Hoạt động nằm trong sự kiện "VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025" kết hợp chương trình xúc tiến thương mại và phiên chợ sản phẩm OCOP – đặc sản địa phương do Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Chương trình không chỉ nhằm cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương mà còn tạo cơ hội tăng cường kết nối thị trường, góp phần đưa các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền vươn xa hơn.
Nhiều đặc sản núi rừng được bày bán tại phiên chợ. Ảnh: Viên Trần. |
Sự kiện với hơn 60 gian hàng gồm hàng trăm sản phẩm đại diện cho hơn 10 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là những sản phẩm của cộng đồng đồng bào: Dao, Ba Na, E Đê, S’Tiêng, Rak Ray….
Phiên chợ mang đến cơ hội khám phá những sản phẩm nổi bật từ Tây Nguyên và vùng núi cao gồm: Trà hoa vàng Ba Chẽ, măng mai (Quảng Ninh); gạo bọc thép K’Bang, mật ong voi rừng, trà dây, rượu cần Đăk Giang, môn dóc, đọt mây, rau rừng, rượu chòi mòi, thổ cẩm Bana (Kon Tum)...
Rượu Cần một loại đặc sản người dân miền núi. Ảnh: Viên Trần. |
Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các làng nghề thủ công truyền thống từ Ninh Thuận cũng đóng góp sản phẩm độc đáo như giỏ, gùi, nỏ, đàn Chapi.
Những sản phẩm độc đáo từ rừng nhưng không gây tổn hại đến môi trường là điểm nhấn chính, do chính người dân tộc thiểu số sống gần rừng mang đến để giới thiệu và bán.
Các sản phẩm thân thiện môi trường được trưng bày tại phiên chợ. Ảnh: Viên Trần. |
Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phụ trách khu vực phía Nam, chia sẻ: Gần 3 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, chương trình đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển sản phẩm và hỗ trợ chủ thể OCOP. Việt Nam với 54 dân tộc anh em là kho tàng đa dạng các sản phẩm bản địa và đặc sản vùng miền, vừa mang giá trị truyền thống vừa là niềm tự hào về bản sắc dân tộc.
Ông nhấn mạnh, mục tiêu của OCOP không chỉ là tạo ra sản phẩm mà còn xây dựng thế hệ doanh nông năng động, trách nhiệm. Thông qua chương trình, tài nguyên bản địa được nâng tầm thành niềm tự hào của cộng đồng và đất nước, như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi gắm đến nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Trịnh Thị Mỹ Dung, Quản lý NTFP-EP Việt Nam, chia sẻ chương trình này nhằm bảo tồn rừng và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn PGS – một hệ thống đánh giá có sự tham gia của cộng đồng trong khai thác và giám sát. Tiêu chuẩn này được xây dựng từ cấp địa phương, liên kết với các bên liên quan và phù hợp với điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ tự giám sát thông qua mã QR code mà không tốn chi phí đánh giá hàng năm.
Hiện NTFP-EP Việt Nam đã hỗ trợ ba nhóm sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đạt tiêu chuẩn PGS, bao gồm mật ong PơKao ở Lâm Đồng, măng ở Kon Tum và trà hoa vàng Ba Chẽ ở Quảng Ninh. Trong thời gian tới, tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn này, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Bà Dung cũng cho biết chương trình tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho các nhóm sản phẩm lên thành phố bán hàng trước Tết, giúp họ có thêm thu nhập và học hỏi kỹ năng thương mại, truyền thông từ các doanh nghiệp khác. “Mục đích là để họ ăn Tết đầy đủ hơn và cải thiện sản phẩm của mình,” bà nói.
Phiên chợ là cơ hội rất nhiều tiêu dùng đã mua sắm dịp cuối năm. |
Theo ông Felix Tanedo, Điều phối viên Dự án AFOCO khu vực châu Á, chương trình đào tạo người dân phát triển sản phẩm ngoài gỗ, tiếp cận thị trường lớn hơn và kiếm thêm thu nhập. Việc này sẽ giúp giảm tình trạng chặt phá rừng, bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên. Hiện NTFP-EP Việt Nam đang triển khai dự án liên kết thị trường và cải thiện sinh kế địa phương dưới sự hỗ trợ của AFOCO và các tổ chức liên quan.
Ngoài ra, tại sự kiện khách tham quan còn được trải nghiệm ẩm thực độc đáo với món lẩu gà sâm Ngọc Linh, do đầu bếp Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm NHS, chuẩn bị.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 14.642 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023. Trong đó, 73,2% sản phẩm đạt 3 sao, 23,5% đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 5 sao, và một số sản phẩm tiềm năng 5 sao. Cả nước có 8.086 chủ thể OCOP, bao gồm 32,7% hợp tác xã, 24,1% doanh nghiệp nhỏ, 42,7% cơ sở sản xuất hoặc hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Năm 2024, các nhóm đồng bào trong dự án đã tham gia hội chợ thực phẩm và đồ uống quốc tế Sial tại Trung Quốc. Dự kiến, vào năm 2025, nhóm sẽ tiếp tục chinh phục các hội chợ lớn ở Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia, mở ra hành trình mới trên con đường hội nhập quốc tế.
Sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Các sản phẩm nông nghiệp và nông thôn từ khắp mọi miền đất nước không chỉ được nâng tầm giá trị tại thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã trở thành biểu tượng tự hào của quốc gia trong các sự kiện ngoại giao quốc tế.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục khẳng định chiến lược phát triển kinh tế nông thôn đúng đắn, dựa trên phát huy nội lực, phát triển ngành nghề địa phương, mở rộng thị trường và khai thác tiềm năng, lợi thế vùng miền. Qua đó, chương trình đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới một cách hiệu quả và bền vững.
Hà Nội tạm dừng đào đường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết
Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè các công trình trên địa bàn TP từ ngày 22/1/2025.