Mâu thuẫn giữa mưu sinh và dọn dẹp vỉa hè, lòng đường

Vấn đề lấn chiếm vỉa hè và chống đối các cơ quan chức năng khi bị nhắc nhở, nộp phạt không phải hiện tượng xa lạ ở các nước đang phát triển

Lạm dụng vỉa hè, lòng đường thành hiện tượng quốc gia

Tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán hoặc đỗ xe rất phổ biến ở các khu vực đô thị, đặc biệt là dọc các đường phố đông đúc.

Tại Campuchia, chính quyền cũng đã nhiều lần phải “ra quân” thu dọn vỉa hè. 

  Quầy hàng rong trên vỉa hè dọc đại lộ Avenida, Manila, Philippines. Ảnh: George Calvelo/ABS-CBN News.

Quầy hàng rong trên vỉa hè dọc đại lộ Avenida, Manila, Philippines. Ảnh: George Calvelo/ABS-CBN News.

Trong một chiến dịch giành lại vỉa hè năm ngoái ở quận Prampi Makara, thủ đô Phnom Penh, đại diện quận Tor Viru chia sẻ: “Chúng tôi đã yêu cầu họ ngừng hoạt động buôn bán, phải để ⅓ vỉa hè thông thoáng, nhưng một vài người vẫn để xe đẩy hoặc thậm chí cả giường ở đây, gây ra rất nhiều bất tiện, và ô nhiễm môi trường”.

Do đó, bên cạnh việc tuân theo và hướng dẫn người dân thực hiện các chỉ thị, cơ quan chức còn phải tiến hành dọn dẹp đường sá, thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh.

PhnomPenh (Campuchia) trong chiến dịch giành lại vỉa hè. Ảnh: FB/Phnom Penh Post.
PhnomPenh (Campuchia) trong chiến dịch giành lại vỉa hè. Ảnh: FB/Phnom Penh Post.

Tuy nhiên, sau khi bị nhắc nhở hay phải tạm dừng hoạt động một thời gian, nhiều người dân lại tiếp tục vi phạm. Chủ tịch của Hiệp hội Dân chủ Độc lập, thuộc liên đoàn Kinh tế phi chính thức (IDEA), ông Vorn Pov chia sẻ: “Những người này sống nhờ ngành nghề buôn bán. Do đó, họ cần địa điểm khác để tiếp tục công việc, nếu không tình trạng buôn bán ở vỉa hè sẽ sớm tiếp tục xảy ra”.

Thời điểm khi Quốc lộ 2 và 3 của Campuchia đang được xây dựng, nhiều người dân đã kéo nhau ra mặt đường để bán hàng, đặc biệt chủ yếu là quầy nước mía và nước ngọt. 

Theo Phnom Penh Post, một người lái xe trên Quốc lộ 3 từng chia sẻ cảm nhận của anh về việc lạm dụng vỉa hè để buôn bán này là “hiện tượng quốc gia”, và các tỉnh cần kết hợp với nhau để đẩy lùi tệ nạn này.

Người dân bán hàng tại ven đường Quốc lộ 3. Ảnh: Hean Rangsey/ Phnom Penh Post.
Người dân bán hàng tại ven đường Quốc lộ 3. Ảnh: Hean Rangsey/ Phnom Penh Post.

Ngoài ra, hiện tượng đỗ xe vô lý trên vỉa hè cũng diễn ra tại nhiều nơi, đặc biệt cũng ở những nơi buôn bán trên vỉa hè phát triển, người mua hàng buộc phải để xe luôn tại đó. 

Trên Facebook, cơ quan phát triển đô thị Manila (MMDA-Philippines) từng phải đăng bài kêu gọi các lái xe không đỗ xe trên vỉa hè. MMDA cũng phải nhắc nhở những người bán hàng rong không được chiếm dụng quá đà, chặn lối đi của người đi bộ.

Theo The Shillong Times, Ấn Độ cũng từng ghi nhận trường hợp do vỉa hè chật kín các quầy hàng, người dân buộc phải đi bộ trên lề đường và va chạm với xe buýt.

Biểu tình đòi “quyền được chiếm vỉa hè”

Tháng trước, tại Delhi (Ấn Độ), hàng trăm người bán đã biểu tình sau khi bị Municipal Corporation (MCD) cấm buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè.

Mohammed Imran Khan, một người bán hàng rong lên tiếng: “Những người có giấy tờ hợp pháp cũng không được phép tiếp tục bán hàng và sẽ được đền bù một địa điểm thay thế”.

Một người buôn bán khác, Santosh, bức xúc: “Thật độc ác, họ gọi chúng tôi là người lấn chiếm. Rõ ràng điều này là không đúng, không một ai chịu nghe chúng tôi nói. Có khoảng 50 000 người bán hàng rong ở Delhi. Tất cả chúng tôi đều đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do Covid. Vậy mà khi cuộc sống ổn định hơn, công việc kinh doanh của chúng tôi lại bị MCD ngăn chặn”.

Năm ngoái, người dân quận Tuol Kork (Phnom Penh, Campuchia) cũng biểu tình vì bị chính quyền trấn áp, tịch thu hàng hóa buôn bán.

Theo The Post, Ly Tina, một người bán hàng rong trong cuộc biểu tình, đã thừa nhận việc các cơ quan chức năng cảnh báo và nhắc nhở về vị trí bán hàng trên vỉa hè từ trước. Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền chưa giải thích, hướng dẫn chi tiết cụ thể sự việc cho bà mà đã tiến hành tịch thu tài sản bán hàng của bà. “Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử, và đặc biệt gây ra nhiều hạn chế đối với kế sinh nhai của những người dân nghèo”, bà Ly bức xúc.

Những vết tích còn lại ở quận Tuol Kork sau cuộc đối đầu của người dân với chính quyền. Ảnh: FB/Phnom Penh Post.
Những vết tích còn lại ở quận Tuol Kork sau cuộc đối đầu của người dân với chính quyền. Ảnh: FB/Phnom Penh Post.

Cũng như bà Ly, không ít người có suy nghĩ cho rằng chính quyền đang “làm khó” người nghèo.

Đối diện với kế hoạch giải phóng vỉa hè ở Bangkok (Thái Lan), nhiều người buôn bán cũng không vừa lòng vì nguy cơ mất miếng ăn. 

Chủ một quán thịt nướng cho biết chồng vẫn làm ruộng ở quê nhà, và thu nhập từ quầy hàng của cô bằng một nửa thu nhập hàng năm của hai vợ chồng. Chia sẻ về việc phải ngừng kinh doanh, cô nói:  “Họ luôn cố gắng ‘đánh cắp’ nguồn thu nhập quý giá của chúng tôi”.

Chủ tịch của Hội những người bán hàng rong trên đường Khao San (Bangkok), Yada Pornpetrumpa lên tiếng: “Chúng tôi cần gặp trực tiếp thống đốc để biết suy nghĩ của ông ấy cho tương lai của những người bán hàng rong”.

Giải pháp nào là phù hợp?

Trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè Bangkok của thống đốc Chadchart Sittipunt, các cơ quan chức năng sẽ hợp tác với bên tư nhân để tạo điều kiện cho người bán hàng có không gian kinh doanh mới hợp lý.

Tuy nhiên, chính sách này vẫn vấp phải sự phản đối từ người dân. Mặc dù chính quyền đã hứa hẹn sẽ giúp họ "thuê địa điểm với giá cả phải chăng", những người bán hàng vẫn lên tiếng và biểu tình bởi lẽ giá thuê nhà hàng tháng quá cao, trong khi đó không gian địa điểm lại quá nhỏ.

Athinan Rodboonchai, một người bán gà rán ở Sukhumvit cho biết thu nhập của anh bị ảnh hưởng nặng nề: “Tôi phải chuyển khỏi vị trí ban đầu vì chính quyền thành phố thường xuyên đi kiểm tra, song doanh số bán hàng ở địa điểm mới không cao”.

Một quầy hàng trên phố ở Bangkok. Ảnh: Kosuke Inoue/Asia Nikkei.
Một quầy hàng trên phố ở Bangkok. Ảnh: Kosuke Inoue/Asia Nikkei.

Trên thực tế, các khu vực như Sukhumvit, Silom và Ratchadaphisek lại bị giám sát chặt chẽ hơn những địa điểm khác, ví dụ Soi Pradiphat 14. Xung quanh khu vực được gọi là "địa điểm dành cho người bán hàng rong". Tại đây, những người bán hàng rong không bị ràng buộc bởi các quy tắc, chỉ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và chừa chỗ trống cho những người đi bộ. Tuy vậy, hàng tháng họ buộc phải nộp khoảng 1000 baht (khoảng 700.000 VNĐ) “tiền phạt”.

Thị trưởng tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia), ông Kouch Chamroeun, cũng từng chia sẻ về vấn đề này: “Có rất nhiều người tận dụng vỉa hè để buôn bán, đỗ xe. Tình trạng này khiến các tuyến phố trở nên mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự cũng như giao thông đường bộ”. 

Theo ông, những hộ kinh doanh muốn có chỗ đỗ xe cho khách hàng cần phải làm đơn gửi lên chính quyền, hoặc tự tổ chức bãi đỗ xe hợp lý, không được chiếm dụng vỉa hè để bán hàng ăn hay để xe.

Tại Philippines, những người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ P10,000 đến P30,000 (khoảng 4.300.000 VNĐ-13.000.000 VNĐ), các quan chức địa phương không thực thi luật pháp cũng có thể bị phạt từ P100,000-P500,000 (khoảng 43 triệu đồng đến 215 triệu đồng).

HƯƠNG GIANG (T/H)

Khủng hoảng lương thực đáng lo ngại hơn một năm trước

Khủng hoảng lương thực đáng lo ngại hơn một năm trước

Ngoài căng thẳng về nguồn cung đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc của Ukraine, sự bấp bênh trong xuất khẩu lương thực của Ukraine cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá của các nguyên liệu thô.