Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ cuối)

Có những gia đình cả hai thế hệ đều tham gia từ mở đường đến bảo dưỡng đường Hạnh Phúc.

Kỳ cuối: Viết tiếp những trang Hạnh Phúc

Tháng 3-2015, Hà Giang lần đầu có một lễ kỷ niệm ồn ào nhân ngày hoàn thành đường Hạnh Phúc. Cuộc vinh danh sau rất nhiều giới thiệu, đã không có chỗ cho chính những chủ nhân được nói lên tiếng nói của mình. Nhưng có lẽ, Hạnh Phúc không phải là ở những xôn xao phù phiếm ấy.

Một tuần và bốn tiếng

185 cây số Hà Giang đến đến tận Mèo Vạc, ngay cả khi đã hoàn thành đường cũng là thử thách cho tất cả lái xe. Ông Hứa Văn Chử kể lại ngày đó để đưa vợ - lúc đó đang mang bầu 8 tháng về quê (Lạng Sơn), ông phải mất gần một tuần, trong khi cũng chỉ được chừng ấy ngày nghỉ phép. Xe từ Yên Minh về Hà Giang ba ngày mới có một chuyến, lỡ là phải nằm lại huyện mất thêm vài đêm. Có xe rồi chạy đường rải đá 60 cây cũng phải mất cả ngày trời.

Ông Phạm Đình Dy kể năm 1963, khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi đó là Phan Trọng Tuệ lên khánh thành giai đoạn 1 tuyến đường Hà Giang – Đồng Văn, đường Hà Giang thậm chí còn không nằm trong danh mục của Bộ GTVT. Ông Tuệ đã ký quyết định nâng cấp đường Hạnh Phúc thành một phần quốc lộ 4C, được nhà nước cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm. Những năm 1968-1972, khi đất nước đang trong giai đoạn gian khổ nhất của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Mỹ ném bom điên cuồng miền Bắc, những công nhân ty giao thông vẫn xoay xở trên kinh phí ít ỏi, dựa sức người là chính trùng tu đường Hạnh Phúc.

Từ chỗ không có đường, họ đã phá đá suốt 6 năm để có con đường Hạnh Phúc hôm nay
Từ chỗ không có đường, họ đã phá đá suốt 6 năm để có con đường Hạnh Phúc hôm nay

Từ chỗ không có đường, sáu năm phá đá làm nên một con đường rải đá, rồi lên đường cấp phối, lên đường nhựa đẹp như mơ của ngày hôm nay, là một quá trình bền bỉ, là kết quả của 50 năm giữ đường của nhiều lực lượng. Có những gia đình cả hai thế hệ đều tham gia từ mở đường đến bảo dưỡng đường Hạnh Phúc.  Hiện nay, chỉ mất 4 tiếng xe chạy thẳng từ Hà Giang đến Đồng Văn.

Tháng 3-2015, khi các cựu TNXP có dịp được đi lại con đường Hạnh Phúc, tất cả đều ngỡ ngàng vì sự đổi thay của con đường chính tay họ làm ra. “Ngày xưa toàn rừng, đường làm xong cũng rải đá, đi nảy lên nảy xuống. Giờ đường đẹp, chạy mấy tiếng đến nơi, nhiều chỗ tôi không nhận ra”, ông Hứa Văn Chử bồi hồi. Hơn 80 tuổi, nghe đến đi Hà Giang là ông sôi nổi lạ thường, tự đi khám sức khỏe để chứng minh với con cái mình vẫn đủ sức ngồi xe qua cả mấy trăm cây số: “Có thể là lần cuối tôi đi Hà Giang”.

Bây giờ chỉ cần 4 tiếng để đi từ TP Hà Giang đến Đồng Văn
Bây giờ chỉ cần 4 tiếng để đi từ TP Hà Giang đến Đồng Văn

 Những cựu TNXP gặp nhau tay bắt mặt mừng, có cả nước mắt. Người trẻ nhất cũng đã ngấp nghé 80 tuôi, với nhiều người trong số họ, có thể đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối họ đi dọc đường Hạnh Phúc. Dù chính tay họ làm đường, nhưng làm xong là rời đi, không mấy ai có cơ hội được tận mắt thấy thành quả con đường trọn vẹn. Nhiều người trong số họ như bà Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Xuân, Triệu Thị Dần, lần đầu tiên được đến Mã Pì Lèng. Có người như ông Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Dương Phả, lần đầu tận tay sờ vào lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú: “Tôi là người đầu tiên của đoàn ôm được lá cờ đấy”, ông Toan hào hứng.

Có những người như ông Trịnh Văn Đảm, dù có dịp đi lại con đường nhiều lần, vẫn ôm mặt rưng rưng khi qua những nơi mà chính tay ông đã chôn cất đồng đội. Năm xưa khi đục từng lỗ choòng, mỗi lần nhìn một nắm đá bằng vốc tay bắn ra, không một ai trong số họ nghĩ tới một ngày mà ngồi ô tô chạy thẳng, chỉ mất bốn tiếng là đi hết con đường mà họ đã hy sinh vào đó suốt 6 năm ròng rã lứa tuổi thanh xuân.

Giản dị và bình tâm

Không hiểu sao, khi gặp những người mở đường Hạnh Phúc, trong chúng tôi nghĩ ngay tới những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Có biết bao người con gái, con trai

Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” 

Chúng tôi tin những con người đã gặp, họ thực sự giản dị và bình tâm sau khi hoàn thành con đường lịch sử ấy. Có thể rất nhiều thế hệ sau này sẽ không thể tưởng tượng được con đường qua dốc đèo hiểm trở ấy được tạo ra chỉ chính bằng bàn tay nhỏ bé của những con người bình thường.

Ông Phạm Đình Dy kể khi gặp đoàn Bộ GTVT CHDC Đức, họ cứ xuýt xoa làm sao ông có thể khảo sát con đường chỉ với một tấm bản đồ và một cái thước đo độ dốc tự tạo, càng không thể tưởng được chỉ bằng tay người ta có thể phá đá qua mấy dốc cổng trời. Thứ trưởng Bộ GTVT CHDC Đức sau đó mới tặng ông Dy một bộ dụng cụ. Gần 20 năm sau ngày vạch cung đường khó khăn nhất trong sự nghiệp làm giao thông, ông Dy mới lần đầu tiên có được một bộ đồ nghề đúng nghĩa.

4 năm trước, ông Phạm Đình Dy, trong câu chuyện với chúng tôi nhấn mạnh rất nhiều lần: Người ta đã bỏ quên công lao to lớn của những dân công Hà Giang trong công cuộc làm đường trên cao nguyên đá. Là trưởng ty giao thông Hà Giang, sau này là Bí thư tỉnh ủy Hà Tuyên, ông Dy bảo: “Ngoại trừ đường Hạnh Phúc, tất cả các cung đường khác ở Hà Giang đều do dân công thực hiện. Hoàn thành Hạnh Phúc, sau này Hà Giang còn có thêm các tuyến đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì – Xín Mần, các tuyến đường ngách Yên Minh – Bạch Đích, đường Sà Phìn – cột cờ Lũng Cú.

Đường xuống Sủng Là, đoạn đường ông Phạm Đình Dy cương quyết làm dù phải xa hơn đoạn qua Phố Bảng 5 cây số
Đường xuống Sủng Là, đoạn đường ông Phạm Đình Dy cương quyết làm dù phải xa hơn đoạn qua Phố Bảng 5 cây số

Ông Phạm Quang Bút, người cùng dân công Yên Minh làm 20 cây số Yên Minh – Bạch Đích bảo: “Chỉ trong vòng 30 ngày chúng tôi đã làm xong. Cũng phá đá, treo mình, nhưng dân công họ nhiệt tình vô cùng, kêu gọi mở các tuyến đường bảo vệ biên giới là họ tham gia ngay”.

Tỉnh Hà Giang cũng mới giải quyết một phần chế độ cho các TNXP tham gia xây đường Hạnh Phúc với 3 triệu/ 1 người. Nhưng 2000 người ngày ấy, giờ chỉ còn giữ được tên hơn một nửa. Đến cả tấm bia ghi công trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng cũng bị viết sai. Có lẽ, những con người ấy không cần phải nhắc tên chỉ mặt. Họ chỉ cần nhìn lại chính thành quả tạo ra, gặp lại ôm nhau để nhớ một thời, để khóc và cười sau nửa thế kỷ.

Ông Nguyễn Mạnh Thùy chỉ nhỏ nhẹ: “Chúng tôi không cần giới thiệu cá nhân, nhưng giá mà người ta nhắc đến các đồng chí chỉ huy công trường thì tốt, tuy rằng các đồng chí ấy không còn nữa”.

Tượng đài TNXP ở gần đỉnh Mã Pì Lèng
Tượng đài TNXP ở gần đỉnh Mã Pì Lèng

Đọng lại trong chúng tôi là gương mặt ngơ ngác đầy nuối tiếc của đội trưởng Thanh niên dũng cảm Nguyễn Sĩ Quốc; dáng vẻ cần mẫn của ông Nguyễn Hữu Vọng; gương mặt người trông nom đồng đội trên nghĩa trang TNXP Yên Minh Phạm Quang Bút; những nụ cười của hoa khôi Lạng Sơn Viên Chí Anh, kiện tướng đục choòng Nguyễn Thị Thanh; cái thở dài của ông Hà Văn Sắm (C Cao Bằng) ngày trở lại vì  “Bà ấy cũng là TNXP ở đây, nhưng bà ấy chết rồi, chết năm kia, không đi theo lên đây được”. … Họ mới chính là đại diện cho cả một thế hệ tuổi hai mươi “Đi không tiếc đời mình”, và là câu trả lời cho ai đó còn nghi ngờ về những sự cống hiến vô tư tử tế.

“Ta phá đường đi lên Đồng Văn. Gặp rừng cao phát quang gặp suối sâu bắc cầu gặp núi đèo bước qua người muôn người quyết tâm” – vẫn là những lời hát của các cựu TNXP. Họ đã hát như thế suốt những ngày tháng ấy.

Thực ra không phải có con đường mới là Hạnh Phúc, mà cách những con người sống và làm, mới tạo ra Hạnh Phúc.

TN

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Trong một báo cáo năm 1962, công trường đề nghị tỉnh Hà Giang: “Cấp thêm ngô hoặc sắn cũng được, đừng cấp gạo nếp, ăn không no”.

Đọc nhiều nhất