Khi con bị bạn đánh ở trường, phụ huynh nên hành xử sao cho đúng? Ảnh minh họa: giadinh.net.vn |
Xung quanh sự việc một phụ huynh trường quốc tế tại TP.HCM livestream trên mạng xã hội tố cáo con bị bạn đánh ở trường có rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Các chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng, bày tỏ quan điểm, góc nhìn riêng, nhưng đều tập trung vào mục tiêu bảo vệ an toàn cho học sinh, kể cả học sinh gặp nạn và học sinh sai phạm.
Liên quan đến sự việc, GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã chia sẻ: “Khi có những sự việc như thế này, thông thường ở các trường quốc tế, nhà trường sẽ nói chuyện riêng với từng học sinh để nghe kể sự việc từ những người có liên quan. Sau khi hiểu rõ sự việc, nhà trường sẽ trao đổi riêng với phụ huynh hai bên. Phụ huynh chỉ ngồi với nhau khi đã thực sự bình tĩnh, thiện chí để hoà giải và tìm hướng khắc phục trong tương lai.”
GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam |
Trong bài đăng của mình, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã dẫn ra 6 lý do cho thấy cách ứng xử của thầy phụ trách chuẩn mực và bình tĩnh và không có gì sai khi: không cho phụ huynh T.H.T gặp trực tiếp học sinh đã đánh con của chị. “Bạn đó tuy sai nhưng chưa đủ 18 tuổi, nhà trường cần bảo vệ trong trường hợp này.”
Nhận thấy cách cư xử của phụ huynh cả hai bên “vẫn còn kém văn minh”, GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng “Nếu muốn giáo dục con, xin các bạn hãy tôn trọng thầy cô”
PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cũng có quan điểm cần phải bảo vệ an toàn cho học sinh, bao gồm cả học bị bạn đánh và học sinh sai phạm.
“Chúng ta nên xác định là tất cả những việc mà chúng ta làm chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, không phải chỉ của con mình mà cả những trẻ khác nữa”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục cũng chia sẻ “Chuyện va chạm của học sinh với nhau có thể xảy ra, và thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen, các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, thái độ đúng của nhà trường, cha mẹ sẽ quyết định việc ngăn sự việc trượt ra xa hơn. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn được cho em học sinh gặp nạn, và mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn.”
Ông Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục |
Diễn giả độc lập cũng cho biết “Với học sinh còn đang học phổ thông, dưới 18 tuổi, cha mẹ thường chính là người giám hộ (guardian) của trẻ. Do vậy, khi con bị hành hung, tấn công, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng… ở trường, cha mẹ có những quyền nhất định để can thiệp và bảo vệ con cái”
Dưới đây là 8 quyền của cha mẹ với nhà trường được diễn giả Bùi Khánh Nguyên chia sẻ:
- Thứ nhất: Quyền được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường.
- Thứ hai: Quyền được nhà trường thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy của nhà trường đối với các hành vi bị kỷ luật của học sinh, cũng như quy trình thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh. Chính sách này phải được xây dựng từ trước, và được thông tin tới toàn thể cộng đồng học sinh, giáo viên, nhân viên, và cha mẹ. Trong trường hợp trường không có chính sách này, cha mẹ có thể yêu cầu trường áp dụng theo điều lệ trường phổ thông hoặc theo các thông tư quy định việc khen thưởng, kỷ luật học sinh. Tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đều yêu cầu nhà trường phải có chính sách bảo vệ an toàn và hạnh phúc (wellbeing) của học sinh .
- Thứ ba: Quyền yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật để xem xét vụ việc xâm phạm tới con mình và quyền được tham gia các cuộc họp với nhà trường để trao đổi thông tin, giải quyết sự việc.
- Thứ tư: Quyền yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp con bị đe dọa bởi bạn bè hoặc người lớn trong trường.
- Thứ năm: Quyền yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như bảo vệ tâm lý cho con.
- Thứ sáu: Quyền được yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp.
- Thứ bảy: Quyền khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường.
- Và quyền được báo cảnh sát trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại…
Tuy nhiên, ông Bùi Khánh Nguyên cũng lưu ý phụ huynh một số quyền không thể có, nhằm có cách ứng xử đúng mực khi con bị bạn đánh tại trường:
- Không được gặp trực tiếp học sinh gây ra thương tích hay xâm hại bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia. Như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu.
- Không được gặp trực tiếp gia đình của đứa trẻ gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải được tổ chức trong trường, và do trường sắp xếp.
Sự giáo dục khác biệt của các bậc phụ huynh ở đất nước có những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới
Báo cáo của UNICEF cũng nhấn mạnh rằng không phải tất cả trẻ em sống ở các nước giàu có đều có một tuổi thơ tốt đẹp.