Khởi công Sân bay Long Thành trong năm 2021, hoàn thành năm 2025

Với tiến độ hiện nay, sân bay Long Thành sẽ khởi công trong năm 2021 và hoàn thành năm 2025.

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành dự thảo thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án sân bay Long Thành

Báo cáo cho biết, cuối tháng 6/2019, liên danh tư vấn Nhật – Pháp – Việt (tư vấn JFV) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành. Trên cơ sở tờ trình của Chủ đầu tư - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng và Hội đồng thẩm định nhà nước, với tổng mức đầu tư dự án là 4,789 tỉ USD. 

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV
Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng các hạng mục gồm đường cất-hạ cánh chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m, đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m. Xây dựng nhà ga hành khách 4 tầng có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, nhà để xe có công suất khoảng 4.200 ô tô. Các nhà ga hàng hóa tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khu cung cấp suất ăn hàng không có công suất 40.000 suấtn/ngày; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, xử lý nước thải… 

Bên cạnh đó là hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành gồm 2 tuyến chính: Tuyến số một, nối sân bay với Quốc lộ 51, quy mô sáu làn xe. Tuyến số hai nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM-Long Thành, quy mô bốn làn xe. 

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất-hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách, để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, ga hàng hóa đạt 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. 

Ngày 27/5/2020 vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước họp phiên toàn thể, nghe báo cáo thẩm tra và có ý kiến thẩm định. Trên cơ sở đó, ACV đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình Hội đồng thẩm định nhà nước. Ngày 24/8 vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước lấy ý kiến các thành viên Hội đồng để thông qua dự thảo báo cáo thẩm định. 

  15 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn đã mời thầu. Ảnh: Báo Đồng Nai

15 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn đã mời thầu. Ảnh: Báo Đồng Nai

Kết quả, đa số nhất trí thông qua dự thảo báo cáo thẩm định và nội dung dự án. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh báo cáo thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt dự án.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, phê duyệt dự án đang chậm so với yêu cầu, do đây là dự án rất lớn, có tính chất phức tạp nên tư vấn thẩm tra quốc tế hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chậm hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng dịch COVID-19 nên trong quá trình thẩm tra, thẩm định, các đơn vị, cá nhân liên quan không thể họp để trao đổi trực tiếp mà phải thực hiện gián tiếp nên cần thêm thời gian. 

Để sớm khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị nguồn lực để triển khai ngay bước thực hiện đầu tư sau khi phê duyệt dự án. Với tiến độ hiện nay, dự kiến Sân bay Long Thành sẽ khởi công năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025 theo Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Về mặt bằng, tỉnh Đồng Nai cho biết dự án thu hồi đất một lần 5.000 ha để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 364,21 ha để xây dựng 2 khu tái định cư. Tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng. 

Đồng Nai được giao vốn 18.195 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2020 để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay mới đạt 2.654 tỷ đồng (14,6%). 

Với diện tích ưu tiên để xây dựng sân bay giai đoạn 1 (gồm 1.810 ha) hiện đã hoàn thành công tác kiểm đếm 630 ha. Phần còn lại (của 1.810 ha) dự kiến bàn giao trong tháng 10/2020. 

Sân bay Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Dự án có tổng mức đầu tư khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014).

Giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương