Kêu gọi đóng góp "tiếng ho" để hệ thống AI phát hiện Covid-19 nâng độ chính xác trên 95%

Dự án AICOVIDVN kêu gọi những người không may nằm từ F0 đến F3 đóng góp "tiếng ho" để AI có thể chẩn đoán với độ chính xác kỳ vọng trên 95%.

Suốt 2 tháng qua, dự án AICOVIDVN đã xây dựng và huấn luyện AI để nhận diện tiếng ho với tỉ lệ phát hiện đúng đã lên đến 90%. Tuy nhiên, dự án kêu gọi những người không may nằm từ F0 đến F3 đóng góp "tiếng ho" của mình, để AI Engine có thể chẩn đoán với độ chính xác kỳ vọng trên 95%.

Công cụ sàng lọc giúp giảm tải cho đội ngũ bác sĩ

Theo nghiên cứu từ Đại học MIT công bố tháng 1/2021, khi virus mới xâm nhập cơ thể, chúng chưa xâm nhập đủ sâu để tạo ra các triệu chứng như sốt hay ho nhưng đã gây ra những tổn thương nhỏ và nhẹ trong phổi. Khi được yêu cầu cố tình ho, phân tích tiếng ho này có thể nhận diện được sự hiện diện của virus. Thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nghe hàng ngàn mẫu tiếng ho của người có virus và không có virus, qua đó, phân tích và lọc được những tín hiệu mà tai người không nghe không phân biệt được. 

Kêu gọi đóng góp

Giải pháp của MIT có thể giúp nhận diện Covid-19 với độ chính xác lên đến 97% (chỉ số AUC), và hiện nay đã đăng ký với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từ 1/2021 và đang chờ thẩm định, cấp phép để đưa vào sử dụng.

Từ cuối tháng 5/2021, TP. Hồ Chí Minh sử dụng Robocall qua đó AI tự động gọi điện cho hàng triệu người dân và đặt câu hỏi để họ tự khai báo triệu chứng mắc Covid-19. Hệ thống yêu cầu người dân tự khai báo triệu chứng, giúp sàng lọc khá hiệu quả những người có nguy cơ. Tuy nhiên, có nhiều người mắc bệnh nhưng chưa có triệu chứng nên khó sàng lọc bằng cách như trên. Các đợt xét nghiệm nhanh, diện rộng hiện nay thường sử dụng test kháng nguyên, đòi hỏi các y bác sĩ rất vất vả và người dân tập trung đông người để lấy mẫu.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, cộng đồng kỹ sư AI Việt Nam tin rằng để những giải pháp như Robocall của TP Hồ Chí Minh được nâng cao hơn nữa hiệu quả và triển khai diện rộng, và giảm tải cho các y bác sĩ, cần xây dựng giải pháp AI và phát triển nó trở thành một công cụ sàng lọc. Khi người dân ho vào điện thoại, AI sẽ phân tích tiếng ho và đưa ra chẩn đoán xem họ có mắc Covid hay không, tương tự như phương pháp của Đại học MIT, mà không cần phải lấy mẫu trực tiếp hay tập trung đông người.

Dự án đã tiếp cận với tài nguyên dữ liệu có sẵn với 1.700 mẫu ghi âm tiếng ho của người dương tính (từ Thụy Sỹ và Ấn Độ) và nhiều mẫu âm tính cùng một số nguồn mở khác. Tháng 6/2021, dự án đã xử lý làm sạch và gán nhãn 7000 mẫu dữ liệu.

Từ 22/06 - 01/07/2021, hơn 200 chuyên gia AI đã tham gia cuộc thi Hackathon "AICV-115M Challenge" (Vòng 1) nhằm xây dựng các giải pháp AI để thu âm tiếng ho của người dân qua tổng đài điện thoại hoặc qua app, rồi đưa ra chẩn đoán COVID-19 sơ bộ. Sau Vòng 1, giải pháp tạm dẫn đầu hiện nay đã đạt chỉ số đo độ chính xác AUC 91%, so với giải pháp của Đại học MIT đã công bố đạt AUC 97%. Tuy nhiên, các giải pháp này còn cần thêm nhiều dữ liệu để nâng cấp, và cần thẩm định y khoa, hiệu chỉnh để loại bỏ các sai sót chuyên môn.

Dự kiến, sau khi hoàn thành vòng 2 của cuộc thi từ 19/7 - 20/8/2021, giải pháp AI sẽ được chuyển giao cho các cơ quan chức năng thẩm định và nâng cấp, nhằm phục vụ công tác chẩn đoán qua Robocall trên toàn quốc và kết nối với các đơn vị để xây dựng app cho người dùng tự kiểm tra virus.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, công cụ này ra đời có thể giúp phát hiện được ca bệnh ở nhiều giai đoạn khác nhau, kể cả khi chưa có triệu chứng. Từ đó tìm ra những người có virus đang còn lẫn trong cộng đồng, giúp nhanh chóng khoanh vùng dịch, giảm tải cho y bác sĩ và các cán bộ tuyến đầu.

AICOVIDVN là dự án công nghệ cộng đồng để xây dựng, phát triển giải pháp nhận dạng Covid-19 qua tiếng ho bằng AI do các kỹ sư trong cộng đồng thực hiện để chẩn đoán nhanh khả năng mắc Covid-19. Bởi vì, con người có thể không phát hiện ra mình mắc Covid cho đến khi có triệu chứng như ho, sốt… hay tận đến khi được xét nghiệm bởi cơ quan y tế. Nhưng AI có thể làm được điều đó.

Công cụ này ra đời có thể giúp phát hiện được ca bệnh ở nhiều giai đoạn khác nhau, kể cả khi chưa có triệu chứng. Từ đó tìm ra những người có virus đang còn lẫn trong cộng đồng, giúp nhanh chóng khoanh vùng dịch, giảm tải cho y bác sĩ và các cán bộ tuyến đầu.

Kỳ vọng độ chính xác trên 95% nếu có đủ dữ liệu

Theo đại diện AICOVIDVN, dự án có kế hoạch kêu gọi thêm tối thiểu 10.000 mẫu tiếng ho trong đó có 100 - 500 mẫu của người dương tính (có triệu chứng, chưa có triệu chứng) qua điện thoại, gửi về dự án. Lượng dữ liệu càng nhiều, thuật toán AI có thể chẩn đoán thông minh hơn, kỳ vọng độ chính xác trên 95%.

Mục tiêu của giải pháp AI mà AICOVIDVN xây dựng nhằm nhận diện nhanh Covid qua tiếng ho/qua điện thoại, để từ đó tự đưa ra chẩn đoán qua ứng dụng và đề xuất tiếp tục xét nghiệm y tế (PCR). Giải pháp giúp phát hiện sớm những ca mắc Covid-19 chưa có triệu chứng, thêm công cụ sàng lọc ban đầu, giảm tải cho các y bác sĩ và cán bộ tuyến đầu và qua đó căn cứ đề xuất khoanh vùng dịch nhanh trên diện rộng.

Về lộ trình dự kiến, giai đoạn 1, AICOVIDVN sẽ xây dựng AI Engine trên dữ liệu tiếng ho từ nước ngoài chưa được làm sạch. Giai đoạn 2 sẽ phát triển giải pháp AI trên dữ liệu tiếng ho từ Việt Nam. Hiện giai đoạn này đang được thực hiện từ 19/7 - 20/8/2021, trong đó các đội thi Hackathon sẽ phát triển giải pháp trên hơn 15.000 mẫu dữ liệu đã được làm sạch từ nước ngoài. Dự án đặt kỳ vọng sẽ huy động được tối thiểu 10.000 dữ liệu tiếng ho từ người dân Việt Nam, trong đó có 100 - 500 mẫu dương tính, để giúp cho chất lượng giải pháp được tốt hơn.

Sau đó, dự án sẽ tiến hành giai đoạn thứ 3, thử nghiệm tích hợp giải pháp AI vào các ứng dụng, giải pháp đang được sử dụng. "AI Engine sau giai đoạn 2 hy vọng có tính chính xác cao để đưa vào chạy thử nghiệm trên các hệ thống Callbot quy mô lớn của cơ quan chức năng, các ứng dụng (app) y tế từ các tổ chức, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, AI vừa giúp trả lại kết quả có độ chính xác tương đối cao cho người dân, đưa khuyến cáo y tế nếu nghi nhiễm để người dân có thể đi xét nghiệm y tế, và vừa tiếp tục hoàn thiện hệ thống", đại diện dự án AICOVIDVN chia sẻ.

Giai đoạn cuối cùng là đóng gói và bàn giao giải pháp tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Cụ thể, trong một kịch bản tích cực, khi giải pháp đã ổn định và đã thẩm định, chứng minh được hiệu quả, Dự án sẽ chuyển giao pháp cho các cơ quan chức năng, và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển app y tế, để đưa vào sử dụng chính thức, lâu dài.

Nhóm Điều phối dự án AICOVIDVN bao gồm: TS. Vũ Xuân Sơn - đồng sáng lập DopikAI Lab và AIHUB.VN; TS. Vũ Hữu Tiệp - kỹ sư học máy tại Google, Sáng lập MLCB; Anh Lê Công Thành - Chủ tịch và CEO InfoRe Technology; đồng sáng lập và sản xuất Dataset.vn; TS. Harry Nguyen - PGS. ĐH Glasgow, đồng sáng lập AIHUB.VN; Nguyễn Thùy Trinh, nhà nghiên cứu AI thuộc ReML Research Group; TS. Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch, TFI Group; Anh Hưng Lê, Giám đốc dự án Growth tại Hete.

Dự án AICOVIDVN kêu gọi người dân cả nước, những ai có người thân bạn bè không may nằm trong diện F0-F1-F2-F3, hãy đóng góp "tiếng ho" của mình, để dự án nhanh chóng đạt được thêm tối thiểu 5.000 tiếng ho, nạp vào tiếp tục hoàn thiện hệ thống. Lượng dữ liệu càng nhiều, AI Engine có thể chẩn đoán thông minh hơn, kỳ vọng độ chính xác trên 90%. 

Cách đóng góp "tiếng ho": Mọi người dân Việt Nam, ưu tiên đối tượng F0-F1-F2-F3 có thể thu âm mẫu tiếng ho theo cú pháp: 

1. (ho 4-5 tiếng) 

2. Tôi tin mình là F... (Chưa rõ vui lòng bỏ qua) 

Sau đó, gửi file vào Nhóm Zalo cổng tiếp nhận dữ liệu httpbit.ly/dulieutiengho hoặc Messenger của trang thông tin chính thức của dự án: m.me/aicovn./.

ictvietnam

Dự báo thời tiết từ 14-15/7: Vùng núi Bắc Bộ có mưa rào, cục bộ có mưa to

Dự báo thời tiết từ 14-15/7: Vùng núi Bắc Bộ có mưa rào, cục bộ có mưa to

Dự báo thời tiết từ ngày 14-15/7, vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.