Lời lỗ ra sao nếu mua cổ phiếu Techcombank khi mới niêm yết cách đây hơn 2 năm?

Sau hơn 2 năm, cổ phiếu của Techcombank sụt giá hơn 70% so với lúc mới niêm yết khiến nhà đầu tư lỗ nặng nếu nắm giữ liên tục.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam ( Techcombank ) là một nhà băng được thành lập năm 1993 với số vốn ban đầu 20 tỷ đồng. Ngân hàng hiện có chi nhánh và hội sở tại khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc và được nhiều tổ chức Việt Nam và quốc tế trao các giải thưởng về tài chính - ngân hàng, và được coi là một trong những ngân hàng uy tín hàng đầu tại Việt Nam. 

Năm 2019, tổng tài sản doanh nghiệp ước tính đạt 383.699 tỷ đồng với gần 11.000 nhân viên. Dù hoạt động từ lâu nhưng trước đó một năm, Techcombank mới được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã TCB .

Lúc bấy giờ, nếu chi 10 triệu đồng để mua cổ phiếu Techcombank, nhà đầu tư sẽ có trong tay khoảng 98 đơn vị. Giữ nguyên khối lượng nắm giữ trên, đến nay số tiền của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán chỉ còn lại gần 2,9 triệu đồng, tức vơi đi hơn 70%.

Trong năm nay, nhìn chung thị giá cổ phiếu TCB vẫn có xu hướng tăng nhưng có nhiều đợt biến động. Giai đoạn từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, cao điểm COVID-19 đợt đầu, mã TCB về vùng giá thấp nhất năm. Có phiên cổ phiếu ngân hàng này chỉ giao dịch quanh mức 14.900 đồng/đơn vị. Từ cuối tháng 10 đến nay, thị giá TCB hầu như tăng liên tiếp. Cuối tuần qua, mã này đạt 29.200 đồng/cổ phiếu, đứng thứ 20 trong rổ cổ phiếu VN30 và đứng thứ 5 nếu xét riêng nhóm ngân hàng.

Sau 25 năm hoạt động, Techcombank mới lên sàn HOSE. Ảnh: Info Finance
Sau 25 năm hoạt động, Techcombank mới lên sàn HOSE. Ảnh: Info Finance

9 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 65,1% và chiếm 16,2% tổng doanh thu, cao hơn mức 13,1% cùng kỳ do có sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Chi phí dự phòng trong kỳ tăng lên mức 2.200 tỷ đồng so với mức 605 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Điều này tuy tạo gánh nặng nhưng cho thấy sự thận trọng của ngân hàng này trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu . Dẫu vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 20,9%.

Đến cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Techcombank đạt 401.500 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng đạt 279.400 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng ở mức 252.600 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối tháng 9/2019.

Đáng chú ý, Techcombank có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ theo Basel II đạt 16,7%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm cuối năm 2019. Đến cuối tháng 9/2020, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này được giữ ở mức 0,6%, thấp hơn mức 0,9% cuối quý II/2020 và 1,8% cuối quý III/2019.

Theo báo cáo mới về triển vọng cổ phiếu ngân hàng Việt Nam 12 tháng tới của J.P. Morgan, cổ phiếu của Techcombank có tiềm năng tăng giá lớn. J.P. Morgan định giá mã TCB ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn lần định giá trước đó là 33.000 đồng.

Theo J.P. Morgan, Techcombank là ngân hàng có ROA (lợi nhuận trên tài sản) dẫn đầu mặc dù thị phần huy động ở mức thấp, chỉ khoảng 3%. Bên cạnh đó, đây là một trong số ít những ngân hàng kiếm được lợi nhuận lớn từ cả hai hoạt động tín dụng và thu phí dịch vụ. Điều này giúp ngân hàng có thể duy trì lợi nhuận trong giai đoạn dài.

J.P. Morgan còn cho rằng Techcombank có tỷ trọng tài trợ bằng trái phiếu lớn; room tăng trưởng tính dụng của Techcombank cũng ở mức cao, khoảng 20%. Ngoài ra, theo J.P. Morgan, nhà băng này có điểm mạnh về CASA và thu nhập ngoài lãi. Do đó, mức độ nhạy cảm về thu nhập trên mỗi cổ phiếu của Techcombank với những thay đổi về biên lãi ròng là thấp nhất trong nhóm ngân hàng.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương