Lập lại trật tự trong việc đưa lao động đi nước ngoài, không được thu tiền quá quy định

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được sửa đổi với nhiều nội dung mới.

Trong những năm gần đây số lượng người lao động đi làm việc ngày càng tăng qua các năm. Nếu như năm 2016 chỉ có 126 nghìn lao động thì năm 2019 có 152 nghìn. Thu nhập tiết kiệm của họ cũng tăng lên, cụ thể: khoảng 1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và 1.800/tháng USD ở Hàn Quốc...; lao động có chứng chỉ trình độ tay nghề thì mức lương cơ bản khoảng 900 – 1.000 USD/tháng, nhưng thu nhập có thể đến 1.500 – 2.000 USD/tháng... Hàng năm, số tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 2,7 – 3,3 tỷ USD.

Các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, khai thác, phát triển thị trường lao động, thêm vào đó là sự giúp sức của các cơ quan chức năng. Cụ thể là xây dựng thể chế và chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong lĩnh vực này; kiểm tra, thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi của người lao động...

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Lập lại trật tự trong việc đưa lao động đi nước ngoài, không được thu tiền quá quy định

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, từ năm 2016 đến nay, cơ quan đã tổ chức 150 cuộc thanh tra định kỳ và kiểm tra doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động ra nước ngoài. Trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính 68 doanh nghiệp vi phạm các lỗi về việc tuyển chọn lao động, đào tạo lao động trước khi đi, quản lý lao động ở nước ngoài và việc thu tiền của người lao động không đúng quy định.

Một số địa phương cũng đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn. 

Các hoạt động này đã lập lại trật tự trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế tình trạng thu tiền quá quy định, phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách lĩnh vực này...

Ông Nguyễn Gia Liêm cho biết, Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được sửa đổi với nhiều nội dung có lợi cho người lao động và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể:

Về chi phí, người lao động phải hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ khoản tiền thù lao môi giới; đồng thời cũng quy định khoản tiền dịch vụ không phải doanh nghiệp chỉ nhận từ người lao động, mà còn cả từ bên nước ngoài tiếp nhận người lao động.

Về quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, xâm hại tình dục… 

Dự luật cũng bổ sung quy định về việc khai báo trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh để được hưởng các chế độ, quyền lợi và sự bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để cập nhật thông tin và hỗ trợ việc làm.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Với chủ trương nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó đưa lao động có chất lượng cả về nghề, kỹ năng, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật là một trong yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh, củng cố vị thế của lao động Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc mở rộng và phát triển thị trường lao động Việt Nam ở các nước, địa bàn có thu nhập cao…, trên cơ sở luật hiện hành, Dự thảo luật cũng bổ sung chính sách của Nhà nước hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo người lao động”.

Thanh Mai

Bộ Lao động Thương binh Xã hội: 'Số lao động mất việc có thể tăng 70.000 mỗi tháng'

Bộ Lao động Thương binh Xã hội: "Số lao động mất việc có thể tăng 70.000 mỗi tháng"

Bộ LĐ TB- XH đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng.