Mẹ nào có con nhỏ trong độ tuổi 2-4 đều từng trải qua cảnh sáng nào đưa con đi lớp cũng mệt mỏi vô cùng. Nào là gọi dậy, thúc ép đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, nhanh nhanh không muộn giờ làm của mẹ. Mẹ thì vội nhưng con thì thờ ơ, dửng dưng làm từng việc một, bị quát thì lại gào khóc lên. Sáng nào cũng như sáng nào, việc ấy cứ lặp đi lặp lại, quen thuộc tới mức nhiều người mẹ cảm thấy stress, tình cảm mẹ con đi xuống trầm trọng.
Thế nhưng có lẽ chưa khi nào mẹ tự hỏi có lý do gì đặc biệt để con làm vậy không. Thực ra, tụi nhỏ không lề mề tới vậy, chúng mà tự giác thì việc nào ra việc đó, mẹ chẳng phải giục cũng được ấy chứ. Chỉ có điều có một lý do xuất phát từ bên trong mà không phải người mẹ nào cũng hiểu. Đó là đứa trẻ muốn ở gần mẹ thêm một chút.
Nghe câu thoại của bé gái trong Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, nhiều người mẹ bất giác hối hận vô cùng vì sáng nào cũng cáu gắt trước sự nhõng nhẽo của con.
![]() |
Đoạn hội thoại giữa Geum Myeong và con gái vào một buổi sáng đã khiến cho cô nghẹn ngào.
- Geum Myeong: Sae Bom à, sáng mai con định nhai cơm 100 lần, thay quần áo 10 lần hả? Thay quần áo 10 lần hả? Sao sáng nào con cũng nhõng nhẽo thế?
- Sae Bom: Nếu con ăn và thay quần áo xong hết, thì mẹ sẽ đi làm mất.
Nghe đoạn hội thoại này, chính Geum Myeong và cả rất nhiều người mẹ đều có chung một cảm giác. Đó là cảm thấy bản thân đã quá khó khăn với các con mà không biết rằng đứa trẻ chỉ muốn níu chút thời gian ở bên mình. Dù là ngày nào cũng gặp mẹ nhưng sự nhớ nhung vẫn còn đó. Với trẻ nhỏ, mẹ là cả thế giới, chỉ đến khi chúng lớn lên, bố mẹ sẽ chỉ còn là những buổi tối hoặc những ngày cuối tuần.
Đôi khi, cha mẹ cũng không biết rằng, chính những hành động đó là cách mà con thể hiện tình yêu thương và sự cần thiết được kết nối với mẹ. Trẻ con luôn khát khao tình cảm, sự quan tâm và sự bảo bọc của người lớn, đặc biệt là mẹ, người mà chúng luôn cảm thấy an toàn và yêu thương nhất. Những hành động nhõng nhẽo, dù đôi khi khiến mẹ bực bội, thật ra là dấu hiệu của việc trẻ đang tìm kiếm sự gắn kết.
![]() |
Có lẽ, mẹ chưa bao giờ nghĩ rằng trong những lúc giận dữ đó, con chỉ đang muốn được mẹ chú ý. Đứa trẻ chưa biết cách diễn tả nỗi lòng mình bằng lời nói, chúng chỉ có thể hành động theo cách mà chúng cảm thấy là đúng, dù đôi khi không phải lúc nào cũng hợp lý với người lớn.
Thật ra, con trẻ có thể không cần những món quà đắt tiền, những chuyến đi chơi xa xôi, mà chỉ cần thời gian chất lượng bên mẹ. Những buổi sáng chậm rãi cùng nhau làm bữa ăn, những buổi tối yên bình khi cả nhà quây quần bên nhau, chính là những kỷ niệm mà con sẽ ghi nhớ mãi.
Chỉ khi mẹ hiểu được điều này, mẹ mới nhận ra rằng, mọi sự nhõng nhẽo của con chỉ là một cách bày tỏ tình yêu mà thôi. Và lúc đó, có lẽ mẹ sẽ không còn cảm thấy khó chịu, mà sẽ cảm nhận được tình cảm chân thành của đứa trẻ, như một sự kết nối vô hình giữa mẹ và con.
Cậu bé khóc nhè trong "Bố ơi mình đi đâu thế" giờ trổ mã điển trai: 8.0 IELTS, giải nhì môn tiếng Anh cấp thành phố
Cậu bé được 6 trường ở Mỹ nhận vào với mức học bổng từ 50-90%, chuyên ngành Tâm lý học.