HoREA đề xuất đánh thuế cao, thu hàng loạt sắc thuế mới để trị sốt đất

Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề xuất ban hành một loạt thuế như thuế chống đầu cơ nhà đất; đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất; ban hành thuế bất động sản… để trị dứt cơn sốt đất.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân sốt đất khắp nơi từ đầu năm 2021, đồng thời kiến nghị đánh một loạt thuế, siết tín dụng bất động sản, với khẳng định sẽ trị được sốt đất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra trên diện rộng hiện nay. Sốt đất làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

dat-puq-4159-1524741889.jpg
Theo HoREA, ừ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, đáng chú ý là là cơn sốt đất xảy ra trên diện rộng hiện nay. Ảnh: VnExpress

Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền, theo HoREA, là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi” giao dịch mua bán giả tạo, thừa cơ hội trục lợi bất chính.

Sốt đất đã đẩy giá đất ở một số địa phương lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Song song với sốt đất, giá nhà tại TP.HCM từ năm 2020 đến nay cũng tăng vọt. Nguyên nhân khiến giá nhà tăng là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ tầm giá trên dưới 35 triệu đồng/m2; hoặc căn hộ 2 phòng ngủ trên dưới 2 tỷ đồng. Riêng nhà ở thương mại giá thấp tầm 20-25 triệu đồng/m2 gần như không còn.

Để “trị” sốt đất và “bình ổn giá nhà”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất Thủ tướng nhiều giải pháp, trong đó đề xuất ban hành một loạt thuế liên quan đến bất động sản.

Theo đó, HoREA đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất bằng việc đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập. Với lý giải việc đánh thuế cao sẽ triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”.

Cùng với đó là xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên, và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. 

tien1-1.jpg
Đánh thuế cao, ban hành nhiều sắc thuế mới là giải pháp HoREA cho rằng có thể trị dứt cơn sốt đất. Ảnh: TP

Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất cũng được Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề xuất, theo nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, để sản xuất kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Điều này cũng được lý giải để triệt tiêu ý chí đầu cơ trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ.

Với những bất động sản chậm đưa vào sử dụng cũng bị đề xuất đánh thuế cao. Theo HoREA, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao, sẽ triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Ngoài đề xuất đánh thuế cao, HoREA cũng đề xuất ban hành “thuế bất động sản”. 

“Hiệp hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành ‘thuế bất động sản’, đánh trên giá trị nhà và đất, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước. Nhưng đề nghị cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở nước ta”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu lưu ý.

Hiệp hội cũng đề xuất thay thế thu “tiền sử dụng đất” tại các dự án nhà ở bằng “Thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá thành, dẫn đến giảm giá bán nhà.

Ngoài thuế, HoREA còn kiến nghị cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản bằng siết tín dụng, can thiệp bằng biện pháp hành chính. Hiệp hội này đề xuất sử dụng cả biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản, để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”.

Ví dụ, hiện nay ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Nhưng khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham khảo cách làm của một số nước, có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng”.

Hiệp hội này còn đề xuất kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng, với lý giải để ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà… “lướt sóng” bất động sản.

Q.HUY