Làm gì để TPHCM thực sự là động lực tăng trưởng của Việt Nam?

TP HCM phải giải được bài toán về hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực thì mới có thể bứt phá để đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là thực sự trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

TP HCM đang từng bước xây dự Đề án quy hoạch phát triển thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, TP thể hiện khát vọng trở thành một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế. TP đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người và vai trò của TP trong Vùng TP HCM, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, TP HCM phải giải được bài toán về hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn lực thì mới có thể bứt phá để đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là thực sự trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.

TP HCM cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TP HCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện của riêng TP. Việt Nam có phát triển được hay không nằm ở chỗ có hay không tận dụng được động lực phát triển đầu tàu TP HCM. Trước thực tế TP HCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, cần phải xem lại khả năng chống chịu của TP trước những biến động bất thường của kinh tế. Những hạn chế về hạ tầng giao thông, về cơ chế đang khiến TP gặp khó khăn trong phát triển.

Trong 10 năm tới TPHCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2- 1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động. Muốn như vậy, TP HCM cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị, để phát huy tính năng động sáng tạo, phát huy được vai trò của mình, giữ được vị trí đầu tàu.

Nếu cơ chế đang được ví như “chiếc áo chật” với TP HCM thì hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đang là một chiếc áo thiếu trước hụt sau. Nhiều nhà quản lý cho rằng, hạ tầng giao thông như hiện nay không đáp ứng được sự phát triển của TP và lại càng không thể liên kết vùng.  

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phân tích, một trong những đặc trưng của TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, nên phải đối mặt với nhiều mặt trái như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, Đồng Nai giáp TP HCM kết nối bằng 1 tuyến cao tốc và 2 tuyến quốc lộ nhưng đều quá tải, kẹt xe. Giao thông kết nối với các tỉnh khác khó khăn chính là một trong những nguyên nhân khiến GRDP sụt giảm. Đồng Nai đồng ý với TP HCM chủ trương xây dựng cầu Cát Lái, mở rộng cao tốc TP HCM– Long Thành– Dầu Giây từ 4 lên 12 làn xe, làm đường sắt cao tốc, đường sắt nhẹ…

Đồng thời, Đồng Nai cũng kiến nghị giữa hai địa phương còn có lợi thế giao thông thuỷ lớn nhưng khai thác hạn chế, chưa chia sẻ áp lực với giao thông bộ nên cần khai thác mạnh hơn, đặc biệt cho du lịch, vận tải…Muốn làm được những điều đó, cơ chế liên kết vùng cần rõ ràng và hiệu quả hơn, trung ương có những chính sách riêng cho vùng, để TP HCM phát triển được, kéo theo các địa phương trong vùng cùng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh: "Tôi kiến nghị TP HCM là một đầu tàu đề kết nối. Và với vai trò 'anh cả' trong vùng thì TP HCM sẽ ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng".

Phát triển khoa học công nghệ

Giải bài toán hạ tầng để TP HCM trở thành một đô thị hoàn chỉnh, khai thác tối đa những lợi thế về vị trí của mình. Để TP HCM phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khẳng định, chỉ có con đường phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp để đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng theo chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ cho rằng, chính vì có vai trò là động lực tăng trưởng của cả nước nên năng lực sáng tạo của TP HCM thể hiện năng lực sáng tạo quốc gia và sự phát triển của TP thể hiện sự phát triển của quốc gia. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, TP đang đứng trước nhiều thách thức buộc phải vượt qua.

Đó là, cơ chế đặc thù chưa đủ, giải pháp đột phá còn thiếu, thế mạnh của doanh nghiệp về vốn và lao động không còn nữa. Các doanh nghiệp hiện chỉ còn con đường nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ nhưng mới chỉ có 36,4% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, 121 doanh nghiệp trích Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

Theo ông Định: "Trong hệ thống đổi mới sáng tạo của TP thì doanh nghiệp phải là trung tâm, là nơi đưa nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất và cuộc sống, tạo ra tiền, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Viện nghiên cứu, trường đại học là các đơn vị nghiên cứu mạnh. TP cần tiếp tục quan tâm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt là đồi mới sáng tạo".

Trong quá trình phát triển sắp tới của mình, TP HCM tiếp tục huy động mọi nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, năm 2019, TP có trên 4,8 triệu người làm việc, chiếm trên 8% lực lượng lao động cả nước nhưng tạo ra trên 20% GDP cả nước cho thấy năng suất lao động cao hơn cả nước. Có điều, năng suất lao động này đang giảm dần và tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP chỉ ở mức 37,1% là thấp hơn cả Hà Nội và Đà Nẵng.

Hệ thống trên 150 trường nghề và hàng trăm trung tâm đào tạo do TP quản lý chưa sẵn sàng chuyển đổi trong đào tạo và năng lực đào tạo cũng chưa cao. Trong khi đó, muốn có đô thị thông minh, muốn đáp ứng phát triển trong thời đại 4.0 thì cần có đội ngũ quản lý, chuyên gia thông minh, người lao động thông minh.

Bà Cành kiến nghị: "Doanh nghiệp muốn sử dụng nhân lực nhưng không muốn trả tiền. Điều này đặt ra vấn đề, cơ chế đặt ra giữa các bên tham gia là người học-đơn vị đào tạo-người sử dụng lao động phải cùng chia sẻ tài chính trong đào tạo nhân lực chất lượng cao".

Những phân tích, kiến nghị, giải pháp của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đưa ra là cơ sở để TP HCM đặt ra yêu cầu đối với đơn vị tư vấn lập quy hoạch phát triển TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác quy hoạch phải lường hết những khó khăn, thách thức của dịch bệnh tác động đến tăng trưởng kinh tế TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, các quan điểm, chiến lược, định hướng phát triển của TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được định hình và thể hiện rõ, để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành phát triển kinh tế- xã hội.

"TP đã lập BCĐ xây dựng và lập quy hoạch kinh tế- xã hội 2021-2030 và tầm nhìn 2045. TP sẽ mời gọi các đơn vị tư vấn uy tín trong và ngoài nước tham gia lập quy hoạch, kinh phí một phần ngân sách, một phần xã hội hoá để công tác quy hoạch đạt chất lượng cao, thể hiện được khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TP" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nếu rõ.

Trong quy hoạch phát triển sắp tới, TP HCM đề ra mục tiêu trung và dài hạn. Đến năm 2025, TP HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, TP HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

MINH HẠNH