Người bị bệnh nền, tiểu đường trước và sau tiêm vaccine COVID-19 cần lưu ý gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh nhân tiểu đường type I hoặc II là một trong nhóm bệnh nhân mắc bệnh nền được khuyến cáo nên ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 sớm.

Người lớn tuổi bệnh tiểu đường nên tiếp cận vaccine COVID-19 sớm

Các báo cáo về việc tiêm vaccine COVID-19 trên bệnh nhân tiểu đường cho thấy khi nhiễm virus, trường hợp này sẽ có khả năng cao mắc các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm vaccine sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 và ngăn tình trạng bệnh tiến triển nặng nếu mắc phải.

Cho tới nay, nghiên cứu cho thấy các vaccine COVID-19 dung nạp tốt, có hiệu quả và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người mắc bệnh tiểu đường.

Thử nghiệm lâm sàng của vaccine Pfizer và AstraZeneca thực hiện ở người mắc bệnh tiểu đường cho thấy các tác dụng phụ sau tiêm vaccine ở nhóm này cũng tương tự người không mắc tiểu đường.

Họ có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ, nhưng sẽ chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng người tiêm cũng cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khoảng vài ngày sau khi tiêm để kiểm soát đường huyết tăng đột biến.

tiem-vacxin-covid-cho-nguoi-gia.jpg

Hiện chưa thấy có hiện tượng tương tác giữa vaccine với insulin và các thuốc trị tiểu đường khác. CDC cũng cho biết vaccine COVID-19 không tương tác với hầu hết loại thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc điều trị tình trạng sức khỏe mạn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, CDC vẫn khuyên cáo không nên dùng thuốc không kê đơn để ngăn ngừa tác dụng phụ trước khi tiêm vaccine. Những người thường xuyên dùng các loại thuốc này vì bệnh lý nên tiếp tục sử dụng chúng như thông thường. Mọi người cũng không nên dùng thuốc kháng histamine để giúp ngăn ngừa phản ứng dị ứng trước khi tiêm.

Tiêm đủ 2 mũi vaccine người cao tuổi vẫn hạn chế tiếp xúc

Người bệnh nền hay người cao tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 có thể nói là đã an toàn nhưng vẫn phải cẩn trọng khi đi ra ngoài và sinh hoạt. Họ có thể đi siêu thị nhưng phải canh giờ nào phù hợp, đừng đến khi đông đúc quá. Họ có thể đi tập thể dục nhưng phải để ý khoảng trống xung quanh như thế nào và giữ khoảng cách khi giao lưu, nói chuyện.

Người cao tuổi, có bệnh nền nên cân nhắc khi đến chỗ đông người như đám cưới, đám giỗ. Nếu có đi thì phải biết mình ngồi với ai, người đó đã tiêm vaccine chưa (người tiêm chủng đủ có nguy cơ bệnh thấp hơn và ít lây cho người khác hơn).

Chưa nên đi du lịch đến những địa phương mà tỉ lệ tiêm chủng còn thấp vì người cao tuổi, người có bệnh nền vẫn là "đối tượng nguy cơ". Đây chỉ mới là giai đoạn "bình thường mới", chứ chưa phải bình thường như khi chưa có dịch. Chừng nào dịch bệnh thật sự hết ở đất nước ta và trên thế giới thì mới có thể thực sự thoải mái như cũ.

Trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hay mới tiêm mũi 2 chưa được 14 ngày thì ráng chờ đợi thêm ít ngày nữa, giữ khoảng cách với con cháu khi họ đi làm về. Bởi lẽ, người trẻ dù chưa tiêm vaccine thì tỉ lệ mắc bệnh nhẹ khá cao, người trẻ tiêm 1 mũi cũng đủ để tạm an toàn; còn "đối tượng nguy cơ" mà mới tiêm 1 mũi thì chưa an toàn.

Ngoài ra, nên quản lý tốt bệnh nền của mình bởi sức khỏe tốt, sức đề kháng tốt rất quan trọng nếu lỡ nhiễm bệnh; khi đi khám bệnh thì chú ý mang khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách...

HẢI MY