Ban đầu tranh gói vải đơn thuần là dòng tranh chuyên về chân dung để dùng trong thờ phụng. Về sau, tranh có thêm nhiều chủ đề phong phú, được sử dụng làm quà tặng trong các dịp đám cưới, mừng thọ, tân gia.
Tranh gói vải bắt đầu phát triển, đặc biệt hưng thịnh ở Nam Bộ trong giai đoạn thập niên 50-60 của thế kỷ XX. Hiện nay, người còn làm và lưu giữ dòng tranh gói vải, cũng là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này là chú Hồ Văn Tai (81 tuổi) và vợ là cô Nguyễn Thị Bạch Thủy (76 tuổi).
Chú Hồ Văn Tai (81 tuổi) và vợ là cô Nguyễn Thị Bạch Thủy (76 tuổi). |
Chú Tai sinh năm 1938 trong một gia đình nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Từ nhỏ, chú đã bộc lộ năng khiếu với hội họa thể hiện qua việc vẽ tranh phong cảnh, tranh thú tặng bạn bè.
Một lần, chú tình cờ gặp tranh gói vải ở cửa hiệu Thủy Tiên của ông Trần Văn Huy người sáng tạo nên dòng tranh này. Sự kiện ấy trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chú. Được gia đình ủng hộ, chú Hồ Văn Tai quyết định theo học nghề với chính cha đẻ của dòng tranh này.
Năm 1956, cửa hiệu Thủy Tiên chuyển về Sài Gòn, chú cũng đi theo, vừa để làm thợ vừa để hoàn thiện tay nghề. Không chỉ làm nghề, chú còn xác định phải phát triển nghề, vì vậy ngoài việc học nghề với ông Trần Văn Huy, chú còn học vẽ với nghệ sĩ Mai Lân là giảng viên trường Mỹ thuật Gia Định. Do đó, tranh chú làm ra rất đẹp, rất sinh động.
Nhờ năng khiếu bẩm sinh cùng với tinh thần lao động nghiêm túc cần cù, các tác phẩm của chú dần được công chúng thừa nhận và yêu thích. Năm 1960, chàng trai tỉnh lẻ mạnh dạn mở cửa tiệm tranh gói vải với tên gọi Trúc Lam, thời điểm này được coi là thời hoàng kim của tranh gói vải. Không chỉ cho chú một phương kế để mưu sinh, tranh gói vải còn se duyên cho chú và cô Thuỷ.
Đây là hai nghệ nhân cuối cùng của nghề tranh dân gian. |
Suốt mấy chục năm, cô vừa là vợ vừa là đồng nghiệp đã luôn đồng hành, ủng hộ chú trong việc làm tranh dân gian. Năm 1965, chiến tranh loạn lạc, gia đình chú trở về quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, tại đây chú nhận làm tranh cho khách hàng ở nhiều tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, cần Thơ, Kiên Giang,...
Hơn 60 năm theo đuổi nghề, chú Tai đã làm được hơn 3000 bức tranh gói vải. Tranh của chú có mặt từ Nam chí Bắc, mỗi bức tranh là một đứa con tinh thần ý nghĩa chứa đựng cả công sức lẫn tâm huyết của chú.
Ký ức về những đêm chong đèn làm tranh cho kịp đơn đặt hàng đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên, bởi dẫu vất vả cực nhọc nhưng đó cũng là niềm hạnh phúc khi tranh gói vải được nhiều người thừa nhận ưa chuộng.
“Làm tranh như một phần cuộc sống của mình, những khi khách lại nhận tranh mà người ta vừa ý mình cũng thấy lòng mình vui sướng. Làm tranh cũng để mình luyện thêm tính kiên nhẫn của mình, sự chăm chỉ kiên nhẫn vì làm cái này rất cần sự kiên nhẫn, phải rất kiên nhẫn, chăm chỉ, nếu không có thì không làm nghề này được, thành ra rất ít người theo được nghề này là vì vậy", cô Thuỷ, vợ chú Tai chia sẻ.
Hai nghệ nhân trổ tài vẽ tranh. |
Đến nay, bạn làm nghề cùng thời với chú Tai nhiều người không còn nữa, một số thì bỏ nghề, nay chỉ còn lại mình chú. Chú thường hay trăn trở về sự mai một của dòng tranh gói vải nhưng cũng đành ngậm ngùi.
Nghề làm thủ công vất vả mất nhiều thời gian công sức nên tuổi trẻ ít ai chịu học, chú chỉ kỳ vọng truyền được nghề cho những đứa cháu của mình. Hai vợ chồng chú cũng đang ấp ủ ước mơ tổ chức được một cuộc triển lãm về dòng tranh này để giới thiệu với mọi người khơi gợi lại quá khứ vàng son một thuở.
Hai nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh gói vải - vợ chồng chú Hồ Văn Tai và cô Nguyễn Thị Bạch Thuỷ từng xuất hiện tại chương trình Mãi Mãi Thanh Xuân và trực tiếp thể hiện tài năng với bức tranh Cò Tùng ngay trên sân khấu khiến dàn nghệ sĩ trầm trồ không ngớt.
Giải pháp dùng lu nước để chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân gây tranh cãi
Đề xuất dùng lu nước để chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân tại kỳ họp thứ 15, HĐND khóa IX, chiều 12/7 gây ra nhiều tranh cãi, theo HTV.