Đêm nhạc bắt đầu với những trái tim hồng ghi những lời yêu thương của các em thiếu nhi dành cho các bạn của mình.
Ngắm nhìn thế giới, để trẻ em bớt những nỗi đau đớn mà lẽ ra các em không phải sinh ra để chịu những thứ ấy, để đôi mắt to tròn của các em được sống trong yêu thương.
Dường như tiếng dương cầm từ đôi bàn tay điêu luyện của nghệ sỹ người Ý Alessandro Marino vẫn quanh đâu đây. Tôi bỗng nhớ rất nhiều bác sỹ chuyên gia đáng kính tham gia khám, phẫu thuật cho các bé, đa phần là người Ý, ở góc độ nào đấy, họ cũng chính là những người nghệ sỹ trong cuộc phiêu lưu chưa có hồi kết tại Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc lau mồ hôi của pianist Đức Anh khi anh đánh bản của nhà soạn nhạc Charles Valentin Alkan. Ông Alkan chắc chẳng tưởng tượng được, 131 năm sau khi ông mất đi, tiếng nhạc của ông vang lên tại Nhà Hát Lớn Việt Nam trong một chương trình gây Quỹ cho trẻ em khuyết tật. Ông là một tài năng lặng lẽ, ẩn dật, ẩn mình, với những tác phẩm mà khi đương thời, không ai biết tới hoặc được công nhận, mà phải băng qua thời gian, tác phẩm của ông như viên ngọc càng quý.
Và tôi càng nhớ tới sự căng thẳng tập trung của các chuyên gia, bác sỹ, những người có tấm lòng vàng tâm huyết với trẻ em Việt Nam, họ đã thực hiện những ca mổ khó như thế nào…
Những đứa trẻ của chúng tôi cũng vậy. Có lẽ tạo hóa đã tạo cho bọn trẻ một cuộc sống không bằng phẳng, và sai khiến chúng ta tác động phần nào giúp cho cuộc sống của chúng được bớt đi những sự đau đớn về thể xác và tinh thần. Hơn lúc nào hết, những đứa trẻ ấy đều chứa đựng một sự khát sống mãnh liệt mà đôi khi chúng ta cũng phải giật mình nhìn lại.
Trong Look at the world 2019, có sự tham gia đóng góp của họa sỹ Văn Dương Thành. Bà đã tác 2 tác phẩm "Hoa mùa xuân hạnh phúc" và "Tình mẫu tử" để dành tặng cho chương trình.
Chương trình được tiếp nối bởi giọng hát đầy quyến rũ của nghệ sỹ Opera Phạm Thu Hà.
Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu, Bốn phương gió, mưa, buồn thương, Mùa Đông và mây mù sẽ tan... Giọng ca của Thu Hà sâu như những cơn gió mùa, nhưng lại vén mây, và ấm như mùa xuân phá tan cơn rét buốt.
Những lời tự sự trong bản “You raise me up” qua hai giọng ca Thu Hà, Phúc Tiệp như kéo chúng ta gần nhau hơn, hòa cùng một trái tim, cho dù bạn ở đâu, ở góc nào trên thế giới thì tình yêu và niềm tin cuộc sống sẽ nâng chúng ta lên, xích chúng ta lại gần nhau.
100 em bé trong dàn hợp xướng Sol Art dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hàn Quốc Son Sung Don và tinh thần gieo mầm thiện của Đặng Châu Anh, cùng ca sỹ Thùy Chi như hơn 100 trái tim bé nhỏ thơ ngây đem dành tặng lời ca tiếng hát tha thiết tới các em bé khác.
Tôi chợt nhớ có trường hợp một ông bố đã làm rơi cuốn vở, trong đó ghi từng dòng chữ ai tặng con mình dù 500, 1 nghìn đồng, dù tấm quà, miếng bánh, cuốn vở. Hỏi anh ghi chi tiết để làm gì, anh nói: Để sau này, con biết ơn tấm lòng của mọi người.
Lời thật giản dị, nhưng có lẽ, từ trái tim thật thà công minh của người cha, muốn cho con mình nhớ những lúc khó khăn, ai đã là người bên ta….
Và tôi lại thấy hình ảnh chim mẹ đang giang rộng đôi cánh che chở cho con trong tác phẩm của họa sỹ Văn Dương Thành, trong ánh mắt của Đặng Châu Anh và tiếng hát của 100 em nhỏ.
Look at the world kết thúc, đem lại giá trị cho 10 ca mổ/1000 hồ sơ.
1.000 hồ sơ đang chờ, và 36 ca mổ nữa, vẫn cần vô cùng những cánh tay…
Với mong muốn mang lại cuộc sống bình thường cho các em bé, toàn bộ nghệ sỹ và ekip tham gia đều tình nguyện đóng góp công sức và không nhận thù lao. Tất cả số tiền từ chương trình sẽ phục vụ cho các ca phẫu thuật trong tháng 11 tới.
Giới hạn nào cho "âm nhạc kể chuyện phim"?
"Yesterday", "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" và "Truyện ngắn" là những bộ phim kỳ lạ khi đứng giữa ranh giới của âm nhạc và điên ảnh.