Người đặt nền móng cho ngành khoa học môi trường
GS.TS Đặng Thị Kim Chi sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, bà là con gái út của GS.BS Đặng Vũ Hỷ và là cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh. Ngay từ nhỏ, bà đã được giáo dục tinh thần ham học, yêu sách vở và trong mọi việc đều phải kiên nhẫn, bền bỉ, phải luôn “đi bằng đôi chân của mình”.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi là cháu ngoại của học giả Phạm Quỳnh |
Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng loại ưu và được giữ lại làm giảng viên, năm 1978 bà được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường.
“Ban đầu tôi rất băn khoăn vì môi trường là ngành còn quá mới đối với Việt Nam thời đó, nhưng vì trách nhiệm của mình đối với khoa, với trường và cũng không thể phụ lòng tin của mọi người trong ngành, tôi quyết tâm đi học. Hồi mới sang Đức, là con gái học kỹ thuật, lại học về một ngành mà ở Việt Nam chưa từng có nên tôi vất vả hơn các bạn, phải học lại kiến thức từ đầu để theo được chương trình” – GS.TS Kim Chi kể lại.
Năm 1983, sau khi về nước, TS Kim Chi đã cùng nhóm cán bộ gồm 6 người đứng ra thành lập nhóm nghiên cứu môi trường - tiền thân của Viện KH&CN môi trường của ĐH Bách khoa ngày nay. “Mọi thứ đều bắt đầu từ bàn tay trắng, chúng tôi phải xây dựng các chương trình đào tạo, tham khảo các chương trình đào tạo kỹ sư về kỹ thuật môi trường ở các nước tiên tiến” - bà cho biết.
Năm 1989, Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Trường ĐH Bách khoa) được thành lập. Tại đây, cùng các đồng nghiệp, giảng viên Kim Chi đã đào tạo hàng trăm kỹ sư kỹ thuật môi trường cho Việt Nam. Chính sự chuẩn bị khá sớm này đã giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật môi trường được trang bị kiến thức tốt, kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề nóng về môi trường khi đất nước bước vào giai đoạn “bùng nổ” kinh tế.
Công trình đầu tiên bà và nhóm của mình tham gia là nghiên cứu ra loại phẩm màu in gạch bông (gạch lát nền) và ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ bột màu với Nhà máy Thạch Bàn. Nhưng dòng nước từ phẩm nhuộm màu gạch nhuộm đỏ cả dòng sông, và những con mương lại khiến bà đau xót. Bà âm thầm tìm cách xử lý nước thải trước khi đưa nguồn nước này ra môi trường.
Nhà khoa học nữ nặng tình với môi trường làng nghề Việt Nam
Tình cờ được tiếp cận một đề tài về đánh giá hiện trạng môi trường của ba loại hình làng nghề Việt Nam ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Tây vào năm 1999, GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận thấy rằng, vấn đề môi trường của loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này đang bị bỏ ngỏ. Là hoạt động kinh tế tự phát từ những người nông dân nên sản xuất làng nghề có nhiều điểm hạn chế nhất định như: Công nghệ sử dụng lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và xen kẽ với đời sống gia đình. Vì vậy, vấn đề chất thải phát sinh từ các hoạt động nghề thủ công thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động hiện đại, quy mô lớn.
“Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống, vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, tôi đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam” - GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.
Nhiều tháng trời, bà đành nhờ vả chuyện chăm nom con cái cho chồng để đi đến những nơi có các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ xem xét, lấy mẫu để xét nghiệm mức độ ô nhiễm cũng như tình trạng lây lan của nó tới cộng đồng như: Làng chế biến gỗ Hương Mạc (Bắc Ninh), làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái và làng nghề bún bánh đa Thanh Lương (Hà Tây), làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh)...
Nghe tin ở đâu có vấn đề bức xúc về môi trường là GS.TS Kim Chi đến tận nơi để lấy mẫu, phân tích, đánh giá, phản ánh và kiến nghị, kể cả khi đó là những vấn đề chưa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhưng bà không bao giờ bỏ sót.
Trong một chuyến công tác tại Thái Nguyên, khi nghe người dân than thở là gần đây trồng cây gì cũng chết, nguồn nước sinh hoạt có mùi lạ, lập tức GS.TS Kim Chi đã tìm về tận nơi, lấy mẫu phân tích. Sau khi có kết quả, bà đã thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh biết để kịp đưa ra phương án giải quyết.
Lần khác, khi đang quan sát các làng nghề chế biến đồ gỗ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi phát hiện người thợ đang phải hít bụi với khối lượng lớn mỗi ngày. GS đã cùng học trò tìm tòi nghiên cứu để sản xuất cho bà con sản phẩm máy chà gỗ có thể hạn chế được tình trạng bụi. Bởi vậy, ngày 30 Tết năm ấy, người của cơ sở chế biến gỗ mang theo bức phù điêu gỗ khổ vuông 50 x 50 cm chạm chữ “Phúc” rất đẹp đẽ và công phu đến tận nhà treo tặng gia đình để cảm ơn GS Kim Chi.
Với gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi làm chủ nhiệm và tham gia 35 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 61 bài báo khoa học. Trong đó có tổng cộng 14 đề tài nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề môi trường làng nghề, đặc biệt có một đề tài cấp Nhà nước. Kết quả thu nhận được từ những đề tài này chính là căn cứ quan trọng để GS.TS Đặng Thị Kim Chi xây dựng Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam”, bao gồm:
- Bộ sách chuyên khảo “Làng nghề Việt Nam và Môi trường” tập 1, 2, 3.
- 7 bộ tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường các làng nghề (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại).
- 7 mô hình công trình xử lý chất thải cho cơ sở sản xuất tại một số loại hình làng nghề.
Trong những năm qua, các sản phẩm của Bộ công trình “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đã được phổ biến và đón nhận ở nhiều địa phương có làng nghề giúp định hướng và triển khai các giải pháp tổng hợp trong quản lý môi trường, từ đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe người dân sống trong khu vực, giảm xung đột môi trường, góp phần phát triển bền vững cho các làng nghề.
Ô nhiễm môi trường làng nghề là trăn trở lớn của GS.TS Đặng Thị Kim Chi |
Với những giá trị to lớn trong việc góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Việt Nam, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia năm 2008; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cùng các huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, đơn vị...
Gần đây nhất vào tháng 11/2019, công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã xuất sắc nhận giải nhất lĩnh vực môi trường, giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”.
Vẫn còn đó nỗi băn khoăn về môi trường làng nghề Việt Nam
Trước thực trạng việc áp dụng giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề chưa tiến bộ nhanh bằng tốc độ phát triển về quy mô sản xuất của làng nghề, dù đã ở tuổi “Cổ lai hy”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi vẫn còn nhiều trăn trở: “Các giải pháp mà tôi đưa ra dù đạt được những giá trị thực tiễn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các mô hình dù hiệu quả đến đâu nhưng để áp dụng vẫn còn nhiều yếu tố như sự chặt chẽ của pháp luật, sự đấu tranh giữa các hộ sản xuất và các hộ không sản xuất nhưng sống bên cạnh. Thiết nghĩ cần có các tổ chức sống ngay trong làng nghề tự phổ biến về vấn đề bảo vệ môi trường, bởi sẽ hiệu quả hơn hẳn khi vấn đề này được tác động từ bên ngoài vào. Nếu không có sự quyết liệt của chính quyền và sự ủng hộ của bà con thì rất khó thành công”.
Những người phụ nữ kiếm tiền giỏi nhất 2019
Không chỉ có những đại diện của phái mạnh ghi tên vào danh sách những người giàu có mà những người phụ nữ này cũng sở hữu khối tài sản kếch xù.