Hà Giang du ký

Du khách đến đây không chỉ bởi địa hình nguyên sơ hùng vĩ, mà còn vì các dân tộc nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống nguyên khai.

Lần thứ nhất tôi lên Bắc Mê, huyện vùng thấp dưới thành phố Hà Giang bằng thuyền theo lối sông Gâm. Lần này chúng tôi lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn theo đường bộ bằng chiếc xe Mercedes 16 chỗ thật khỏe. Đi chơi thôi. Đi để biết và yêu thêm đất nước mình.

Tiết Thanh minh cuối đợt rét nàng Bân. Xe khởi hành rời Thủ đô sớm vì ngại tắc đường. Tuyến cao tốc CT02 từ Phú Thọ lên Tuyên Quang 50km vừa thi công xong mới tinh chưa thu phí mờ mịt trong mưa bụi. Ba tiếng đồng hồ sau sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau của Văn Cao đã thấp thoáng xanh ngắt bên tay phải con đường.

Hà Giang du ký

Cô em gái trẻ nhất đoàn mang theo một bó hoa cúc và đồ lễ từ Hà Nội lên thắp hương, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên dù hôm trước không ai nhắc. Điều này khiến các cựu chiến binh trên xe cảm động. Nghĩa trang Vị Xuyên nằm ở cửa ngõ thành phố Hà Giang với gần 2000 ngôi mộ liệt sĩ. Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công gợi dáng một cây hương vòng, một đỉnh núi mây ôm sừng sững tỏa khói dưới trời biên cương. Hoa gạo cuối mùa xoay rụng, thắm đỏ như những tàn hương sót. Em bảo nghĩa trang này bây giờ giống như ngôi đền Trình, một điểm hẹn tâm linh, một lời chào tình nghĩa cùng lòng biết ơn của tất thảy du khách khắp mọi miền Tổ quốc khi đến thăm Hà Giang.

“Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền”. Đường thủy non nước hữu tình bao nhiêu thì đường bộ trập trùng hùng vĩ bấy nhiêu. Qua thành phố Hà Giang gần 40km, xe bắt đầu leo đèo Bắc Sum. Giữa những chòm cây xoan cây vả xanh non bắt đầu thấy lác đác màu xanh thẫm của loài cây sa mộc, loài thực vật lá kim chỉ có ở vùng cao và lạnh.

Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

Với độ cao 1100m, dãy núi cổng trời Quản Bạ như một chiếc đòn gánh hai bên hai thung lũng nhỏ, bên Quyết Tiến bên Tam Sơn. Đây chính là cánh cổng đầu tiên mở vào cao nguyên đá. Núi Đôi duyên dáng trong các tấm hình du lịch hôm nay chìm khuất trong mây lạnh buổi chiều đang tuôn sang từ khe đèo phía Nam.

Chúng tôi nghỉ tại homestay nhà Lý Toong ở Nậm Đăm với giá 500 ngàn/đêm. Đây là một bản văn hóa người Dao được tổ chức Caritas Thụy Sĩ cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) lựa chọn là nơi thực hiện dự án phát triển cộng đồng. Dãy bungalow nhỏ chạy dài, xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống tường trình đất nện, ngói âm dương, nhưng bên trong có đủ toilet theo tiêu chuẩn thông thường. Lý Toong bảo đất để trình tường là đất thổ cư tại chỗ, được đào lên tuyển lọc làm vật liệu xây dựng. Hố đất đào được tận dụng làm ao nuôi cá, hoặc đổ bê tông làm các bể chứa dự trữ bởi Hà Giang rất thiếu nước.

Ngày xuân chim én đưa thoi, xập xòe bay ra bay vào khung cửa lớn. Đàn chim dạn người, đắp bùn làm tổ trên các xà nhà thấp, chẳng ngại camera điện thoại du khách gí vào tận nơi chụp hình. Lũ chim con suốt ngày kêu nhíu nhít thật vui tai. Để phân chim khỏi rơi xuống nền, chủ nhà phải đóng các tấm ván che dưới từng tổ. Đất lành chim đậu, người với chim chung sống hòa bình.

Thôn Nậm Đăm
Thôn Nậm Đăm

Đêm Nậm Đăm yên tĩnh, bỗng bồi hồi nghe tiếng ếch kêu gọi mưa ngoài thung lũng. Dễ có đến hơn chục năm tôi mới lại nghe tiếng ếch đồng. Con ếch nào chối bỏ đồng bằng tận diệt, lên vùng núi kêu vang động đêm nay.

Sáng ngày thứ hai của hành trình. Xe đổ dốc Cốc Mạ xuống Tráng Kìm, một thị trấn nằm ven dòng sông Miện, nhánh tả ngạn của sông Lô. Này đây phở gà Tráng Kìm nổi tiếng trên diễn đàn các nhóm phượt với giá 50 ngàn một bát. Bát phở gà rẻo cao có dung tích thỏa mãn các bao tử thuộc loại háu ăn nhất. Gà đồi nuôi bộ ngon béo đã đành. Thơm ngon hơn nữa là bánh phở tráng tươi tại chỗ mướt dai như bánh cuốn. Những tấm bánh nóng hổi phơi trên sào giàn, trắng mịn như các tầng sáp ong non hình bán nguyệt, khách gọi ăn mới thái.

Bỏ qua cổ thành cùng đường quốc lộ 4c ngoằn ngoèo theo dòng chảy sông Miện, xe chúng tôi leo tắt qua cổng trời Cán Tỷ, theo đường mới vượt núi sang Yên Minh. Lối này gần hơn lối cũ tới 20km. Lại nhớ câu thành ngữ của lực lượng thanh niên xung phong lên xây dựng vùng cao khi xưa: Dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn. Hùm Cán Tỷ chắc chẳng còn ông kễnh nào nhưng cổng trời Cán Tỷ, nơi thổ phỉ đặt bẫy đá cùng hàng trăm tay súng kíp khóa chặt con đường độc đạo lên cao nguyên đá vẫn còn đây.

Hà Giang du ký

Các cô gái xinh đẹp thi nhau seo phi cùng cây nghiến cô đơn kiêu hãnh đứng lưng chừng dốc. Cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi hẳn đã chứng kiến những sự kiện lịch sử này. Còn các cô gái kia ai đã từng biết đến một lọ mỡ người, một con dao xẻo thịt, vật chứng của tội ác thổ phỉ trong các vụ hành quyết cán bộ lên xây dựng Hà Giang năm 1959 vẫn im lặng nằm trong một góc bảo tàng?  

Kiến trúc thị trấn Yên Minh không có gì đặc sắc bản địa, cũng chỉ bê tông nhôm kính nhà tầng như các thị trấn dưới xuôi. Con đường trục chính qua đây đang bận rộn treo hàng dãy dây cờ trang trí mừng lễ hội khèn Mông. Lãng mạn hơn là vùng ngoại vi thị trấn với những rừng thông ba lá, những con đường trắng màu hoa trẩu đang mùa.

Người ta nói dưới lòng chảo Yên Minh còn có một nhánh sông Miện đang chảy ngầm trong hệ thống hang động karst. Tôi cũng từng thấy các nhánh sông đứt đoạn này trên một tấm bản đồ không chính thức do dân phượt đánh dấu. Chính vì thế ruộng rẫy vùng này luôn xanh tươi bởi không hề thiếu nước.

Yên Minh sầm uất và trù phú cũng bị phỉ Mèo đánh thẳng vào đây từ bốn hướng trong cuộc bạo loạn tháng 12 năm 1959. Chúng lùa phụ nữ, trẻ em đi trước mũi súng kíp. Bộ đội, công an vũ trang bảo vệ thị trấn không dám bắn, buộc phải rút luồn ra phía sau lưng địch. Đợt bạo loạn đó đã khiến rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang hy sinh.

Hà Giang du ký

Tiếng động cơ mô tô rộn rã xua đi những ký ức buồn. Từng đoàn khách nước ngoài trong trang phục dã ngoại phóng xe máy leo dốc Thẩm Mã theo lá cờ tua-gai chiếc xe chạy đầu. Du lịch Hà Giang mấy năm nay phát triển mạnh, thu hút được nhiều du khách ngoại quốc. Họ đến đây không chỉ bởi cao nguyên đá Hà Giang có địa hình nguyên sơ hùng vĩ của công viên địa chất toàn cầu, mà còn vì các dân tộc chung sống trên mảnh đất địa đầu đất nước này vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nguyên khai. Có lẽ bởi đường sá xa xôi, hiểm trở dốc đèo cùng sự phân tán dân số nên những tiêu cực xã hội, loại “phụ tùng” luôn đi kèm với sự phát triển nóng chưa tác động nhiều đến các cộng đồng người Mông, Dao, Tày-Nùng, Lô Lô…bản địa.

Đường phân thủy đứt gãy sông Nhiệm, một nhánh sông Nho Quế, là một sống núi cao tới 1500m chia đôi hai thung lũng: Bên Lũng Thầu, Phó Cáo, bên Sủng Là, Sà Phìn. Tôi đọc được điều này qua tài liệu cấu tạo địa chất Hà Giang của Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản. Muốn lên được đến đây cả xe lẫn ngựa phải leo vượt dốc “Chín khoanh”, con dốc hiểm trở tiếp liền dốc Thẩm Mã, vốn rất nổi tiếng trong các tấm hình du lịch.

Hà Giang du ký

Các thung lũng xinh đẹp này đặc sắc nhất là quần thể kiến trúc nhà ở truyền thống của người Hmông, người Lô Lô Hoa. Dinh vua Mèo tịch mịch nằm giữa những ngôi mộ trong dòng tộc, vẫn toát lên vẻ u ẩn một phế tích vương triều. Những hành lang thấp hẹp, những cánh cửa mở vào trong gợi một tâm thế hướng nội. Nhựa khói thuốc phiện như vẫn ám vào từng vách gỗ. Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/ Môn phong lưu quý khách vãng lai. Câu đối cụ Vương Chính Đức cho đắp trên cổng chính quả nhiên ứng nghiệm đến tận bây giờ. Các “hiền nhân quý khách” cả ta lẫn tây ngày nào cũng chen nhau nườm nượp viếng thăm.

Vẻ hoang lạnh của một dinh thự không có người ở chẳng vui bằng các xóm bản ngoài kia. Nơi những mái ngói âm dương lô xô nâu già sắc gốm, đỏ non sắc gạch lẫn chen cả vào nhau, chất chồng xếp lớp sau những rặng đào, rặng lê phơ phất. Ruộng tam giác mạch la đà sương khói dưới hàng sa mộc đứng trầm mặc an nhiên. Gương mặt hồng bừng sáng sau cánh cửa cũ con then mới mở, như mời du khách lạc bước vào câu thơ cổ của Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Tôi thích ngắm, thích chìm vào những tưởng tượng quá khứ ấy trong nền phong cảnh chung tuyệt vời này hơn là đến thăm ngôi nhà của Pao, phim trường một bộ phim thời thượng.

Hà Giang du ký

Chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú giữa buổi trưa già nắng. Nếu mệt không muốn leo 839 bậc thang lên có thể thuê xe ôm, xe điện chở lên tận chân cột với giá 30 ngàn/người. Tôi không leo, ngồi nói chuyện với cháu Thào Mỷ, cô gái bán quán người Mông mau chuyện. Thào Mỷ học hết lớp 5 thì bỏ học, ra đây trông hàng cho cô giáo. Ủy ban xã ưu tiên khu vực chân cột cờ cho các cô giáo cắm bản bán hàng dịch vụ, hàng lưu niệm để tăng thêm thu nhập. Thào Mỷ bảo không muốn học nữa vì đã 19 tuổi, lớn rồi. Hồi bé cháu thích chơi, thích đi nương hay chăn bò hơn đi học. Bây giờ biết cần phải học thì đã muộn, mà cháu lại cũng quên gần hết mặt chữ rồi. Cô gái vô tư cười giòn, nụ cười không một chút băn khoăn mặc cảm khiến du khách phải cười theo.

Bản Lô Lô Chải gần cột cờ Lũng Cú là một điểm đến đẹp, thu hút rất nhiều du khách, kể cả các tay máy ảnh chuyên nghiệp. Dân bản cũng làm du lịch chuyên nghiệp không kém. Nghỉ đêm homestay ở đây có giá 1 triệu đồng/phòng. Kiến trúc cảnh quan truyền thống được tôn tạo và giữ gìn tốt. Đường thôn ngõ xóm quanh co lát đá sạch như lau. Dăm ba chiếc cổng thấp xếp khan đá núi, lợp ngói âm dương thập thò dưới những cành đào xanh lá nom thật bắt mắt. Thực đơn đồ uống viết bằng cả Anh ngữ lẫn Việt ngữ điệu đàng trên cánh cổng. Chiếc xe đạp cũ mất bánh gắn trên tường một quán cà phê mộc kèm lời nhái ca khúc: Xe đạp ơi đã nát rồi còn đâu, mối tình ngày xưa ấy… ghi trên bảng treo khiến lữ khách đường xa phì cười, tạm quên đi mệt nhọc.

Đêm Đồng Văn đèn xanh đèn đỏ. Những giàn đèn trang trí rẻ tiền chẳng ăn nhập với kiến trúc phố cổ. Chọn phố cổ làm nền tảng khởi đầu để phát triển du lịch bắt chước Hội An thì thật lãng xẹt. Cái phố lèo tèo vài căn nhà giả cũ này đâu có thể đọ với những “phố đá” cao ngất trời dựng ngoài kia.  

Ngày hôm sau chúng tôi sang Mèo Vạc. Con đường Hạnh phúc như một sợi chỉ mỏng mảnh, quanh co vắt ngang những ngọn núi hùng vĩ với nhiều đoạn sườn dốc dựng đứng đến sáu bảy mươi độ. Đỉnh đèo Mã Pì Lèng một bên núi cao tới trời, một bên vực Tu Sản sâu không thấy đáy. Địa mạo cảnh quan kỳ vĩ này được hình thành từ kỷ Đệ tứ thuộc đại Tân sinh 23 triệu năm trước. Thần kinh tôi khá vững, được ưu tiên ngồi phía bên ta luy âm chụp hình mà bụng buốt thon thót mỗi khi xe ôm cua trên con đường hẹp. Đường Hạnh phúc mà như đường rụng tim. Thật là một thử thách đáng nhớ đối với du khách.

Hà Giang du ký

Nhưng “chẳng ngọn núi nào cao hơn đầu gối”. Câu thành ngữ đầy kiêu hãnh của người Mông được chứng minh trên mọi nẻo đường chúng tôi qua. Trong các hốc đá to nhỏ đọng chút đất vàng từ vực sâu lên tới đỉnh trời, người Mông gieo ngô ở đó. Giống ngô xuân chịu hạn mới cao được khoảng 20 phân, nhưng chỉ tháng sau thôi, ngô sẽ phủ xanh triền núi.

Chúng tôi dừng xe chụp hình. Đứng bên này bờ vực nhìn sang bên kia, thấy một người phụ nữ lẻ loi địu con bò trên sườn đá, nhổ cỏ cho từng hốc ngô trồng. Lòng chợt cay đắng nghĩ đến những dự án bỏ không, những sân golf vô loài chiếm cứ cả ngàn hecta bờ xôi ruộng mật dưới xuôi, lại càng thấm càng thương hơn những nhọc nhằn mưu sinh sự sống.

Tôi vẫy tay, định hú chào tạm biệt cô gái nhưng dừng lại. Đây sang đó tưởng gần thôi, mà có khi xa bằng cả một nhận thức cuộc đời.

Xuân Tùng

Vị Xuyên - Chốn linh thiêng trên miền biên ải phía Bắc Tổ quốc

Vị Xuyên - Chốn linh thiêng trên miền biên ải phía Bắc Tổ quốc

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, trong lòng mỗi người dân đất Việt lại trào dâng ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ,