Mặt hàng giá rẻ chưa từng có
Nga là quốc gia đang tăng cường xuất khẩu than vào Việt Nam khi đạt kỷ lục về sản lượng trong tháng 8, đồng thời ghi nhận giá giảm mạnh chưa từng có.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, sản lượng than mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga đã đạt 544.326 tấn (kim ngạch hơn 89,9 triệu USD) trong tháng 8, tăng 21,4% so với tháng 7/2023. Đây là tháng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Đáng nói, giá nhập khẩu than đã ghi nhận giảm sâu với 198 USD/tấn bình quân trong 8 tháng đầu năm, giảm mạnh 41,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính từ đầu năm tới hết tháng 8 thì sản lượng than Việt Nam nhập khẩu từ Nga đã đạt hơn 2,7 triệu tấn (kim ngạch 538,45 triệu USD). Trong khi đó, vào năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga hơn 2,2 triệu tấn than các loại với kim ngạch hơn 590 triệu USD. Như vậy, có thể thấy sản lượng than Việt Nam nhập khẩu từ Nga trong 8 tháng của năm 2023 đã vượt qua con số của cả năm 2022.
Việc Việt Nam gia tăng nhập khẩu than (không chỉ từ Nga mà còn từ một số quốc gia khác như Úc, Indonesia...) được cho là do nhu cầu nhiệt điện và nhu cầu từ các nhà máy luyện thép của Việt Nam rất lớn.
Hầu hết lượng than nhập từ Indonesia, Nga và Úc đều phục vụ cho nhiệt điện. Một số loại than có độ bền cao hơn được sử dụng để phục vụ luyện thép.
Nhập khẩu các loại than từ Nga lập kỷ lục trong tháng 8. Ảnh: Nhịp sống thị trường |
Cơn sốt than dịch chuyển về châu Á
Theo Hiệp hội năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ than trên toàn cầu đã vọt lên cao nhất mọi thời đại vào năm 2022 và sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2023, chỉ giảm nhẹ. Nguyên nhân là do tốc độ gia tăng mạnh mẽ ở châu Á về cả sản xuất điện và sử dụng điện trong công nghiệp đã vượt xa nhu cầu suy giảm về điện của Mỹ và châu Âu.
Báo cáo thị trường do IEA công bố cuối tháng 7/2023 cho biết, mức tiêu thụ than trên toàn cầu trong năm 2022 đã tăng 3,3%, lên mức kỷ lục 8,3 tỷ tấn. Báo cáo dự đoán rằng trong hai năm 2023 và 2024, ngành nhiệt điện sẽ sụt giảm nhẹ nhu cầu về than, tuy nhiên, nhu cầu than trong các lĩnh vực công nghiệp lại gia tăng.
Trong năm 2023, dự đoán cứ 4 tấn than được tiêu thụ trên toàn cầu thì có 3 tấn do Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á tiêu thụ. Nhu cầu sử dụng than ở châu Âu dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm nay do chủ trương mở rộng năng lượng tái tạo, và do năng lượng điện hạt nhân, cũng như thủy điện tại châu lục này đã phục hồi một phần sau giai đoạn suy giảm.
Trong khi đó, cũng theo IEA, sau biến động mạnh và vọt lên mức cao vào năm ngoái, giá than đã giảm trong nửa đầu năm 2023 xuống mức tương tự như mùa hè năm 2021. Than nhiệt trở lại có giá thấp hơn than cốc. Mức chênh lệch lớn đối với than của Úc đã thu hẹp sau quãng thời gian ngành sản xuất than gặp khó khăn vì hiện tượng thời tiết La Niña.
Đáng chú ý, than của Nga đã tìm được thị trường mới sau các lệnh cấm của châu Âu nhưng thường được bán với giá giảm đáng kể.
Trong năm 2023, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu than bằng đường biển |
Trung Quốc tìm đến Nga để mua than chất lượng cao
Hãng tin Bloomberg cho hay, Trung Quốc đang tìm đến Nga và Úc nhằm tăng cường nhập khẩu các loại than có chất lượng cao hơn, bù đắp lại chất lượng sụt giảm của nguồn than khai thác trong nước.
Than từ Nga nhận được sự ưu ái lớn tại Trung Quốc do thường được bán ở mức giá chiết khấu cao. Theo dữ liệu mới nhất từ hải quan Trung Quốc, mức nhập khẩu than từ Nga vào Trung Quốc trong tháng 8/2023 đã đạt 9,96 triệu tấn, trở thành cột mốc cao thứ hai trong năm nay.
Lượng nhập khẩu than của Trung Quốc (bao gồm cả than non chất lượng thấp) đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại khi đạt 44 triệu tấn trong tháng 8. Tính chung mức nhập khẩu than của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng lên 306 triệu tấn, nhiều hơn mức mà nước này thường tiêu thụ trong cả năm.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạn chế tình trạng thiếu điện gây khó khăn cho nền kinh tế trong những năm gần đây. Việc Trung Quốc vội vàng khai thác thêm than để đáp ứng nhu cầu đã làm giảm chất lượng than trong nước. Do đó, họ cần nhiều than hơn mức thông thường để đảm bảo tạo ra cùng một lượng nhiệt như trước đây.
"Trong năm nay, các chuyến than từ Nga và Úc đang tranh giành thị phần từ Indonesia - vốn là nhà xuất khẩu than lớn nhất của Trung Quốc" - Chuyên gia phân tích Amy Xu tại công ty dịch vụ thông tin năng lượng Fenwei cho hay.
Fenwei dự báo tổng lượng than nhập khẩu thường niên của Trung Quốc sẽ đạt 446 triệu tấn, phá vỡ kỷ lục 323 triệu tấn thiết lập trong năm 2021. Trong 446 triệu tấn này sẽ có 359 triệu tấn than nhiệt và 87 triệu tấn than cốc.
Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt nam
Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội.