngày 8.4.2024.

Với sự khám phá chất liệu giấy và ứng dụng vào việc sáng tác của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh, hẳn rồi đây sẽ thu hút thêm đông du khách đến với thiên nhiên và cuộc sống vùng rẻo cao Pà Cò - nơi còn lưu giữ một số nghề truyền thống dân dã?

Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh
Một số tác phẩm của Nguyễn Mạnh Quỳnh

LÊ QUANG VINH

Triển lãm tranh Phụ nữ vẽ & Vẽ Phụ nữ

Triển lãm tranh Phụ nữ vẽ & Vẽ Phụ nữ

Với chủ đề “Phụ nữ với hòa bình” các đơn vị sẽ cùng phối hợp tổ chức 2 hoạt động chính.