Sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Bước đầu xác minh thanh niên trong clip là G.M.Ch (sinh năm 2006), cô gái bị Ch kéo là V.T.S (sinh năm 2008, thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc).
Hình ảnh chiến sĩ công an ngăn cản hành vi "bắt vợ". Ảnh: MXH |
Bên cạnh vụ việc xảy ra tại tỉnh Hà Giang, trên mạng xã hội mấy ngày gần đây lan truyền một clip nghi là "bắt vợ", được cho xảy ra tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong clip cho thấy, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân "bắt về làm vợ". Cô gái ra sức chống cự, bám chặt cô gái đi cùng, tuy nhiên vẫn bị nhóm người tách ra và khênh đi dưới trời mưa lạnh. Sau khi clip đăng tải đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người và nhiều ý kiến phản đối về hủ tục này.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Đỗ Minh Hiển - Văn phòng luật sư JVN cho biết: “Tục ‘bắt vợ’ đã tồn tại rất lâu trong văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong tục ‘bắt vợ’, sự đồng thuận của cả chàng trai, cô gái là yếu tố bắt buộc. Trường hợp cô gái không đồng thuận, ‘bắt vợ’ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào mức độ, hậu quả gây ra và có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật”.
Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, ở các tỉnh miền núi phía bắc, tục “bắt vợ” tuy không còn phổ biến tuy nhiên tình trạng nam nữ cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tảo hôn) vẫn còn tồn tại. Do đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật hôn nhân và gia đình tới đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt các em trong độ tuổi vị thành niên.
Đề cập về vân đề này, TS - luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Hiện tục lệ ‘bắt vợ’ đang có nguy cơ biến tướng thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú, tự do hôn nhân của công dân. Dù là những phong tục lâu đời nhưng các phong tục, tập quán phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và tiến bộ xã hội”, Đặng Văn Cường khẳng định.
Môt số ý kiến cho rằng: Ở trường hợp clip lan truyền, Ch và V.T.S đều chưa đủ tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình. Giả sử cả hai đồng thuận việc chung sống thì cũng không thể thành vợ, chồng. Biến tướng của tục “bắt vợ” dễ dẫn đến nạn tảo hôn, cưỡng ép kết hôn. Nhiều trường hợp việc “bắt vợ” của người đã thành niên với người chưa đủ 16 tuổi dẫn đến tội giao cấu với trẻ em.
Theo TS Đặng Văn Cường, hành vi “bắt vợ” mà tảo hôn hoặc người đã thành niên kết hôn với người chưa đủ 16 tuổi thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật, tội Tổ chức tảo hôn, thậm chí có thể bị xử lý về tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm..., tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp có căn cứ cho thấy, đây là hành vi lợi dụng phong tục tập quán lạc hậu để bắt người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự với người vi phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân. Nếu lợi dụng tập quán “bắt vợ” của người đồng bào dân tộc vùng cao để bắt, giam, giữ người trái pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hà Giang tiến hành phong tỏa thôn Pín Tủng - nơi ở của bệnh nhân 268
Thôn Pín Tủng có 29 hộ, 192 nhân khẩu, 22 người đi lao động tại Trung Quốc, trong đó 17 người vẫn chưa về địa phương.