Kim chi với Hallyu

Sức hút văn hóa Hàn Quốc trở thành một dạng “quyền lực mềm” giúp tăng thương hiệu cho quốc gia chỉ hơn 50 triệu dân nhưng có ảnh hưởng trên thế giới.

Từ Gangnam Style cho đến Squid Game, từ làn sóng công nghệ Samsung cho đến món kim chi nổi tiếng, làn sóng Hàn Quốc (hay còn gọi là Hallyu) đang khuấy đảo thế giới như một cơn bão.

Với những ca từ lay động tâm hồn, món ăn hấp dẫn, màn vũ đạo bắt mắt, công nghệ tiên tiến và những bộ phim đỉnh cao, Hallyu đang nhanh chóng chiếm lĩnh thế giới. Từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai nấy dường như đều đu đưa theo nhịp điệu các ca khúc K-pop, thậm chí hàng loạt các cửa hàng và quán ăn Hàn mọc lên trên khắp thế giới để phục vụ cho những khách hàng muốn trở thành một phần của hiện tượng.

Và hiển nhiên, sự quan tâm đến văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc dường như cũng gia tăng. Các thống kê cho thấy số lượng sinh viên tham gia các khóa học tiếng Hàn trên thế giới đã đạt tới con số 40.000 vào tháng 10/2021. Thậm chí ngay cả đại dịch toàn cầu cũng không thể làm giảm bớt sức ảnh hưởng của làn sóng.

Hallyu và sự vươn mình ra thế giới

Thuật ngữ “Hallyu” trong tiếng Hàn có nghĩa là “làn sóng Hàn Quốc”, thể hiện sự phát triển phi thường của văn hóa Hàn đối với thế giới, đặc biệt qua lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình, ẩm thực…

Hallyu xuất hiện từ giữa những năm 1990 khi các bộ phim truyền hình Hàn Quốc tạo sức hút ngày càng tăng với các quốc gia nước ngoài, đặc biệt tại Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhóm nhạc Hàn Quốc như Big Bang, Girls’ Generation, Kara đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của làn sóng từ giữa những năm 2000 đến đầu những năm 2010. Và như một kết quả, mức độ phổ biến của làn sóng Hàn vượt ra ngoài châu Á, đặc biệt trong giới trẻ thanh thiếu niên đầu độ tuổi 20 tại Mỹ Latin và Trung Đông.

Kim chi với Hallyu

Với sự ra đời của mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Youtube, cùng thành công của các tác phẩm như “Parasite” (phim Hàn đầu tiên thắng giải Oscar phim hay nhất), Squid Game (series phim dẫn đầu nền tảng Netflix tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ), Hallyu vươn tầm ảnh hưởng tới bạn bè quốc tế, ngày càng nhiều người quan tâm tới văn hóa, ẩm thực cũng như ngôn ngữ truyền thống của quốc gia này.

Ngay từ đầu năm 1999, Hallyu đã trở thành một trong những hiện tượng văn hóa lớn nhất tại châu Á, đóng góp vào 0,2% GDP vào năm 2004, ước tính khoảng 1,87 tỷ USD. Trong năm 2019, Hallyu đem về khoảng 12,3 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc và hiện nay, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới.

Sức hút của văn hóa Hàn Quốc làm thay đổi mọi định nghĩa về văn hóa đại chúng, trở thành một dạng “quyền lực mềm” lợi hại giúp tăng thương hiệu cho quốc gia chỉ hơn 50 triệu dân nhưng lại có sức ảnh hưởng trên thế giới.

Thế nhưng thành công này không đến chỉ sau một đêm. Bên cạnh nỗ lực của người dân Hàn Quốc thì vai trò của nhà nước chính là đòn bẩy cho sự phát triển của làn sóng.

Đặt mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới, Hàn Quốc áp dụng hàng loạt các thay đổi như bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài với người dân vào năm 1990, tạo điều kiện giao lưu và học hỏi môi trường văn hóa thế giới, tái cơ cấu các tập đoàn gia đình, thúc đẩy công nghệ thông tin, bãi bỏ kiểm duyệt cho phép thế hệ trẻ thể hiện những ý tưởng mới trong điện ảnh cũng như âm nhạc…

Với quan điểm đưa nhiệm vụ bảo vệ văn hóa quốc gia lên hàng đầu, Hàn Quốc chủ trương học hỏi, đưa những nội dung được người dân quan tâm, những câu chuyện tình yêu đất nước kết hợp cùng cách làm phim “bom tấn” của Hollywood, tạo ra những cơn sốt hấp dẫn khán giả. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tích cực tổ chức các lễ hội văn hóa, chiến dịch quảng bá để giới thiệu sự độc đáo của quốc gia.

Là nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới, BTS đã giúp phục hồi ngành du lịch quốc gia khi trở thành đại sứ du lịch vào năm 2017, thu hút khoảng 790 ngàn du khách mỗi năm. Theo ước tính của viện nghiên cứu Hyundai vào tháng 12/2018, mỗi năm nhóm nhạc này đem về 3,67 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Các thành viên nhóm BTS phát biểu trong chương trình SDG Moment tại Liên hợp quốc.
Các thành viên nhóm BTS phát biểu trong chương trình SDG Moment tại Liên hợp quốc.

Nhóm cũng trở thành tâm điểm khi có bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Hàn với tư cách “Đặc phái viên của Tổng thống Hàn về thế hệ tương lai và văn hóa”, truyền tải tiếng nói của thế hệ tương lai tại hội nghị “SDG Moment” (Chương trình thúc đẩy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững) thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 vào tháng 9/2021.

Kim chi và chiến lược xây dựng thương hiệu ẩm thực.

Không chỉ thông qua các sản phẩm nghệ thuật, Hàn Quốc còn là một trong những quốc gia giỏi nhất trong việc xây dựng thương hiệu qua ẩm thực. Việc cài cắm khéo léo hình ảnh những món ăn Hàn trong các bộ phim điện ảnh không chỉ giúp ẩm thực nước này gây được tiếng vang mà còn tạo được sức ảnh hưởng trên toàn thế giới.

“Làn sóng của các Kdrama và K-pop đã mang nền ẩm thực Hàn Quốc đến gần hơn với mọi người”, Park Ga-hyun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, cho biết.

Bằng chiến lược “ngoại giao dạ dày”, Hàn Quốc đã thành công trong việc dùng thực phẩm để hóa giải xung đột và thúc đẩy kết nối giữa các quốc gia.

Bảo tàng Kimchi trưng bày gần 187 loại kim chi.
Bảo tàng Kimchi trưng bày gần 187 loại kim chi.

“Chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu một kiểu ngoại giao sử dụng văn hóa, âm nhạc và đặc biệt là ẩm thực”, ông Byung Hong Park – phụ trách vấn đề nông nghiệp và thực phẩm tại đại sứ quán Hàn Quốc ở Washington (Mỹ) cho biết. “Chúng tôi gọi món ăn Hàn Quốc là K-food, giống như nhạc K-pop”, ông nói về chiến dịch chính phủ tạo ra nhằm phổ biến ẩm thực quốc gia.

Bên cạnh việc ủng hộ người dân mở các nhà hàng Hàn trên khắp thế giới, chính phủ nước này đặc biệt chú ý tới việc quảng bá và xây dựng hình ảnh qua món ăn truyền thống của đất nước: món kim chi.

Đối với người dân Hàn Quốc, kim chi không chỉ đơn thuần là một món ăn làm từ rau củ lên men, mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và bản sắc dân tộc. Là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Hàn trong hàng ngàn năm, kim chi mang đậm giá trị lịch sử và phản ánh lối sống của người dân.

“Kim chi giống như không khí ở Hàn Quốc. Nó luôn có mặt trong tủ lạnh của mọi nhà với số lượng lớn”, Hyunjoo Albrecht – nữ đầu bếp Hàn Quốc ở San Francisco cho biết.

Kimjang, hoạt động muối kim chi tập thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Kimjang, hoạt động muối kim chi tập thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Gần 187 loại kim chi khác nhau được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Kimchi (Seoul, Hàn Quốc). Theo ước tính, khoảng 1,5 triệu tấn kim chi được dùng mỗi năm. Ngay cả thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng thể hiện nỗi ám ảnh này qua thuật ngữ “Chỉ số Kim chi” dùng để theo dõi thời điểm giá cải thảo và các nguyên liệu khác ở mức tốt nhất. Năm 2013, UNESCO đã thêm Kimjang – hoạt động cộng đồng chung tay làm kim chi số lượng lớn truyền thống ở Hàn Quốc vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Chính phủ hỗ trợ tài chính cho các nhà hàng Hàn ở Mỹ. Họ muốn ẩm thực Hàn được nhiều người biết đến hơn”, Hyunjoo cho biết khi cô mở thương hiệu kim chi “Sinto Gourmet” tại Mỹ.

Với sự hỗ trợ từ chính phủ, Si-Hyeon Ryu, một đầu bếp kiêm nhà văn Hàn Quốc đã thực hiện dự án Xe buýt Kim chi đi qua 32 quốc gia, từ Mỹ tới Argentina tới Ý với sứ mệnh nấu những món ăn Hàn truyền thống và lan tỏa tình yêu kim chi của anh. “Mọi người trên đường không biết nhiều đến ẩm thực Hàn Quốc. Họ hiểu hơn về đất nước tôi khi nghe tôi nói về kim chi”, anh chia sẻ.

“Chính phủ Hàn Quốc rất ý thức về văn hóa ẩm thực của họ. Sự gia tăng của các nhà hàng Hàn là một phần mở rộng của nền văn hóa đó. Chiến lược “ngoại giao kim chi” đó được Hàn Quốc dùng như một cách xây dựng thương hiệu”, ông Johanna Mendelson Forman, giáo sư nghiên cứu về lĩnh vực “ngoại giao dạ dày” tại Đại học Mỹ ở Washington cho biết.

Si-Hyeon Ryu với dự án
Si-Hyeon Ryu với dự án "Kimchi Bus" quảng bá ẩm thực Hàn ra thế giới.

Ngày nay, kim chi trở thành món ăn phổ biến trên toàn cầu, từ công thức chế biến cho đến các sản phẩm đóng gói. Chúng còn được chính phủ Hàn nghiên cứu thành thực phẩm đưa ra ngoài vũ trụ. Thậm chí ngày 22/11 hàng năm còn được thượng viện Agrentina quyết định làm ngày Kim chi ở nước này.

“Tôi nghĩ thức ăn không chỉ là thứ chúng ta ăn để sống, mà nó còn giúp chúng ta tin tưởng lẫn nhau. Hàn Quốc chúng tôi có câu nói: Bất cứ ai chuẩn bị cho bạn bữa ăn ngon… bạn không thể phản bội họ”, Soyeon Yi – nữ phi hành gia đầu tiên của Hàn Quốc cho biết.

Minh Nguyễn

BTS: Hành trình trở thành nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới

BTS: Hành trình trở thành nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới

Thiết lập hàng loạt kỷ lục trong ngành công nghiệp âm nhạc, 7 chàng trai nhóm K-pop BTS có lẽ là nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất thế giới từng chứng kiến.