Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tại tỉnh Giang Tô - đầu tàu kinh tế phía đông của Trung Quốc, số lượng lao động đang ký hợp đồng, cũng như nhu cầu của các nhà sản xuất và công ty nước ngoài tại đó đã giảm, bên cạnh tình trạng thanh niên thất nghiệp không ngừng tăng, cho thấy triển vọng kinh tế ảm đạm và sự phục hồi kém hiệu quả.
“Vào cuối tháng 6, cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp sản xuất đã giảm 119.000 so với cùng kỳ năm ngoái và số giờ làm việc thực tế của những người lao động ở tuyến đầu giảm, trong khi tiền lương cũng giảm”, theo một báo cáo được công bố vào tuần trước của Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tô. Theo SCMP, báo cáo đã bị xóa khỏi trang web chính thức của ủy ban này vào ngày 11/8.
Giang Tô là tỉnh giàu có thứ hai của Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Giang Tô - tỉnh giàu có thứ hai của Trung Quốc - chỉ ra rằng, nhu cầu thị trường đang suy giảm, giá nhà máy giảm, cũng như lợi nhuận và kỳ vọng yếu, đã buộc các nhà sản xuất tại tỉnh này phải thận trọng hơn trong việc tuyển dụng, làm giảm động lực mở rộng sản xuất và việc làm của họ.
SCMP trích dẫn báo cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tô cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, gần 70% các công ty có hoạt động ngoại thương với quy mô lớn tại tỉnh này cho biết, đơn hàng xuất khẩu giảm, đây là mức cao nhất trong những năm gần đây.
Số lượng nhân viên cũng giảm lần lượt là 130.000 và 147.000 người đối với các công ty ngoại thương và công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Giang Tô vào cuối tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, nhu cầu tuyển dụng tăng trong các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu và công nghệ trong 6 tháng đầu năm, cho thấy sự phục hồi không đồng đều, báo cáo cho biết thêm.
Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao mới
Khi kinh tế toàn cầu chững lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng và xu hướng di dời chuỗi cung ứng đã khiến cho vai trò là công xưởng của thế giới của Trung Quốc đang bị thách thức.
Theo SCMP, báo cáo cho thấy mức giảm xuất khẩu mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 là vào tháng 7, với mức giảm 14,5% so với một năm trước đó, xuống còn 281,76 tỷ USD, đánh dấu mức giảm hàng tháng thứ ba liên tiếp.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc - phản ánh giá mà các nhà sản xuất tính cho các nhà bán buôn sản phẩm - cũng giảm tháng thứ 10 liên tiếp sau khi giảm 4,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó.
“Mức lạm phát tại các nền kinh tế phát triển chính vẫn ở mức cao, trong khi lãi suất tăng liên tục đã làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, trong khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tác động đến thương mại quốc tế”, bản báo cáo viết.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,7% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2,6% trong 12 năm qua.
Các ứng viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại một hội chợ việc làm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Theo SCMP, cả điều kiện kinh tế quốc tế và tại Trung Quốc được cho là đang tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngoại thương.
Báo cáo của Giang Tô cho biết, tỉnh này đã tạo ra số lượng việc làm mới cao nhất, hơn 700.000 vị trí, so với tất cả các tỉnh của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. Nhưng tình hình kinh tế nghiệt ngã phản ánh triển vọng chung của nước này.
Tỉnh Giang Tô cũng báo cáo triển vọng thất nghiệp nghiêm trọng của thanh niên do “sự không phù hợp giữa [mong muốn của] thanh niên và nhu cầu của thị trường lao động, những thách thức về thất nghiệp cơ cấu, cũng như tình trạng thiếu việc làm của những người tốt nghiệp có trình độ học vấn cao, khiến sinh viên tốt nghiệp trường nghề và cao đẳng bị ảnh hưởng".
Theo SCMP, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Trung Quốc đối với nhóm tuổi 16-24 đạt mức cao mới 21,3% trong tháng 6, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng 7 và tháng 8 khi con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia thị trường lao động.
Trong tương lai, nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định có thể tăng theo mùa do các sản phẩm điện tử toàn cầu được cập nhật và lặp lại chu kỳ vào mùa thu, trong khi một số nhà sản xuất có thể tăng gấp đôi nhu cầu tuyển dụng bình thường của họ, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, những thách thức về cơ cấu vẫn còn do các công ty đang ngày càng tìm kiếm những người lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng khi tự động hóa phát triển, trong bối cảnh dư thừa công nhân phổ thông, nhưng thiếu các kỹ thuật viên cao cấp.
Trung Quốc: Nhiều công ty lớn trở nên thận trọng trước sự phục hồi kinh tế
Sự bùng nổ mở cửa trở lại vào đầu năm đã tan thành mây khói khi những lo ngại về sự sụt giảm của thị trường bất động sản dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên kỷ lục khiến người Trung Quốc thận trọng hơn trong chi tiêu của họ.