Mặc COVID-19, ngân hàng đua nhau lãi vượt kế hoạch năm 2020

ACB, VIB, Sacombank… đua nhau công bố đạt kế hoạch kinh doanh cả năm 2020, hứa hẹn một mùa lợi nhuận vượt trội cho ngành ngân hàng.

Ngay khi các nhà băng đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý III/2020, kinh doanh tiền được xem là một trong những ngành hầu như “miễn nhiễm” COVID-19. Với đà này, lãnh đạo ngành ngân hàng đang tự tin vượt kế hoạch đề ra của cả năm.

Chưa cuối năm, ngân hàng đua nhau về đích

Chưa kết thúc quý cuối năm, một vài ngân hàng đã tự tin công bố kết quả kinh doanh đạt kế hoạch cả năm.

Ngay khi vừa lên HOSE, Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB ) đã công bố tình hình kinh doanh sơ bộ 11 tháng đầu năm 2020. Tính đến ngày 30/11, tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng của nhà băng này đạt 8.723 tỷ đồng. Như vậy, mức lợi nhuận trên đã vượt 14% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2020.

Đến cuối tháng 11, ACB có tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%. Huy động tăng trưởng 11,5% đạt 343.000 tỷ đồng. Tín dụng của ngân hàng này ở mức 305.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Ban Lãnh đạo ACB cũng rất tự tin khi nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

ACB vừa lên sàn HOSE vừa lãi vượt 14% kế hoạch. Ảnh: ACB
ACB vừa lên sàn HOSE vừa lãi vượt 14% kế hoạch. Ảnh: ACB

Trả lời trên báo chí, Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết, đến hết tháng 10/2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam ( VIB ) đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhà băng này chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Dư nợ tín dụng trong tháng 10 tăng hơn 6.900 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng lũy kế tới cuối tháng đạt 19,4%, cao gấp 3 lần so với mức tăng trung bình ngành. Huy động tháng 10 ghi nhận mức tăng 4.400 tỷ đồng, đưa tỷ lệ tăng trưởng lũy kế của VIB đạt 20%, cao hơn mức tăng của dư nợ.

Ngoài ra, phía Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank ) cũng cho hay, 10 tháng đầu năm 2020, ngân hàng này đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm, tức đạt 2.573 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của Sacombank đến hết tháng 9/2020 đã đạt khoảng 9% khi Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng lên mức 13,5%.

Cùng lúc, nhà băng này cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và nỗ lực xử lý nợ xấu theo đề án tái cấu trúc. Về mục tiêu về xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đến hết tháng 9, Sacombank đã xử lý vượt con số trên.

Ngân hàng tăng trưởng tốt trong năm 2021?

Trả lời phỏng vấn với báo Đầu Tư, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đầu tư của Dragon Capital đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19. Nhờ đó, nhu cầu tín dụng nhưng tháng cuối năm cũng đã tích cực hơn so với hồi đầu năm, điều này sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng quý cuối năm.

Theo góc nhìn của quỹ đầu tư này, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ được mở cửa hơn. Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm tới. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng.

Fitch Ratings dự báo, năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chặt hơn chi phí, hoạt động cho vay dần khởi sắc. Ảnh: Báo Đầu Tư
Fitch Ratings dự báo, năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chặt hơn chi phí, hoạt động cho vay dần khởi sắc. Ảnh: Báo Đầu Tư

Không chỉ các quỹ ngoại lạc quan mà tổ chức Fitch Ratings cũng đồng tình rằng, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam được cải thiện dần nhờ kinh tế phục hồi do kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là tín hiệu tốt cho khả năng trả nợ của người đi vay và tạo cơ sở cho khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Fitch Ratings dự báo, trong năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chi phí cũng như hoạt động cho vay đang dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, đà tăng thu nhập sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng bị thu hẹp, nhất là tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Nhu cầu vốn rất có thể được kích hoạt trở lại ổn định trong năm 2021. Ảnh: TPBank
Nhu cầu vốn rất có thể được kích hoạt trở lại ổn định trong năm 2021. Ảnh: TPBank

Tuy nhiên, “chất bã” còn tồn đọng do đại dịch vẫn còn ở lại trong mạch máu ngành kinh doanh tiền đến năm sau. Cụ thể, Viện Nghiên cứu BIDV ước tính, nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể ở mức 3% và tăng lên 4% vào cuối năm 2021.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nợ xấu vẫn sẽ là thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trong thời gian tới do việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn trước tác động của đại dịch COVID-19. Đó là chưa kể, nợ xấu tăng sẽ khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, dẫn tới ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh

Đánh giá ngành ngân hàng hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, khống chế dịch tốt, SSI Research đề xuất đầu tư vào các mã cổ phiếu "vua" trong tháng cuối năm gồm 4 đề xuất: cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu hưởng lợi từ các yếu tốt tích cực từ thị trường, các mã đã bị tác động mạnh do COVID-19 và các cổ phiếu ngành đường.

Riêng với đề xuất đầu tư vào các mã ngân hàng, nhóm phân tích này cho biết, ngành kinh doanh tiền được hưởng lợi rất rõ từ môi trường lãi suất thấp và rủi ro nợ xấu đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng, nhờ khả năng kiểm soát dịch nhanh chóng của Việt Nam.

"Triển vọng chung của ngành ngân hàng tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của dịch COVID-19", SSI Rearch cho biết. 

Cổ phiếu ngân hàng đang rất sáng giá trong giai đoạn cuối năm. Ảnh: The Bank
Cổ phiếu ngân hàng đang rất sáng giá trong giai đoạn cuối năm. Ảnh: The Bank

Ngay trong phiên giao dịch hôm qua, nhóm ngân hàng chiếm trọn top 5 mã tăng mạnh nhất trong rổ cổ phiếu VN30, giúp VN-Index có thêm hơn 1,1%, tiến gần ngưỡng 1.070 điểm. Đứng đầu nhóm này là các mã TCB, VPB, STB, MBB, BID, VCB . Theo VNDirect, các mã ngân hàng giữ 7/10 vị trí đóng góp tích cực nhất tới chỉ số.

Trở lại với báo cáo của SSI Research, đơn vị này nâng đánh giá ngành ngân hàng lên mức khả quan trong năm 2021. Nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán cũng điều chỉnh tăng lợi nhuận trước thuế dự phóng cho các ngân hàng nghiên cứu trong năm nay và 2021 lần lượt đạt 110.700 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ) và 129.300 tỷ đồng (tăng 17%).

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, vẫn có những rủi ro với thị trường, đặc biệt là những nguy cơ tái diễn của COVID-19. Nhóm phân tích này lưu ý về rủi ro khi xuất hiện các ca nhiễm mới ngay và rủi ro điều chỉnh kỹ thuật. Theo đó, khả năng điều chỉnh có thể diễn ra khi VN-Index tiến gần đến 1.030 điểm, mốc cao nhất hình thành từ cuối năm 2018 và cả năm 2019.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương