#MeToo sẽ kết thúc nếu chúng ta không lắng nghe “những nạn nhân không hoàn hảo” như Amber Heard

Người ta có lẽ quên rằng #MeToo là để giúp những nạn nhân không hoàn hảo, những người say xỉn, mặc sai cách, từng nói dối, từng phạm pháp, có thói xấu…

(Bài viết của phóng viên Martha Gill, The Guardian, Tạp chí Phụ nữ Mới lược dịch)

Những phản ứng trái chiều với phong trào #MeToo sẽ luôn song hành với những ý kiến ủng hộ phong trào đó. Bởi #MeToo không chỉ đe dọa địa vị của người đàn ông quyền lực, mà nó còn đe dọa những người đàn ông này theo phương diện cá nhân.

Nếu ai đó có thể bị hạ bệ bởi những lời cáo buộc như thế này, thì tôi, bạn và mọi đàn ông chắc hẳn nên lo lắng”, một thư ký Nhà Trắng cho biết ngay sau khi những cáo buộc của giảng viên đại học Christine Blasey Ford đối với thẩm phán Brett Kavanaugh được công khai.

(Năm 2018, tiến sĩ Christine Blasey Ford tố cáo ứng cử viên Tối cao Pháp viện Mỹ Brett Kavanaugh đã tấn công tình dục bà 40 năm trước và khẳng định mình có chứng cứ về vụ cuộc. Bất chấp tranh những tranh cãi, ông Brett Kavanaugh sau đó vẫn được bầu làm Thẩm phán Toà án tối cao Mỹ với số phiếu 50/48 sau khi Thượng viện Mỹ ngày 6/10 đã bỏ phiếu thông qua - người dịch).

Không chỉ đàn ông mới lo lắng. Cái ý nghĩ rằng những hệ thống trước đây chỉ đối xử bất công với người yếu thế, giờ có thể làm điều tương tự với những người địa vị cao khiến nhiều người bất an. 

 Những chuyện tồi tệ xảy ra cho nữ giới phổ biến tới mức có thể khiến chúng ta thấy bàng quan. Chúng ta thấy tệ, chúng ta cũng đều biết phụ nữ bị đối xử bất công. Nó đã được mặc định trở nên quen thuộc. Nhưng khi một người đàn ông bị đối xử tệ bạc, sẽ mang tới một cảm giác bất công gấp đôi, người ta luôn thấy câu chuyện đáng chú ý hơn. .“(Những câu chuyện của phụ nữ) đều giống nhau, không có nghĩa nó không quan trọng. Nhưng nó thật nhàm chán. Lần đầu tiên phỏng vấn một người đàn ông, tôi hiểu chúng ta đang nói về một thứ sâu sắc hơn”, nhà văn Taffy Brodesser-Akner đã viết trong cuốn tiểu thuyết “Fleishman Is in Trouble”. 

Phản ứng của công chúng với phiên xét xử giữa Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard là một phản ứng đối với phong trào #MeToo (Ảnh: internet).
Phản ứng của công chúng với phiên xét xử giữa Johnny Depp và vợ cũ Amber Heard là một phản ứng đối với phong trào #MeToo (Ảnh: internet).

Vì lẽ đó, #MeToo có thể khiến nhiều đàn ông và phụ nữ thấy vô cùng bất công. Nhưng nó chỉ là một nỗ lực để sửa chữa một thành kiến vẫn còn tồn tại. Những phụ nữ tố cáo vẫn thường bị đối xử như kẻ nói dối bởi cả công chúng lẫn tòa án, nhiều hơn những nạn nhân bị cáo buộc khác. Phải lấy lời khai của hơn một trăm phụ nữ để hạ bệ Harvey Weinstein, còn thẩm phán Brett Kavanaugh vẫn không gặp vấn đề gì.

Phản ứng của công chúng với phiên xét xử giữa nam diễn viên Johnny Depp và vợ cũ, nữ diễn viên Amber Heard chính là một phản ứng trái chiều đối với #MeToo. Depp kiện Heard tội phỉ báng khi nữ diễn viên này mô tả bản thân trong một bài báo năm 2018 như một nạn nhân “điển hình của bạo lực gia đình” dù không nhắc tới tên nam diễn viên. Depp cho biết anh vô tội, và tuyên bố của cô là nói dối. Bên nam diễn viên là hai chứng cứ có vẻ khá rõ ràng. Heard đã hứa quyên góp toàn bộ số tiền giải quyết ly hôn của mình cho từ thiện, nhưng không thực hiện. Có một bản ghi âm mà nữ diễn viên thừa nhận bản thân đã đánh Depp.

Phía nữ diễn viên thì có bằng chứng Depp thừa nhận húc đầu vào vợ cũ (một cách tình cờ), và có đoạn tin nhắn từ trợ lý của anh cho biết nam diễn viên đã đá Heard. Những đoạn tin nhắn của Depp gửi Paul Bettany nói rằng nam diễn viên muốn giết Heard và cưỡng bức “cái xác cháy của cô ta”. Một đoạn ghi âm cho thấy Depp hét vào mặt Heard vì cách nói “hách dịch” với anh. Cô đã xin lệnh hạn chế bạo lực gia đình vào năm 2016. Năm 2018, Depp đã kiện tờ Sun tội phỉ báng sau khi gọi anh là “kẻ đánh vợ”. Nam diễn viên đã thua kiện sau khi thẩm phán phát hiện 12 trong 14 tình tiết cáo buộc là đúng.

Tòa án sẽ quyết định nữ diễn viên Heard có phải kẻ nói dối hay không. Thế nhưng ý nghĩ cho rằng nữ diễn viên là một kẻ thao túng, hoang tưởng và một kẻ bạo hành đã bùng nổ trên khắp các phương tiện truyền thông. Mọi chiêu trò phân biệt giới tính dùng để nhục mạ và làm mất uy tín cô đã được triển khai trên quy mô lớn. Việc nhại lại lời khai của cô về việc cưỡng hiếp và lạm dụng đã trở thành một trò chơi trên TikTok. Cô bị diễn viên hài Chris Rock chế giễu trên show Saturday Night Live (“Hãy tin tất cả phụ nữ, ngoại trừ Amber Heard”), thành viên N'Sync Lance Bass cũng đăng tải một video trên Tiktok mỉa mai Heard (dù anh này đã xoá clip đi sau đó). 

Trong số những kẻ chế giễu Heard có cả nhiều cô gái trẻ, có vẻ không cho rằng mình chống nữ quyền. Họ tin phụ nữ, chỉ trừ trường hợp này. Họ nghĩ họ không phải đang làm tổn hại tới #MeToo, mà vấn đề là do Heard – một nạn nhân không hoàn hảo.

Họ có lẽ quên rằng dự án #MeToo là để giúp những nạn nhân không hoàn hảo, những người say xỉn, mặc sai cách, từng nói dối, từng phạm pháp, có thói xấu, hay "có vẻ hư đốn và đĩ thoã" (như lời mô tả của nhà văn Mỹ David Brock về Anita Hills. Anita Hills từng gây chú ý khi bà làm chứng ở Capitol Hill năm 1991, cáo buộc sếp cũ của mình ông Clarence Thomas quấy rối tình dục đối với bà trong thời gian làm việc cho ông. Sau 3 ngày Quốc hội Mỹ điều trần, bất kể những cáo buộc, ông Thomas vẫn được Thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán)

Trên thực tế, những nạn nhân “hoàn hảo” chưa bao giờ cần đấu tranh, phần vì họ hiếm khi tồn tại.

Dù những người phản đối Heard có nhận ra điều đó hay không, việc sắp xếp những nạn nhân “xấu” đối với những nạn nhân “chính hiệu” là cách rất hiệu quả để phản ứng lại #MeToo. Hiếm ai thừa nhận mình không tin phụ nữ. Sự phản đối của họ chỉ luôn dành cho một kẻ khốn kiếp đang nói dối.

#MeToo đã nỗ lực chống lại điều này bằng cách liên kết các trải nghiệm của tất cả nạn nhân, bao gồm cả những kẻ khốn không được tin tưởng đó, để chúng ta có thể nhìn thấy bản chất sự việc. Phong trào nữ quyền là để đấu tranh chống lại toàn bộ những điều tồi tệ xảy đến với phụ nữ. Việc phân chia các cá nhân sẽ có thể khiến phong trào biến mất.

#MeToo được cho là đã nói lên phần sự thật bị che giấu và thành công trong việc để người phụ nữ được "giải thích rõ ràng" những gì đã diễn ra. Phong trào phát triển mạnh mẽ vì có được lượng người ủng hộ đông đảo. Nó là một phong trào chống lại những thế lực vô cùng mạnh mẽ theo một cách khác. Không có lý do nào để phong trào đó bị đẩy lùi. 

Martha Gill

Quấy rối tình dục nơi làm việc - Tình hình chuyển biến ra sao sau 4 năm #Metoo được khởi xướng

Quấy rối tình dục nơi làm việc - Tình hình chuyển biến ra sao sau 4 năm #Metoo được khởi xướng

Ai cũng có khả năng là kẻ quấy rối và trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nếu như chúng ta không thực sự nâng cao nhận thức.