Ngày 24/5, lãnh đạo trường Đại học Quốc tế ĐH Quốc gia TPHCM đã xác nhận thông tin không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020.
Theo Tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh không có nhiều thời gian ôn thi. Vì vậy nếu vẫn tổ chức thi thì sẽ gây khó khăn, kết quả không tốt. Hơn nữa, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM cũng chỉ còn một đợt.
Mục đích của kỳ thi đánh giá năng lực là lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành học tuy nhiên năm nay Trường ĐH FPT cũng tạm dừng tổ chức kỳ thi này mà chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chỉ tổ chức khảo sát để xét học bổng.
Mới đây, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng vừa điều chỉnh phương thức tuyển sinh, trong đó không còn kỳ thi đánh giá năng lực. Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng thông báo dừng kỳ thi đánh giá năng lực.
Ở khu vực phía Bắc, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương cũng hủy phương án xét tuyển bằng tổ chức kỳ thi riêng. Riêng H Bách khoa Hà Nội cũng phải thay đổi phương án tổ chức kỳ thi riêng, thay vào đó là tổ chức bài kiểm tra tư duy như một bài thi bổ sung lấy kết quả xét tuyển kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ngày 15/8.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Với dịch bệnh kéo dài nhà trường muốn giảm tải cho thí sinh. Sau khi cân nhắc, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thống nhất không tổ chức kỳ thi riêng. Bởi lẽ, theo công bố thì đề thi tốt nghiệp THPT năm nay do Bộ GD-ĐT soạn có tính phân hóa giúp cho việc tuyển sinh”.
Bộ GD-ĐT cho biết việc thi THPT năm nay chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp là để giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH. Tuy nhiên sau đó lại có thông tin đề thi vẫn có tính phân hóa giúp cho việc tuyển sinh ĐH… dẫn đến hàng loạt trường hủy kỳ thi riêng.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc vướng quy chế tuyển sinh năm 2020 mới chính là lý do thực sự khiến các trường lần lượt phải hủy bỏ việc tổ chức kỳ thi riêng. Quy chế yêu cầu các trường tổ chức kỳ thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi đủ để xây dựng đề thi cho tổ chức thi trong 1 lần. Đồng thời trường cũng phải công bố đề thi, mẫu thi tham khảo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự tuyển.
Để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cũng như đội ngũ cán bộ chấm thi phải chuẩn trong kỳ thi THPT quốc gia những năm qua, Bộ GD-ĐT phải huy động nguồn cán bộ từ nhiều trường ĐH, trường phổ thông mới đáp ứng được… trong khi các trường chỉ có vài tháng để thực hiện là rất khó.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho biết tổ chức thi riêng của các trường ĐH trong khi thời gian từ khi có quy chế đến lúc thi tốt nghiệp không còn nhiều nên trường quyết định năm nay không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Có thể thấy, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH đã không thành. Chủ trương của Bộ thay đổi nhanh làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường. Hơn nữa còn tác động đến tâm lý học sinh lớp 12, ảnh hưởng cả việc chọn được người phù hợp vào học ĐH.
Các trường sẽ phải kỳ vòng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn có sự phân hóa, Bộ GD-ĐT vẫn lọc ảo để giúp các trường ĐH tuyển sinh. Năm nay bộ còn so sánh kết quả học tập THPT với điểm thi tốt nghiệp nên các trường ĐH vẫn có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển…
Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2020
Theo Luật Giáo dục đại học, trường đại học được chủ động tuyển sinh vì vậy Đại học Quốc gia cũng thay đổi hình thức xét tuyển cho phù hợp.