Hãy hạnh phúc để sống lâu hơn

Nếu bạn chỉ có thể chọn một, liệu sẽ là hạnh phúc hay tuổi thọ? Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ thú vị giữa hai lựa chọn này.

Từ lâu, khoa học vẫn luôn tìm kiếm sự liên kết giữa 2 yếu tố này. Theo một phân tích năm 2011 trên gần 4.000 người Anh cho thấy những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc hay phấn khởi hàng ngày có tỷ lệ tử vong sớm giảm 35%. Bên cạnh đó, một nghiên cứu năm 2016 cũng chỉ ra mối liên hệ giữa sự lạc quan với tuổi thọ khi quan sát gần 4.000 người cao tuổi ở Pháp trong vòng hơn 22 năm.

Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi hơn 2.000 người Mỹ gốc Mexico trong năm 2015 và thấy tỷ lệ tử vong sớm cũng giảm một nửa ở những người có cái nhìn lạc quan với cuộc sống. Tại San Francisco, một nghiên cứu quan sát 200 phụ nữ lẫn nam giới hơn 13 năm cũng chỉ ra rằng những người sống lâu hơn thường là những người có tinh thần lạc quan hơn.

Hãy hạnh phúc để sống lâu hơn

Theo nghiên cứu của trang web Positive Psychology Center, việc nỗ lực sống tích cực sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, có những mối quan hệ tốt hơn, hệ thống miễn dịch tốt hơn, ít gặp vấn đề về giấc ngủ hơn, ít bị kiệt sức, sức khỏe thể chất tốt hơn, vì thế sẽ sống được lâu hơn.

Vậy làm thế nào để có thể có được hạnh phúc? Theo các chuyên gia, hạnh phúc đến với nhiều dạng, đôi khi chỉ là dạo bộ trong công viên, dành thời gian cho bạn bè hay ăn một cái kem bạn thích. Nhưng rồi cảm giác hạnh phúc ấy đến rồi lại đi.

Một cảm giác hạnh phúc bền vững là sự pha trộn của sự lạc quan và sự kiên cường, được bồi đắp bằng cách hành xử như thể hiện sự biết ơn, tha thứ hay đối tốt với người khác, cùng nhau sống có mục đích. Thêm vào đó là cảm nhận của sự nồng ấm, tương thân tương ái, hài lòng trong các mối quan hệ.

Sau đây là những “nguyên liệu” để làm nên công thức của hạnh phúc.

Thỏa mãn những mối kết nối xã hội

Theo Robert Waldinger, bác sĩ tâm lý học Harvard, những người thường xuyên kết nối với gia đình, bạn bè, xã hội sẽ hạnh phúc, khỏe mạnh và sống lâu hơn. Những trải nghiệm của sự cô đơn do thiếu giao tiếp trở thành những độc tố đối với cơ thể.

Sống giữa những mối quan hệ ấm áp, tốt đẹp giúp chúng ta hạnh phúc, khiến kéo dài tuổi thọ (Ảnh: Thinkstock Images).
Sống giữa những mối quan hệ ấm áp, tốt đẹp giúp chúng ta hạnh phúc, khiến kéo dài tuổi thọ (Ảnh: Thinkstock Images).

Là chủ nhiệm đề tài về nghiên cứu phát triển ở người trưởng thành, nghiên cứu cuộc sống của 724 nam giới Boston trong hơn 75 năm, và sau đó theo dõi hơn 2.000 con cháu và vợ của họ, Waldinger cho rằng đã có thể tiến gần hơn đến việc xác định những nhân tố chính của một cuộc sống hạnh phúc.

“Đó không phải là sự giàu có, danh vọng hay công việc mà chính là những mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Bạn không cần phải có nhiều bạn bè hay gắn kết bản thân vào một mối quan hệ, mà điều quan trọng chính là chất lượng của những mối quan hệ thân thiết của bạn. Chẳng hạn như một hôn nhân nhiều mâu thuẫn không những không có tác dụng mà còn có kết quả xấu cho sức khỏe của bạn, có lẽ còn tồi hơn cả việc ly dị. Việc sống giữa những mối quan hệ tốt đẹp, ấm áp chính là sự bảo vệ đối với bạn”.

Luôn nhìn về mặt tích cực

Sự lạc quan và bi quan chính là hai thái cực của sự hạnh phúc. Những người lạc quan là luôn thấy điều tốt quanh họ, trái lại, những người bi quan thì luôn thấy cuộc sống đầy rẫy sự tồi tệ.

Luôn lạc quan về cuộc sống thực sự đem đến nhiều tích cực đối với sức khỏe. Một nghiên cứu đã tìm thấy sự kết nối trực tiếp giữa sự lạc quan với một hệ thống miễn dịch khỏe hơn, chức năng phổi và sức khỏe tim mạch tốt hơn.

Sống lạc quan đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe (Ảnh: BON VITA).
Sống lạc quan đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe (Ảnh: BON VITA).

Theo một phân tích gần đây của một nghiên cứu so sách với những người bi quan cho thấy, những người lạc quan giảm 35% nguy cơ các bệnh về tim mạch như đột quỵ hay đau tim. Theo nghiên cứu này, một người càng lạc quan bao nhiêu thì càng được bảo vệ khỏi những chứng bệnh về tim bấy nhiêu.

Có nhiều lý do để lý giải điều này. Tinh thần lạc quan giúp giảm lượng stress hormone có tên cortisol, một hormone kiểm soát mức đường trong máu và huyết áp, những nhân tố chủ chốt trong quá trình phát triển của bệnh.

Những người lạc quan cũng có một thói quen tốt hơn, họ thích tập thể dục, thích chế dộ ăn khoa học và ít khi hút thuốc. Họ cũng có những kỹ năng ứng phó và giải quyết vấn đề tốt hơn. Họ thường chủ động, lường trước các vấn đề và luôn chủ động khắc phục chúng.

Sống có ý nghĩa và mục đích

Cho đi giúp cuộc sống mỗi người ý nghĩa hơn và khiến cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cho đi giúp cuộc sống mỗi người ý nghĩa hơn và khiến cuộc sống hạnh phúc hơn.

Theo giáo sư tâm lý học Lyle Ungar, việc có mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống giúp chúng ta có cuộc sống lâu dài và hạnh phúc.

“Con đường tới hạnh phúc không bởi việc chọn lựa để hạnh phúc mà là để đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hãy tình nguyện, xung phong dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện, hãy cho đi cái gì của bản thân. Những người ấy thường sống lâu hơn”.

Quan tâm đến hạnh phúc của những người khác cũng được tin rằng khiến bản thân hạnh phúc. Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu đi ý nghĩa của mục đích chung. Nếu nhiệm vụ của bạn chỉ là trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, cuộc sống sẽ trở nên vô cùng căng thẳng và rất cô đơn, và rồi bạn sẽ thất bại. Thay vào đó, bạn cần cảm giác bản thân tồn tại vì một điều gì đó lớn hơn, và ý nghĩ ấy sẽ giúp bạn rũ bỏ áp lực của bản thân.

Vấn đề tâm linh

Những nghiên cứu từ Pew Research Center chỉ ra rằng, những người tín ngưỡng thường xuyên thường thấy bản thân hạnh phúc hơn với những người khác. Họ cũng có chung những đặc tính mà được cho là có thể cải thiện cơ hội cho một cuộc sống hạnh phúc và trường thọ hơn như: ít hút thuốc và các đồ uống gây hại, và thường xuyên tình nguyện làm từ thiện.

Ngồi thiền giúp tâm hồn thư thái, rũ bỏ mọi phiền muộn và cuộc sống thanh thản hơn.
Ngồi thiền giúp tâm hồn thư thái, rũ bỏ mọi phiền muộn và cuộc sống thanh thản hơn.

Theo quan sát của Ungar, những người tín ngưỡng thường dễ bằng lòng với cuộc sống hơn nên hạnh phúc và sống lâu hơn. Thậm chí không cần phải theo các tôn giáo truyền thống, việc thường xuyên ngồi thiền hay tham gia các liệu pháp giúp tinh thần tích cực cũng góp phần nuôi dưỡng cuộc sống tâm hồn.

Học thuyết PERMA

Martin Seligman, nhà tâm lý học đại học Pennsylvania, đồng sáng lập lĩnh vực tâm lý học tích cực, đã phát triển một học thuyết tin rằng có thể giúp con người đạt được mục tiêu còn tuyệt hơn cả hạnh phúc.

"PERMA" được tin là liệu pháp của sự hạnh phúc

Ông gọi đó là “PERMA”, trong đó:

“P” (positive emotion) là về những cảm xúc tích cực, vun đắp hy vọng cho tương lai và biết ơn với quá khứ. Bằng việc thực hành biết ơn với những cái mình được nhận và biết bỏ qua những thứ không thuộc về mình, Seligman cho rằng chúng ta có thể tạo nên những cảm xúc tích cực về quá khứ. Tạo dựng hy vọng và sự lạc quan để xây dựng cảm xúc tích cực về tương lai.

“E” (engagement) được mô tả sẽ tận dụng tất cả các kỹ năng, sức lực và tâm trí của bản thân mỗi người vào một nhiệm vụ. Bằng cách này sẽ giúp đưa vào “dòng chảy”, giống như các vận động viên khi bước vào “zone” của mình.

“R” (relationship) là về những mối quan hệ và sự quan trọng của chúng trong việc khuếch đại những cảm giác tích cực lẫn tiêu cực trong đời sống thường nhật.

“M” (meaning) là cảm nhận về mục đích của bản thân trong việc trở thành một phần của cái gì đó lớn lao hơn như về văn hóa tôn giáo, gia đình hay xã hội. Chẳng hạn như hoạt động vì một môi trường tốt đẹp hơn sẽ giúp cuộc sống ý nghĩa hơn. Việc quan tâm, đối tốt với người khác cũng làm tăng sức khỏe bản thân.

“A” (accomplishment) là về các thành tựu, thành công đạt được trong cuộc sống. Không nhất thiết là các thành công về tài chính, mà đơn giản chỉ là thành công và thành thạo thêm một kỹ năng hay một hoạt động vì nhu cầu bản thân.

Đạt-lai Lạt-ma đã từng nói rằng: “Hạnh phúc không phải một thứ gì có sẵn mà nó đến từ những hành động của chính bản thân bạn”.

TM (theo CNN)

Hôn nhân, hạnh phúc hay bất hạnh đôi khi chỉ trong gang tấc

Hôn nhân, hạnh phúc hay bất hạnh đôi khi chỉ trong gang tấc

Có những tính cách tưởng chừng là tốt nhưng thực tế lại khiến người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân.