Giang nhà lũ

Giải mã Giang tưởng phức tạp mà hóa ra chẳng khó - Có một khái niệm giản dị - đó là sự trọn vẹn trong mọi đàng. Ngây thơ cũng trọn vẹn. Hết lòng cùng trọn vẹn. Phóng khoáng tự do cũng trọn vẹn. Những có lẽ may mắn nhất, là thiện lành - cũng trọn vẹn. Nếu không có sự trọn vẹn thiện lành ấy, đã chẳng có “Nhà Chống lũ”.

Nguyễn Mỹ Linh

Có một loài hoa rất kỳ lạ, người gọi cúc Họa mi, người gọi cúc Trà mi, người gọi cúc trắng, người kêu cúc Đồng nội. Thật ra tên gì, gọi theo cách nào thì cũng chẳng quan trọng, thường người ta có thể tự đặt tên cho hoa mà mình yêu thích, không ai bắt tội. Như ta có thể gọi hoa hồng nhung, thích thì gọi bằng hồng thắm. Ta cũng có thể gọi hồng thơm là hồng quế, hồng cánh mỏng cuống dài, tùy tâm trạng và mắt ta nhìn lúc đó. Gọi thế nào cùng được, chẳng thay đổi gì lòng yêu.

Phạm Thị Hương Giang, 39 tuổi, chuyên gia tư vấn thương hiệu và là người khởi xướng dự án Nhà chống lũ. Sau năm năm, từ tháng 11/2013 đến nay, Nhà chống lũ, một dự án thiện nguyện đặc biệt, được khởi xướng bởi cá nhân và phát triển, gây quỹ và vận hành bởi cộng đồng mà Giang đứng đầu, đã làm được hơn 700 căn nhà an toàn và một số mô hình sinh kế cho người dân nghèo ở sáu tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây. Con số nhà được xây và số thành viên Nhà chống lũ vẫn không ngừng phát triển.

Cái loài hoa kỳ lạ cúc Trà mi, cúc Họa mi, cúc Đồng nội ấy, nó kỳ lạ chẳng phải vì nó đẹp, kiêu sa hay hiếm hoi. Trồng nó thì dễ, đến mùa vãi ra nắm hạt là lên cây, tưới tắm qua loa cũng ra hoa, thế mà cứ mỗi độ mùa hoa, ai cũng cố có trong nhà một bó. Nó kỳ lạ, vì nó quyến rũ theo cách tự nhiên và hoang dã. Cánh mỏng, không hàng lối. Bông thưa cánh, bông dày cánh. Bông nhị vàng thật vàng, bông nhị vàng phớt xanh. Nó kỳ lạ vì người ta không biết vì sao mỗi lần cúc Họa mi xuất hiện, là phố xá xôn xao hết cả lên.

Giang, mà tôi biết, cũng vậy. Bảo xinh - chẳng xinh. Bảo lộng lẫy - không lộng lẫy. Bảo sang cả - cũng không sang cả. Bảo hồn nhiên hoang dại - thì ừ. Chẳng ai hiểu Giang Kều (nick cô ấy từ thời đi học) có gì, để nhiều người bị cuốn theo và bị Giang chi phối đến thế.

Jang Kều trong một buổi đấu giá tranh gây quỹ cho chương trình Nhà chống lũ
Jang Kều trong một buổi đấu giá tranh gây quỹ cho chương trình Nhà chống lũ

Khi mới biết “món demi garcon” này, tôi rất lạ. Lúc trầm ngâm từ tốn như thiếu phụ, lúc nói lắm như vẹt non, lúc “tăng động” như trẻ mới lớn, lúc quyết đoán lọc lõi như dân anh chị, lúc lôi xềnh xệch mọi người xung quanh vào những thú vui như giả vờ - mà hóa ra lại thật. Sống cạnh Giang lúc vui, lúc phiền toái, lúc ngạc nhiên khâm phục, lúc điên ruột muốn giãy ra. Mệt lắm! mệt vì những thú vui miên man không bao giờ dứt. Thoắt yêu đàn ghi ta, thoắt yêu xe vespa cổ, thoắt mò mẫm tìm xe mini cũ, thoắt lại đổi sang xe đạp - loại xe mà người đạp nó ra phố trông sẽ như hề. Thích là làm, bất chấp. Thích là thổ lộ, bất kỳ. Những thứ mà phụ nữ bình thường thích, Giang không thích. Ăn ngon à? Giang có thể chén hai bát cơm rau muống luộc thịt rang cả bì thun thút. Mặc đẹp à? Giang có thể tốn vài nghìn đô cho một chiếc áo đẹp rồi lại phối với quần như đông xuân tụt đũng. Giày đẹp à? Giang sẽ chọn những đôi đỏ rực hoặc cam chóe đứng giữa ngã tư nhìn thoáng cái là nhận ra, không lạc. Nấu ăn à? Giang sẽ hỏi luôn miệng cho đến khi phát mệt vì giải thích cho Giang quả cà tím là loại cà màu tím và tròn chứ không phải cà màu tím mà dài. Sẽ phát ốm vì phân loại gạo nếp hay gạo tẻ, và giải thích để Giang hiểu tên của các loại rau mùi thơm ngổ húng. Nếu trót dại rủ Giang ăn lẩu mắm, thì suốt bữa sẽ phải dạy rau nào gọi là súng, bông nào tên điên điển, rau nào kêu kèo nèo.

MC Diễm Quỳnh, MC Phan Anh, ca sĩ Thái Thùy Linh và Giang Phạm trong buổi gây quỹ cho
MC Diễm Quỳnh, MC Phan Anh, ca sĩ Thái Thùy Linh và Giang Phạm trong buổi gây quỹ cho "Nhà chống lũ" tại Hà Nội

Ấy thế mà, lôi ai vào cuộc, cũng bị cuốn theo. Kỳ lạ! Thật ra, cái sức sống, sự tự do phóng khoáng tràn trề năng lượng của Giang ma mị, nó cuốn hút có, nó khiến người ta bị mù màu mù mùi cũng có. Đừng chống lại Giang, nếu muốn chống lại, tốt nhất là rời ra rõ xa, nếu cứ lảng vảng xung quanh, sẽ lại bị cuốn vào. Theo những cơn tăng động bất tận. Theo những sáng kiến miên man bất kỳ. Theo những câu chuyện cuộc đời tưởng đùa mà thật. Ấy thế mà giải mã Giang tưởng phức tạp mà hóa ra chẳng khó - Có một khái niệm giản dị - đó là sự trọn vẹn trong mọi đàng. Ngây thơ cũng trọn vẹn. Hết lòng cùng trọn vẹn. Phóng khoáng tự do cũng trọn vẹn. Những có lẽ may mắn nhất, là thiện lành - cũng trọn vẹn.

Nếu không có sự trọn vẹn thiện lành ấy, đã chẳng có “Nhà Chống lũ”. Sáng kiến đến bất kỳ, như bản tính Giang vốn có. Sáng kiến đến bất kỳ thì sẽ thực hiện bất chấp - Bất chấp khó khăn, bất chấp bộ máy chưa có ai. Bất chấp kinh nghiệm chưa có gì. Bất chấp chưa biết sẽ kiếm nguồn tài trợ hay thiện nguyện bằng cách nào để thực hiện. Nhưng Giang mà, đã leo lên xe đạp hề, đã ngồi trên xe vespa cổ nổ to không kém công nông, đã từng trắng tay gây dựng cơ đồ sự nghiệp, thì biết sợ là gì. Cứ lòng thiện mà phơi phới. Cứ bản tính ma mị lôi kéo rủ rê thuyết phục mà làm. Mà đã làm là lao như ngày mai đời có lũ.

Mấy trăm căn nhà trong vài năm, mấy chục nhà phao cho đời dân nghèo qua mùa mưa bão. Mấy chục đàn dê đàn gà đàn vịt cho người nghèo đỡ khổ. Giang như cái đầu tầu, lao vun vút kéo theo một nhóm - đôi lúc làm xong rồi mới kịp định thần.

“Giang lũ”, giờ gọi thế ai cũng nhận ra, bạn bè nhận ra, bà con dưới quê chắc cũng nhận ra. Giang tất nhiên - rất khoái.

Cũng như hoa thôi, tên là một khái niệm, bạn thích điệu thì gọi cúc Họa mi, thích lơ mơ thì gọi cúc Trà mi, thích tự do gọi theo cách mình thích thì là cúc Đồng nội. Gọi là gì thật ra cũng chẳng quá quan trọng, quan trọng là sự hiện diện ấy mang đến niềm vui, màu trắng ấy khiến cho đời hân hoan tinh khiết.

Thế thôi nhỉ, Giang!

Nguyễn Mỹ Linh

Thế giới qua ảnh: Lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan, một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng ở Syria

Thế giới qua ảnh: Lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan, một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng ở Syria

Lũ lụt ở Ấn Độ và Pakistan, một tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng ở Syria và các cuộc biểu tình ở Moscow, Hồng Kông và Khartoum.