Khi con "say nắng" tuổi teen: Cha mẹ nên ứng xử như thế nào?

Những "người đặc biệt" ở độ tuổi tiểu học không còn là chuyện lạ, nhưng cha mẹ nên phản ứng thế nào để đồng hành cùng con một cách tốt nhất?
Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Không còn là chuyện hiếm, ngày nay nhiều phụ huynh giật mình khi nghe con mới học lớp 2, lớp 3 líu lo kể về một "người đặc biệt" trong lớp, hay thậm chí viết thư tay, vẽ hình trái tim tặng bạn khác giới. Những rung động đầu đời khiến cha mẹ bối rối, không biết nên phản ứng thế nào: lo lắng, nghiêm khắc cấm đoán, hay nhẹ nhàng lắng nghe?

Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng không phải là ngăn chặn cảm xúc của trẻ, mà là hiểu đúng, xử lý khéo và đồng hành cùng con để xây dựng nền tảng cảm xúc lành mạnh.

Yêu sớm hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mạng xã hội và môi trường giáo dục mở, trẻ em ngày nay trưởng thành về mặt tâm lý sớm hơn thế hệ trước. Từ tiểu học, trẻ đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến bạn khác giới, thích làm đẹp, biết ghen tuông, hoặc buồn vui vì một mối quan hệ đặc biệt.

Chị Hồng Vân (quận Ba Đình HN) chia sẻ: “Một hôm tôi thấy con gái lớp 4 cặm cụi viết thư ‘tỏ tình’ gửi bạn trong lớp. Cả nhà lúc đó sốc nhưng rồi tôi quyết định không mắng, mà nhẹ nhàng hỏi con đang cảm thấy thế nào.”

Trường hợp như con chị Vân không hiếm. Điều quan trọng phụ huynh hiểu rằng trẻ đang học cách cảm nhận, thể hiện cảm xúc, và đây chính là giai đoạn cha mẹ có thể giáo dục cảm xúc điều mà nhiều người lớn sau này còn thiếu.

Đừng “thổi phồng” cảm xúc non nớt của con

Trẻ nhỏ yêu rất trẻ con. Đó có thể chỉ là sự quý mến, ngưỡng mộ, thích chơi cùng chứ chưa phải là tình yêu theo nghĩa người lớn. Tuy nhiên, nếu người lớn phản ứng quá mức như gán ghép, chế giễu hay cấm đoán, điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tổn thương hoặc... “yêu ngầm” để tránh bị phát hiện.

Theo các chuyên gia tâm lý nhận định: “Nhiều bậc phụ huynh vô tình tạo áp lực lên trẻ khi hỏi ‘Con với bạn đó là gì?’, hoặc dọa nạt ‘Con còn nhỏ mà đòi yêu đương là hư’. Thay vì lên án, hãy tò mò một cách tích cực để hiểu con đang trải nghiệm gì.”

Gợi ý ứng xử thông minh khi con có dấu hiệu yêu sớm

Bình tĩnh và cởi mở, đừng hoảng hốt hay thể hiện thái độ tiêu cực. Hãy hỏi con những câu nhẹ nhàng như: “Con thấy bạn ấy đáng yêu ở điểm nào?” hoặc “Con nghĩ thế nào về tình bạn và tình yêu?” từ đó, cha mẹ sẽ hiểu được mức độ cảm xúc của con.

Dạy con phân biệt cảm xúc, trẻ cần được hướng dẫn cách nhận diện và gọi tên cảm xúc: thích, quý mến, yêu thương, ngưỡng mộ... Việc phân biệt này giúp trẻ hiểu rõ bản thân và biết đặt giới hạn phù hợp.

Trò chuyện về giá trị cá nhân và giới tính, đây là cơ hội quý giá để dạy con về sự tôn trọng bản thân, giới hạn cơ thể, cách thể hiện tình cảm lành mạnh và an toàn. Tránh né hoặc giảng dạy một chiều dễ khiến trẻ tìm thông tin từ bạn bè hoặc mạng xã hội nơi không được kiểm chứng.

Định hướng thay vì kiểm soát, nếu trẻ bộc lộ cảm xúc yêu thương quá mức, hãy hướng trẻ quay lại với các hoạt động phù hợp như thể thao, nghệ thuật, học nhóm… Tạo cơ hội để trẻ mở rộng mối quan hệ và khám phá bản thân thay vì “giam lỏng” trong tình cảm non nớt.

Gia đình là nơi dạy trẻ cách yêu đúng

Các chuyên gia đồng tình rằng, cha mẹ chính là tấm gương đầu tiên để trẻ học cách yêu thương và thể hiện cảm xúc. Khi cha mẹ yêu thương nhau, ứng xử văn minh, chia sẻ chân thành, con sẽ học được rằng: yêu lành mạnh là sự tôn trọng, chăm sóc và hiểu nhau chứ không chỉ là những hành động bộc phát hay cảm xúc nhất thời.

Và quan trọng nhất hãy để con biết rằng dù con có cảm xúc gì, cha mẹ luôn ở bên, lắng nghe và đồng hành.

Việc trẻ yêu sớm không phải là mối nguy nếu được nhìn nhận đúng đắn. Ngược lại, đó là cơ hội quý báu để cha mẹ rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho con, giúp con trưởng thành lành mạnh cả về nhận thức lẫn nhân cách. Đừng lo lắng khi con yêu hãy vui vì con đang học cách trở thành một người biết yêu thương đúng cách.

Hoàng Toàn

Kết hợp các kỹ năng khi nuôi dạy con để phát triển toàn diện

Kết hợp các kỹ năng khi nuôi dạy con để phát triển toàn diện

Nuôi dạy con không chỉ là tình yêu thương vô điều kiện, mà còn là hành trình đòi hỏi cha mẹ kết hợp các kỹ năng giúp con phát triển toàn diện.