Mong nhà nước đãi ngộ hợp lý, để không bị mất nguồn lực quý giá từ lực lượng nữ trí thức

Hiệp hội APFSV do tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai làm chủ tịch, đã quen thuộc với các nhà khoa học nữ Việt Nam khi sang Pháp học tập và nghiên cứu.

Hiệp hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học (APFSV) do tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai, Việt kiều Pháp làm chủ tịch, từ lâu là địa chỉ quen thuộc đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam sang Pháp học tập và nghiên cứu. Đồng hành với Hội nữ trí thức Việt Nam (VAFIW), hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học đang giúp các nữ trí thức phát huy tài năng, trí tuệ vì sự bình đẳng giới và góp phần xây dựng phát triển đất nước.

PV: Xin chào tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai. Được biết, phần lớn nữ trí thức Việt Nam khi sang Pháp du học đều nhận được sự hỗ trợ quý giá từ Hội Khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học. Vậy xin bà cho biết đôi chút về Hội do bà làm chủ tịch?

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai: Tôi lập ra hội này vào năm 2006 tại Đại học Orsay thuộc quận 11 của Paris với tên tiếng Pháp là Association pour la Promotion des Femmes Scientifiques Vietnamiennes - là Hiệp hội khuyến khích phụ nữ Việt Nam làm khoa học.

Hội hiện có hơn 30 người và Hội có đại diện ở các tỉnh thành lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ. Thành viên của Hội có nhiều trí thức người Việt thành đạt đang sinh sống tại Pháp và Việt Nam. Họ là những người đạt nhiều giải thưởng lớn và có nhiều công trình khoa học giá trị.

Ngoài kết nối các nữ trí thức Việt kiều tại Pháp, Hội đặc biệt ưu tiên giúp các nữ trí thức từ Việt Nam sang Pháp để học tập hay nghiên cứu khoa học. Phần lớn các em sang theo học các mảng về toán, lý, hóa, sinh ở Orsay. Còn ở Paris Sorbonne thì các em học chuyên về ngoại ngữ, phần lớn do các công ty hay trường Đại học bên Việt Nam cử sang học. 

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai

PV: Những trí thức Việt sang Pháp học được trợ giúp như thế nào từ Hội thưa bà?

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai: Thời gian đầu khi đến Pháp, các em được Hội giúp mọi mặt để làm sao có thể hòa nhập thích nghi với cuộc sống ở Pháp nhanh nhất, cụ thể là ở Orsay, nơi tập hợp rất nhiều trường đại học lớn và có phong cảnh tuyệt đẹp.

Về chuyên môn, ở Việt Nam các em đã có thầy cô hướng dẫn, khi qua Pháp Hội cũng tìm chuyên gia hỗ trợ thêm. Hội thường xuyên họp để kết nối, làm quen, trao đổi tình hình, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi thường giúp các em sửa bài, góp ý kiến, tìm nơi thực tập nghiên cứu giúp các em viết luận án, luận văn. Khi mới qua Pháp, trình độ tiếng các em chưa tốt nên Hội thường bổ túc thêm tiếng Pháp và theo dõi tình hình các em.

Nhiều em khi qua Pháp buồn nhớ gia đình, Hội là nơi để các em tụ tập nấu nướng vui chơi cùng nhau, thường là vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Điều quan trọng nhất là bố mẹ, gia đình bên Việt Nam có thể yên tâm về các em. 

Các thầy cô giáo người Pháp cũng rất yêu mến Việt Nam nên giúp đỡ các em nhiều trong học tập. Ngoài sinh hoạt tại trường đại học, Hội cũng hướng các em tham gia sinh hoạt cùng các hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Trong hội người Việt Nam tại Pháp có nhiều người tài giỏi có công trình khoa học tầm cỡ quốc tế, có thể giúp các em rất nhiều.  

PV: Có sự khác nhau gì giữa nữ trí thức Việt Nam và Pháp trong công tác nghiên cứu khoa học không thưa bà?

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai: Tôi thấy là trong môi trường khoa học ở Pháp, nữ và nam làm việc chung và hết sức bình đẳng. Còn về gia đình thì chồng vợ đều chia sẻ việc với nhau rất tốt. Ví như vợ về đón con, thì chồng xong việc cũng về nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nói chung, mọi việc đều chia đều cho các thành viên. Việc tổ chức sắp xếp công việc gia đình là quan trọng, nhưng cùng chia sẻ, hiểu biết nhau cũng quan trọng lắm.

Nhiều năm đi đi về về, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, các cặp vợ chồng giờ cũng đã biết chia sẻ việc nhà và trách nhiệm với nhau. Ở Việt Nam còn có thêm cái hay là ông bà thường giúp trông đỡ việc nhà, con cái. Có điều tôi hơi tiếc là nhiều nhà khoa học nữ ở Việt Nam khi về hưu lại không tiếp tục công việc nghiên cứu của mình. Các chị dừng việc làm khoa học của mình ở tuổi 55, 60 thì thật là uổng phí.

Giao lưu với đoàn trí thức Hàn Quốc sang thăm Pháp (Ảnh nhân vật cung cấp).
Giao lưu với đoàn trí thức Hàn Quốc sang thăm Pháp (Ảnh nhân vật cung cấp).

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của giới nữ trí thức trong bối cảnh đất nước đang đổi mới để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai: Tham dự cuộc giao lưu mới đây giữa các nữ trí thức Việt Nam và sinh viên nữ Đại học Thương mại, khi tôi đặt câu hỏi: “Làm thế nào để toàn cầu chấp nhận công dân Việt Nam?” đã có nhiều câu trả lời thông minh và sáng tạo. Ngày nay, các em gái học rất giỏi, thi đỗ vào nhiều trường danh tiếng của Pháp và trên thế giới. Có thể nói, Việt Nam luôn có nguồn lực nữ trí thức rất mạnh, thế hệ trẻ có nhiều nhân tài và tài giỏi lắm.

Vì thế, tôi cho rằng, cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò của nữ giới. Với hội APFSV, chúng tôi luôn mong muốn rằng sau khi học xong ở Pháp, các trí thức trẻ Việt hãy giữ và sử dụng nguồn chất xám của mình trở về để phục vụ đất nước. Và, cũng mong sao nhà nước có sự đãi ngộ hợp lý, để Việt Nam không bị mất đi nguồn lực quý giá đó từ lực lượng nữ trí thức. Tôi hi vọng là các nữ trí thức trẻ khi trở về sẽ có những đóng góp xứng đáng cho đất nước.

Trong những năm gần đây, nữ trí thức trẻ Việt Nam ngày càng có nhiều công trình khoa học lớn và giá trị như ở Viện Vật lý có Nano technologie, ở Cần Thơ có công trình về lượng nguyên tử, có robot, trí tuệ nhân tạo. Còn Đà Lạt có những dự án về trồng trọt, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Không chỉ làm khoa học, tôi biết khá nhiều các chị còn biết làm kinh tế giỏi, đam mê kinh doanh và luôn tham gia hoạt động từ thiện xã hội cộng đồng. Mỗi dịp về Việt Nam gặp lại họ, tôi rất vui. Đó là ở Việt Nam, còn nữ trí thức thành đạt người Việt mình ở Pháp cũng nhiều lắm và điều quan trọng là họ cũng luôn biết hướng về quê hương đất nước.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện và chúc bà sức khỏe.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Như Mai tốt nghiệp ngành Ngoại giao Chính trị Đại học Cambridge (Anh), Tiến sĩ Kinh tế nông thôn (Pháp) cấp Nhà nước, từng làm chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

Hiện bà là hội viên danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) ở Liên minh châu Âu và tại Pháp.

Hà Linh (thực hiện)

Hội Nữ trí thức Việt Nam tích cực tham gia phòng chống covid-19

Hội Nữ trí thức Việt Nam tích cực tham gia phòng chống covid-19

Ngày 7/4 vừa qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có công văn về việc tham gia phòng chống dịch COVID- 19