“Ôi, đã dương tính mà còn đi … đi lắm … chịu”. Câu bình luận này, với dấu chấm chấm chấm kia là một từ văng tục, có lẽ các anh chị em thiện lành nghe quen tai rồi nhỉ? À mà có khi, chính mình, thiện lành thật, không “fake”, cũng có lúc buột miệng “đi…đi lắm” khi cơn bức xúc nổi lên không kìm hãm nổi. Anh Bèn nhớ lại xem có lúc nào mình đã văng thế chưa? Chắc có. Mấy lần? Chắc quên. Rõ, lắm chuyện thật, chỉ có loại văng nhiều mới không đếm được mình đã văng bao nhiêu lần. Đạo đức quạ tha.
Anh Bèn phải nghĩ về chuyện đó vì bốn hôm nay, khu chung cư mình đang sống đang bị phong tỏa. Chả là cách đây một tuần, có cô bé (nghe đồn xinh lắm, thế mà mình lại chưa lai vãng lại gần là thế nào), ở lầu trên, bị đưa vào diện nghi vấn F1. Đầu tiên, xét nghiệm em ấy… “âm hộ cả làng nhờ” cho đúng thỏa nguyện mọi người. Nhưng rồi sau vài hôm, xét nghiệm lần hai, em đã “dương”. Thế là thành F0. Thế là cả một khu nhà 600 con người thành F1. Thế là 21 ngày tự cách ly tại nhà. Thế là phong tỏa. Thế là suốt ngày chỉ có mấy thứ: ăn, chơi game, xem phim, viết lách lăng nhăng, bóng đá kèm bia, ngủ, dậy lại ăn, chơi game, xem phim, viết lách lăng nhăng… Nhưng tuyệt nhiên, không dám văng một câu nào “chửi bọn F0” như đã từng.
Ảnh minh họa: internet. |
Cái kỳ thị này đúng là nó phổ biến thật. Thế nên mới bắt đầu có cái chính sách không công khai danh tính F0 và chỉ liệt kê các địa điểm nguy hiểm mà F0 nào đó từng lai vãng tới. Quần chúng ca ngợi ào ào. Anh chị em thiện lành nức nở vì tính nhân đạo. Nhưng suy cho cùng. Nó sai đấy ạ. Như bản thân mình ở đây, ngồi ngay chỗ này, bị cách ly 4 ngày với bức tường không, anh Bèn mới hiểu thấu. Có mấy ông bạn, dù facebook mình đăng rõ rành rành rồi, mà vẫn không hề biết mình là F1, vẫn gọi điện rủ nhậu như thường. Đến khi anh Bèn thỏ thẻ “Bố ơi, con F1. Chắc con không sao vì từ đận 30/04 con đã “bó cẩn” ngồi nhà suốt, nhưng lỡ con mà F0 thì bố cũng nên cẩn thận vì cách đây hơn tuần chả bá vai bá cổ nhau nhậu nhẹt đấy” thì các bằng hữu mới thót hết cả người. Công khai danh tính F0 là vì mục đích cảnh báo, là vì an toàn. Các quần chúng yêu văn minh Tây ghét cổ hủ ta chắc chả biết là ở trời Tây ấy, nó cũng chẳng giấu danh tính người nhiễm bệnh làm gì.
Cái cơ bản là, các quần chúng thiện lành đáng yêu có kỳ thị hay không mà thôi. Quần chúng không kỳ thị, mắc gì người ta thành nạn nhân. Còn chính sách, bố bảo chả ai dám vạch ra cái chính sách kỳ thị bao giờ.
Câu chuyện kỳ thị này luôn là câu chuyện dài. Nói thế thôi, nó là bản tính của giống loài. Nó là tập quán chung của giống loài. Thế giới thật ra vốn phẳng từ trước khi chúng ta bảo nó phẳng, dù thực tế người Hy Lạp đã nói về một tinh cầu tròn từ lâu rồi chứ không phải đợi tới Galileo hay Copernicus. Trong cái ánh mắt trải rộng của những con-người-bộ-lạc của lịch sử, mặt đất này là phẳng và họ sẽ đi tới bất kỳ đâu lòng họ thôi thúc. Rồi người màu đen gặp người màu trắng, gặp người màu vàng. Đó là lúc họ nhận ra rằng “À, ta là một khác biệt” trong khi toàn bộ phần xung quanh còn lại thì có thể ré lên “Ối dzời ơi, có một thằng dị biệt”. Họ đã cư xử với nhau bằng cái bộ phận sinh dục trước nhất, tức là câu chuyện về di truyền. Trong cùng một mạch máu sẽ là ưu tiên tối thượng. Kế đến là trong cùng một “động mạch chủ” sẽ là ưu tiên thứ nhì. Cứ thế mà tính, loài người cố thủ trong các khái niệm về gia đình, rồi mới đến thị tộc, rồi mới đến bộ tộc và sắc tộc. Họ chống lại cái khác vì nó đại diện cho một đe dọa sinh tồn, một đe dọa không mơ hồ từ thời mông muội nhưng mơ hồ dần theo thời đại biến thiên.
Anh Bèn bắt đầu trở lại với câu chuyện ở dải Gaza mà chính anh Bèn thấy các anh chị em thiện lành xứ ta chia phe chém nhau tơi tả. Bữa đó, anh Bèn phì cười lòi cơm hốc mũi chỉ vì đọc một “sử tô (vẽ) gia” trẻ tuổi, được coi là cảm hứng sử (mà bọn anh Bèn gọi là cảm hứng sử tô) bi ba bi bô về Palestine, về Do Thái, về Israel, về các tôn giáo khởi từ Abraham blah blôh rất ahihi và ahôhô. Và trong cơn bực bội của một kẻ cũng chỉ hiểu biết hơn “sử tô vẽ gia” kia một millimetre, anh Bèn biên một cái bài ngắn ngủn về xứ thiên đường đất hứa của Chúa ấy. Bất ngờ, anh nhận được tin nhắn, và lời mời kết bạn, của chính ngài đại sứ Palestine. Chắc ngài muốn kiếm tìm thêm sự đồng cảm mà ngài chưa thấy ở bài đăng kia. Anh Bèn chấp nhận, và cũng có thảo luận cùng ngài cho đến khi ngài nói chuyện tôn giáo. Nói đến đó, anh Bèn dừng lại là phải. Khác biệt đức tin không nên nói với nhau về đức tin, kẻo mất đi người bạn quý.
Ảnh minh họa: internet. |
“Sự im lặng về câu chuyện Palestine thật ra chả có gì mới. Ở Anh, kể từ thập niên 1950, sau vài năm nhà nước Israel được thành lập, ngay cả cái tên Palestine cũng chẳng được dùng. Lúc còn là một cậu bé con và được hỏi “Cậu tới từ đâu”, câu trả lời của tôi còn khiến họ nghĩ tôi đến từ Pakistan”. Đó là phần mở đầu của bài viết có tên “Mâu thuẫn Trung Đông được dung dưỡng bởi sự im lặng về những người Palestine” của tay bút Ghada Karmi, đăng trên cột “Quan điểm” của tờ The Guardian. Bài viết của Ghada Karmi rất hay, không có gì sai lệch cả, nó giữ được phần nào sự khách quan mà một người gốc Palestine như Karmi phải rất tỉnh táo mới làm được trong hoàn cảnh này. Nhưng nó làm anh Bèn nhớ tới tất cả những gì anh đọc gần đây, từ những bài viết, trao đổi của ngài đại sứ cho tới những “rao giảng ba lăng nhăng” của tay “sử tô vẽ gia” trẻ tuổi. Tại sao tất cả mọi người cứ nói về năm 1947, năm Israel lập quốc? Phần lịch sử (cận đại thôi) trước năm 1947 ấy đã bị bỏ xó đi đâu rồi? Chẳng lẽ, trước 1947, người Do Thái không có một lịch sử nào? Vậy thì cái “lặng im Palestine” kia có đồng dạng với “một lặng im Do Thái”?
Thế chiến thứ nhất đã ảnh hưởng gì tới người Do Thái, tới vùng đất Palestine? Rồi thế chiến thứ hai thúc đẩy các ảnh hưởng đó đến cùng cực nào? Anh Bèn nghĩ, người Do Thái chắc sẽ chẳng cần một quốc gia cụ thể nếu như ở mỗi nơi họ đến, họ được chấp nhận như một cộng đồng bình đẳng như mọi cộng đồng ở trong lòng quốc gia đó. Chính vì chủ nghĩa bài Do Thái đã dồn nén họ đến việc, muốn an toàn, phải có một “căn nhà” của mình. Kinh Thánh cựu ước của Cơ Đốc, thiên kinh Q’uran của Hồi giáo hay Torah của Do Thái giáo đều khởi nguồn bằng chương nào? Sáng thế ký. Ở đó, Chúa tạo ra thế giới này trong 7 ngày. Và ở ngày đầu tiên, chữ cái đầu tiên của cả 3 thánh kinh kinh điển kia là chữ cái nào? Đó là chữ B, beta. Trong tiếng Hebrew, beta còn có nghĩa là “căn nhà”. Tức là Chúa tạo ra căn nhà cho ngài cái đã. Trong căn nhà ấy có cỏ cây, chim muông, loài người, loài vật, sông núi, biển, trời, lửa, đất, không khí và tất nhiên, sẽ có cả sự lành, sự dữ. Cái ước vọng căn nhà có lẽ khởi sinh từ trong sâu thẳm lòng người. Vì nhà là an toàn. Người Do Thái cần nhà để an toàn.
Chủ nghĩa bài Do Thái xuất hiện lâu rồi. Ai đọc Ivanhoe của Walter Scott chắc không khó gì để đếm ra bao nhiêu lần giọng miệt thị “lũ Do Thái, bọn cho vay nặng lãi” đã được sử dụng. Nó là một dòng chảy mạnh mẽ trong lòng người phương Tây và nó đẩy một dân tộc vào họa diệt vong. Sự kỳ thị đó, khi đã đến tận cùng, và để dân tộc Do Thái hồi sinh, nắm giữ rất nhiều trọng yếu trong cỗ máy chính trị và kinh tài của nhiều cường quốc, nó sẽ biến thành sự giận dữ mà người Do Thái có thể thể hiện để trả đũa lại những kẻ bức hại mình. Nó dẫn đến kỳ thị ngược lại người Palestine nói riêng và người Arab nói chung. Và cho đến hôm nay, người Arab cũng đã bước vào thập niên thứ ba của họa kỳ thị đó khi họ bị cố tình móc nối gắn liền với chủ nghĩa khủng bố.
John Demjanjuk, người được mệnh danh là “Ivan bạo chúa” (Ảnh: internet). |
Anh Bèn xem cuốn phim tư liệu về vụ xét xử “Demjanjuk”, người được mệnh danh là “Ivan bạo chúa” của trại tập trung Trawniki dưới thời Đức Quốc xã. John Demjanjuk trá hình thành một thợ máy ở Mỹ, và khi KGB gửi hồ sơ chứng minh John Demjanjuk chính là “Ivan bạo chúa”, Israel đòi dẫn độ để đưa ra tòa án. Nhiều thuyết âm mưu cho rằng KGB tạo dựng hồ sơ giả để cộng đồng Ukraine (John Demjanjuk là người gốc Ukraine) và cộng đồng Do Thái ở Mỹ sẽ mâu thuẫn với nhau thay vì cùng chung một lý tưởng “chống cộng sản Soviet”. Đúng là John Demjanjuk là “Ivan bạo chúa” thật nhưng phiên tòa nào không cần luật sư bào chữa. Nhận bào chữa cho John Demjanjuk là Yoram Sheftel, một luật sư Do Thái, sinh sống ở Israel. Và ông ta nhận được gì khi nhận vụ án này? Sự kỳ thị của chính đồng bào mình.
John Demjanjuk bị đưa vào phòng xử án ở Munich vào ngày 30 tháng 11 năm 2009 trong ngày đầu tiên xét xử. Bức ảnh được chụp bởi Thomas Blatt, một người sống sót trong trại tử thần Sobibor. (Ảnh:Thomas Blatt) |
Người Do Thái kỳ thị người Do Thái? Câu chuyện lạ ấy lại có thật. Anh Bèn nhớ thêm đến cả Leonid Afremov, một hoạ sĩ. Leonid sinh ra và lớn lên ở Soviet, và bị kỳ thị với các tiêu chuẩn sống thấp hơn các công dân Soviet anh hùng khác chỉ vì ông là người Do Thái. Liên Xô sụp đổ, Leonid đi về phía “căn-nhà-quốc-gia” của mình, tràn trề hy vọng “ta sẽ hồi sinh” giữa chính dân tộc mình. Tranh ông vẽ, gửi các gallery, và họ bán giùm ông để ông kiếm sống. Mỗi tranh bán được, Leonid nhận được khoảng 50USD. Cho đến một ngày, ông phát hiện ra các gallery toàn bán được giá gấp 10 lần họ đưa cho ông. Thắc mắc. Họ nói thản nhiên: “Thế thì tự bán đi nhé”. Các gallery Do Thái ấy đã không nhận tranh của Leonid nữa. Ông về khu phố Do Thái di cư từ Liên Xô của mình, tự mở gallery. Kết quả? Không một phóng viên Do Thái nào đến dự triển lãm và đưa tin dù ông có trịnh trọng mời. Lý do? Hắn là kẻ đến từ một quốc gia cộng sản.
Bây giờ, thế giới này còn ai kỳ thị ai nữa? Da đen kỳ thị ngược lại da trắng khi văn hóa của người da đen đang chiếm sóng đại chúng toàn cầu. Và người Hoa cũng bị kỳ thị. Anh Bèn chưa bao giờ ưa chính quyền Trung Hoa qua bao nhiêu đời rồi, nhưng anh Bèn lại rất nhiều bạn người Hoa, thân và quý. Anh Bèn yêu mến cả văn hóa của Trung Hoa, vì những phần lợi ích và vĩ đại nó mang lại cho loài người. Nhưng anh Bèn không thể hùa theo bất kỳ một cuộc chống người Hoa nào bởi nó là thứ di sản ngu xuẩn nhất của sự dữ trong loài người. Mà gần nhất là câu chuyện virus SARS-CoV-2 thôi. Anh Bèn chỉ có thể chấp nhận nó là sản phẩm nhân tạo của phòng thí nghiệm Vũ Hán khi có bằng chứng rõ ràng, và được phán xử bằng một tòa án quốc tế. Còn truyền thông và quần chúng ư? Họ tin vào câu chuyện mà chính họ muốn tin mà thôi.
Ảnh minh họa: internet. |
Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả con người thế hệ hôm nay dạy con mình rằng “Con là một con người” thay vì nói “con là người thuộc dân tộc Do Thái, Arab, Trung Quốc, Việt Nam, vv và vv”. Khi những đứa trẻ cùng lớn lên chỉ với “khác biệt” đặc trưng mà không có phân biệt về nguồn gốc chủng tộc, liệu chúng có xây dựng được một nhân gian mới không còn kỳ thị sắc người nữa hay không?
Thời hoàng kim Hy-La chẳng đã trải qua một quãng dài không đảng phái, và vẫn trở thành một mộng tưởng phục hưng của loài người. Khi chúng ta tạo ra các chủ nghĩa, để chúng lên ngôi, chính chúng ta vẽ thêm nhiều đường biên nữa, bên cạnh những đường biên đã rồi.
Điều gì sẽ xảy ra… Những hão huyền đó khiến anh Bèn ngồi thừ ra và nghĩ “Thế gian này không dành cho những đứa mơ mộng vớ vẩn như mày”. Để rồi, anh Bèn nhận ra thêm, cách ly đâm ra cũng có cái hay. Xa loài người, xa thêm một lần sự dữ…
Trăm năm trong một ngày
Giữa thời hiện đại này, chúng ta vẫn không thể vui khác nỗi vui của trăm năm trước, không thể buồn khác niềm buồn của trăm năm trước.