Nghiên cứu công nghệ mới tạo đột phá trong sản xuất nấm tại Huế

Công nghệ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn mở ra cơ hội phát triển ngành nấm theo hướng bền vững cho người dân.

Ngành trồng nấm tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong suốt hơn 15 năm qua, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam và miền Trung, nơi hàng nghìn hộ gia đình đã chuyển sang trồng nấm như một nghề mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Nấm ăn, với giá trị dinh dưỡng cao và tiềm năng dược liệu, đang ngày càng được ưa chuộng không chỉ trong bữa ăn hàng ngày mà còn trong việc phòng ngừa một số bệnh lý như tim mạch, béo phì và loãng xương. Tuy nhiên, việc sản xuất giống nấm ở nhiều nơi, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, vẫn gặp nhiều khó khăn do công nghệ cũ và quy mô sản xuất còn hạn chế.

Nấm linh chi ngày càng có giá trị nhưng phụ thuộc nhiều vào sản phẩm ngoại nhập
Nấm linh chi ngày càng có giá trị nhưng phụ thuộc nhiều vào sản phẩm ngoại nhập

Tại Thừa Thiên Huế, nghề trồng nấm chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp sản xuất giống nấm trên môi trường thể rắn, gây mất thời gian ươm giống và hạn chế trong việc sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên, một bước đột phá mới đã được thực hiện khi nhóm nghiên cứu của ThS Nguyễn Hạnh Trinh tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đề tài "Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể trong sản xuất nấm sò, mộc nhĩ và linh chi". Đề tài này đã được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021 với mục tiêu cải tiến công nghệ sản xuất giống nấm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân.

Công nghệ mới ứng dụng giống nấm dạng dịch thể thay thế cho phương pháp cũ, giúp giảm thời gian nhân giống và nâng cao chất lượng giống. So với giống nấm thể rắn, giống nấm dịch thể có chi phí sản xuất thấp hơn, thời gian ươm giống ngắn hơn và khả năng vận chuyển, lưu giống dễ dàng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Theo kết quả từ đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công 12 quy trình sản xuất giống nấm phù hợp với điều kiện thực tế của Thừa Thiên Huế, tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Đặc biệt, 62 hộ dân đã được triển khai mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu với năng suất đáng kể. Mỗi hộ trồng nấm có thể đạt được năng suất từ 400-550kg nấm tươi/1.000 bịch phôi, giúp nâng cao đời sống cho người nông dân.

Ngoài ra, mô hình sản xuất giống nấm dịch thể cũng đã thành công với diện tích phòng thí nghiệm 100 m2 và công suất lên tới 16.000 lít mỗi năm, cùng với một cơ sở sản xuất bịch phôi giống nấm công suất 2.000 bịch/ngày tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ những thành công này, người dân trong tỉnh và các khu vực lân cận sẽ có cơ hội tiếp cận giống nấm chất lượng cao, mở ra triển vọng cho việc phát triển ngành nấm một cách bền vững.

Hiện nay, sản lượng nấm tại Thừa Thiên Huế vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thị trường, đặc biệt là nấm linh chi, một loại nấm dược liệu có giá trị cao, vẫn còn lép vế so với các sản phẩm ngoại nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất đáp ứng được với nhu cầu của người tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào nấm nhập khẩu và mang lại giá trị kinh tế cho người dân.

TM (theo NASATI)

Phát hiện cách chế biến kỳ lạ giúp tối đa dinh dưỡng của bông cải xanh

Phát hiện cách chế biến kỳ lạ giúp tối đa dinh dưỡng của bông cải xanh

Phương pháp giúp tối đa “hợp chất vàng” sulforaphane có trong loại rau này.