Quấy rối tình dục nơi làm việc - Tình hình chuyển biến ra sao sau 4 năm #Metoo được khởi xướng

Ai cũng có khả năng là kẻ quấy rối và trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nếu như chúng ta không thực sự nâng cao nhận thức.

Ngày 13/08/2021, hãng Yonhap đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook xin lỗi sau khi một nữ binh sĩ tự sát giữa cuộc điều tra về các cáo buộc cô bị một thượng cấp quấy rối tình dục. Thi thể của nữ binh sĩ họ Lee thuộc lực lượng Hải quân Hàn Quốc này được tìm thấy tại nhà riêng vào ngày 12/8, vài ngày sau khi có thông tin cô bị quấy rối tình dục vào tháng 5. 

Trước đó, vào đầu tháng 3, cô đã tố cáo một đồng nghiệp nam họ Jang về hành vi tấn công tình dục trên xe ô tô. Vụ việc xảy ra khi họ đang trên đường trở về căn cứ tại Seosan, tỉnh Chungcheong Nam, sau một buổi ăn tối mà nạn nhân cho rằng bị nghi phạm ép phải tham dự. Theo gia đình nạn nhân, cho dù cô đã gửi đoạn video từ camera hành trình có ghi âm lại toàn bộ sự việc cho các nhà điều tra, cấp trên không những không có biện pháp xử lý theo quy chế, mà còn thuyết phục cô thương lượng với nghi phạm và che đậy vụ việc. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: vẫn luôn có những nạn nhân của nạn quấy rối tình dục dù đã cố gắng lên tiếng vạch trần kẻ phạm tội nhưng không được lắng nghe. Không chỉ nỗi đau tinh thần và thể xác mà bản thân đang mang, họ còn phải đối diện với nỗi sợ không được tin tưởng, quyền lực của kẻ quấy rối, phản ứng hờ hững từ những người chứng kiến hoặc nỗ lực để che giấu như vụ việc lần này. 

Mức độ nghiêm trọng của vụ án cũng khiến chúng ta phải tiếp tục đặt câu hỏi: Đã 4 năm kể từ khi phong trào #MeToo - phong trào kêu gọi cộng đồng vạch trần các hành vi quấy rối và tấn công tình dục của kẻ đồi trụy, đặc biệt tại nơi làm việc - lan tỏa ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và đưa vô số vụ việc ra ánh sáng, vậy thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc những năm gần đây có chuyển biến như thế nào? 

QUẤY RỐI TÌNH DỤC Ở NƠI LÀM VIỆC LÀ GÌ?

Liên hợp quốc định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể. Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố “không mong muốn” của hành động. Nạn nhân bị quấy rối tình dục bề ngoài vẫn có thể chịu đựng để hành vi đó diễn ra ở mức độ nào đó, nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu. 

Tương tự, theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được sự đồng ý của người đó.

Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như:

Các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại.

Các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử (ví dụ như email), phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

CÁC BIỂU HIỆN CỦA HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI CÔNG SỞ

Quấy rối tình dục có thể chia làm 3 loại chính: thể chất, lời nói và phi ngôn ngữ.

- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi ngôn ngữ gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ QUẤY RỐI TÌNH DỤC CÔNG SỞ

Báo cáo ACAS tại Anh năm 2018 cho thấy 92% mọi người đều nhận thức được rằng quấy rối tình dục nơi công sở là phạm pháp, nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến ở môi trường làm việc. Chỉ có khoảng 30% người tham gia khảo sát tin rằng những vụ việc quấy rối nơi công sở đã giảm bớt trong vòng 5 năm qua, còn khoảng 30% khác cho rằng không có thay đổi gì, và khoảng 12% nghĩ rằng số lượng tăng cao hơn trước.

Đáng chú ý, chỉ có 36% nhân viên cho biết họ sẽ “rất chủ động báo cáo” các sự việc quấy rối tình dục nếu họ là người chứng kiến, còn 33% khác cho biết họ “có thể báo cáo”. Con số này tăng lên khoảng 38% và 28% nếu như bản thân họ là những người trực tiếp chịu quấy rối tình dục.

Theo báo cáo Respect@Work năm 2020 về tình trạng quấy rối tình dục tại công sở Úc, phần lớn nạn nhân chịu quấy rối tình dục là nữ và thuộc các nhóm dưới 30, là người bản địa, thuộc cộng đồng LGBTQ+, đến từ nền văn hóa khác, người nhập cư hoặc có visa làm việc tạm thời, nhóm khuyết tật hoặc có điều kiện làm việc không an toàn. Hơn thế, cứ ba người thì có một nạn nhân đã gặp tình trạng này hơn 2 năm và phần lớn những thủ phạm là nam giới. Mặc dù vậy, số lượng nạn nhân lên tiếng về những vụ việc sai trái này chỉ chiếm ít hơn 17%.  

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Tại Canada, vào 2020, cứ 1 trong 4 phụ nữ (25%) và 1 trong 6 đàn ông (17%) cho biết họ đã từng bị chịu những hành vi quấy rối không phù hợp tại chỗ làm vào năm ngoái. Những hành vi không phù hợp này bao gồm quấy rối bằng lời nói và không lời nói, những tài liệu khiêu dâm, và động chạm cơ thể hoặc gợi ý quan hệ tình dục. Tuy rằng tất cả các công ty tại Canada đều có chính sách chống lại các hành vi quấy rối và tuân theo luật chống quấy rối và phân biệt đối xử, ⅓ phụ nữ (32%) và ¼ đàn ông (26%) cho biết họ không nắm rõ quy trình báo cáo hành vi quấy rối tình dục.

Đối với những hành vi quấy rối không nằm trong phạm vi công sở thì không phải sự việc nào cũng được trình báo tới cấp trên. Chỉ có 51% phụ nữ thảo luận về vấn đề quấy rối với đồng nghiệp, và 46% báo cáo lên cấp trên. Con số này với nam giới còn ít hơn khi chỉ 20% nói về việc bị quấy rối tình dục, và chỉ có 39% nam giới đề cập tới vấn đề này với cấp trên hoặc sếp. 

Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn đang bị xem nhẹ với những quan niệm sai lệch như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” hay “bánh mì phải có pate, đàn ông phải có máu dê trong người” vẫn rất phổ biến trong xã hội, khiến cho những hành vi quấy rối tình dục được bình thường hóa trong văn hóa doanh nghiệp, tạo nên những môi trường công sở không lành mạnh.

Một nghiên cứu cho chiến dịch #ThisIsNotWorking bởi CARE International năm 2018 được thực hiện trên 9,408 người lao động (51% nam và 49% nữ) tại 8 quốc gia (Úc, Ecuador, Ai Cập, Ấn Độ, Nam Phi, Mỹ, Anh và Việt Nam) đã chỉ ra rằng, phần lớn nam giới cho rằng quấy rối tình dục và lạm dụng phụ nữ ở nơi công sở là điều có thể chấp nhận được.

“TẠI SAO NẠN NHÂN KHÔNG LÊN TIẾNG?”

Trong các ngành nghề nam giới chiếm phần lớn như STEM (khoa học, công nghệ, kinh tế, toán học), phụ nữ thường ngần ngại lên tiếng vì những người xâm hại họ có quyền lực, có thể ảnh hưởng tới công việc của họ và họ vẫn muốn “yên ổn” tiếp tục sự nghiệp trong ngành. Tại phố Wall, nếu có những sai phạm được báo cáo lên cấp trên, họ thường thỏa thuận bằng tiền bạc để bảo vệ danh tiếng những nhân viên nam cấp cao và doanh nghiệp đó. Còn tại thung lũng công nghệ Silicon, những ông lớn như Uber hay Tesla, khi những nhân viên nữ báo cáo lên cấp trên khi bị “trêu ghẹo” (catcall) hoặc các quản lý có hành vi sàm sỡ, công ty không có phương án giải quyết triệt để hoặc đưa ra phương án dung túng cho kẻ quấy rối, hoặc buộc nhân viên đưa khiếu nại phải thôi việc. 

Theo báo cáo Respect@Work năm 2020 về tình trạng quấy rối tình dục tại công sở Úc trên hơn 10.000 nhân viên cho biết 43% nạn nhân cho biết họ không nhận được phản hồi tích cực, hoặc bị đổ lỗi khi báo cáo sai phạm quấy rối tình dục. Trong đó, 19% được cho là “kẻ gây rối”, 18% bị cô lập bởi các đồng nghiệp và 17% phải từ chức, và các thủ phạm thường không phải chịu hậu quả cho các hành vi của mình. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Hơn thế, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming) vẫn còn phổ biến khi nạn nhân tuy là người bị hại, song lại bị nghi ngờ rằng họ có hành vi “đồng thuận” hay ý định “khêu gợi” tình dục dẫn đến sự việc đó. Trong bài phỏng vấn với Zing News, những phụ nữ công sở chia sẻ về trải nghiệm bị quấy rối và phản ứng thản nhiên của các đồng nghiệp, những thủ phạm được dung túng cho các hành động sai trái khiến họ rơi vào bế tắc, tự đổ lỗi cho bản thân và ít người vượt qua được mặc cảm về tâm lý để tiếp tục làm việc.

Cuối cùng, cũng có trường hợp không báo cáo do nạn nhân không nhận thức được mình đã bị quấy rối hoặc những người chứng kiến không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Cùng với các lỗ hổng pháp lý và các chế tài xử phạt còn gây tranh cãi vì có thể chưa đủ tính răn đe cho thủ phạm. Bởi quấy rối tình dục thường không có bằng chứng hoặc nhân chứng rõ ràng để buộc tội, các mức phạt cho các trường hợp cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (không cụ thể cho hành vi quấy rối tình dục) hiện nay ở Việt Nam cũng chỉ dừng ở mức tối đa 300.000 đồng, đồng thời việc điều tra về sự việc có thể tạo thêm áp lực tâm lý cho nạn nhân vốn đã bị ám ảnh bởi việc bị tấn công. 

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC

Ở Mỹ, đặc biệt là bang California, những người bị buộc tội tấn công tình dục sẽ phải chịu bản án tù từ 24-48 tháng. Tại Canada, việc xếp các loại tội phạm tình dục vào nhóm rất nghiêm trọng với 4 mức độ, mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng hoặc phạt 2.000 USD, mức cao nhất có thể lên đến 14 năm tù. Canada có các hình thức giám sát những người phạm tội này khi mãn hạn tù và các hình phạt đi kèm như án tích công khai, cấm tham gia bỏ phiếu, tham gia các hoạt động chính trị, cộng đồng. Họ cũng bị cấm làm việc tại những nơi có thể đe dọa đến người khác như cơ sở giáo dục, y tế, các khu vực an toàn của trẻ em, luôn phải khai báo hoạt động, vị trí với cảnh sát và không được rời khỏi nơi cư trú. Còn ở Nhật Bản, hành động tấn công tình dục sẽ phải chịu mức án tối thiểu là 5 năm tù giam, mức án tối đa là 20 năm.

Tại Việt Nam, quấy rối tình dục chưa được xếp vào một loại tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. 

Gần đây, Việt Nam đã ban hành quy định xử phạt về các hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc sẽ áp dụng hình thức kỷ luật lao động cao nhất - bị đuổi việc từ năm 01/01/2021. Trong Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ các điều khoản về hành vi quấy rối tình dục: 

Khoản 3 Điều 8 

- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động

- Quấy rối tình dục phải được đề cập trong nội quy lao động của mọi doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 135 

Nhấn mạnh hình thức kỷ luật sa thải áp dụng trong một số trường hợp: 

- Ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục (gửi hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy)

- Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục (ôm, hôn, sờ mó, vuốt ve, cố tình đụng chạm…)

- Đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái, thăng tiến, tăng lương thưởng…). 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Ngoài ra, cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân trong các vụ việc quấy rối tình dục nơi công sở, Bộ luật Lao động 2019 cũng cho phép người lao động bị quấy rối tình dục được nghỉ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) ngay lập tức mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động

Về mức tiền xử phạt, hiện nay, tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Chính phủ đang quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng với người có “cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” nhưng chưa có quy định cụ thể mức phạt với hành vi “sàm sỡ, quấy rối tình dục”. Chính vì vậy, đây cũng là chế tài được áp dụng khi cơ quan Nhà nước xử phạt các đối tượng có hành vi sàm sỡ và quấy rối tình dục. 

Tuy vậy, Bộ Công an đang có những đề xuất tăng mức xử phạt cho các hành vi sàm sỡ và quấy rối tình dục. Tại điểm đ, khoản 5, Điều 6 của Nghị định mới, Bộ Công an đề xuất phạt tiền 5 - 8 triệu đồng đối với người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục. Đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự hay nhân phẩm của người khác, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, về biện pháp khắc phục hậu quả, Bộ Công an kiến nghị bắt buộc người vi phạm xin lỗi công khai với nạn nhân. Trường hợp người nước ngoài vi phạm các quy định thì tùy mức độ có thể bị trục xuất về nước.

TẠM KẾT

Nạn nhân của quấy rối tình dục phải trải qua những tổn thương nặng nề hơn cả về mặt thể chất lẫn chấn thương tinh thần đặc biệt khó phục hồi. Họ phải đối mặt với mặc cảm xấu hổ, sợ người khác biết; nhiều nạn nhân bị sang chấn tinh thần, mất một thời gian dài mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và phần lớn trong số này thường xuyên ở trạng thái lo âu, mất ngủ.

cong-so--1
cong-so--1

Họ giảm năng suất lao động, cần nghỉ phép nhiều hơn, dẫn đến nghỉ việc. Về lâu dài, những chấn thương tinh thần từ việc bị quấy rối tình dục sẽ là ám ảnh suốt đời và đem theo những hệ lụy về tâm lý như trầm cảm, các chứng lo âu và căng thẳng kéo dài và có thể không có ham muốn tình dục như trước. 

Không những vậy, năng suất lao động của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi quấy rối tình dục làm xấu đi các quan hệ lao động, tạo ra văn hóa doanh nghiệp độc hại cũng như lãng phí các tài năng là nữ giới trong ngành nghề có số lượng nam giới áp đảo như STEM, y tế hay tài chính.

Kết lại, quấy rối tình dục nơi làm việc là vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn bởi mọi ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân và cần bắt đầu từ giáo dục giới tính trong nhà trường. Quan trọng hơn cả, quấy rối tình dục chưa bao giờ là lỗi của nạn nhân. Ai cũng có khả năng là kẻ quấy rối và trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nếu như chúng ta không thực sự nâng cao nhận thức và thay đổi văn hóa công sở độc hại.

Linh Chi

Quấy rối, lạm dụng tình dục: Đổ lỗi cho nạn nhân là bóp chết công lý từ trong trứng nước

Quấy rối, lạm dụng tình dục: Đổ lỗi cho nạn nhân là bóp chết công lý từ trong trứng nước

Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn.