Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An trả lời phóng viên của các báo ở TP.HCM trong một sự kiện. Ảnh: Lê Nam |
Thời đó chưa có Facebook, lại chưa bao giờ đi nước ngoài, nên máy bay vừa cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, là có cảm giác như cách xa nghìn trùng. Cũng may nhờ có nhóm du học sinh qua trước tôi vài tháng, mà tôi vơi bớt nỗi cô đơn ở xứ sở sương mù.
Anh Lê Hải An cùng với một người anh nữa, là 2 người anh cả của nhóm du học sinh chúng tôi lúc đó.
Anh Lê Hải An làm nghiên cứu sinh tại Heriot-Watt, tôi học tại Sheffield, và chúng tôi gặp nhau tại nhà một người bạn ởLeeds. Biết tôi mới qua, anh nhờ người ra ga đón tôi về nhà người bạn này.
Những lần gặp nhau, anh Lê Hải An vui vẻ cùng với mọi người vào bếp làm thức ăn cho cả nhóm. Gần 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ những món ăn anh làm thường liên quan đến thịt gà. Anh là người rất vui tính, nhà chật, cả nhóm chen chúc nhau nằm ngủ trên sàn nhà. Những lúc đó, anh thường kể cho mọi người nghe đủ thứ chuyện tiếu lâm trên đời.
Trong ký ức của tôi, anh Lê Hải An là một người giỏi thật sự, mà quan trọng hơn cả, anh là một người chính trực và biết quan tâm đến người khác. Ngoài ra, anh còn là một người khá khiêm tốn. Nhớ hơn 10 năm trước, bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, biết tôi có dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ở Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, anh cũng đã chịu khó bay từ Hà Nội vào để học hỏi kinh nghiệm. “Học hỏi kinh nghiệm” là cụm từ anh Lê Hải An dùng, tuy nhiên, tôi hiểu rõ những gì tôi biết thì anh ấy cũng đã biết.
Nhớ lại những năm mới về nước công tác, tôi mất phương hướng, đôi khi cảm thấy bất lực trước điều kiện nghiên cứu khoa học còn quá khó khăn. Gặp được anh, than thở với anh vài câu, anh động viên tôi, anh hiểu những gì tôi đang trải qua, và anh tin rằng tôi sẽ vượt qua được. Anh bảo rằng, bắt đầu bao giờ cũng khó, nhưng nếu không bắt đầu thì không bao giờ thay đổi được, mà nếu những người như chúng ta không bắt đầu thì ai sẽ bắt đầu đây. Anh không thích dùng những từ đao to búa lớn khi nói chuyện, anh muốn bắt tay vào làm việc, anh bảo chỉ có làm việc nhiều thì mới có thể thay đổi.
Lúc biết tin anh Lê Hải An được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi thật sự hy vọng anh mang lại một luồng gió mới, và có lẽ không chỉ một mình tôi có suy nghĩ đó.
Nhưng nay tất cả đều dang dỡ, anh ra đi quá bất ngờ.
Anh Lê Hải An ơi, anh đi đâu mà vội thế?
Tiểu sử PGS Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
PGS Lê Hải An sinh năm 1971, Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Ông Lê Hải An xuất thân từ một gia đình “trí thức nòi”. Nguyên quán của ông là xã Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cụ thân sinh ra ông là Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, tác giả nhiều cuốn SGK toán phổ thông, và đặc biệt là người từng nhiều năm làm trưởng đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam dự các kỳ thi Olympic toán học quốc tế. Ông có người anh trai là GS Lê Hải Khôi, người từng là thành viên đội tuyển quốc gia thi Olympic toán quốc tế, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, nay là giáo sư ở Đại học Quốc gia Singapore (NTU)
Quá trình đào tạo:
+ 8/2001 - 11/2004: Tiến sĩ, Dầu khí, Đại học Heriot-Watt, Vương quốc Anh, ngày cấp bằng 11/2004.
+ 8/1997 - 8/1998: Thạc sĩ, Dầu khí, Đại học Tổng hợp Brunei, Brunei Darussalam, ngày cấp bằng 8/1998.
+ 8/1988 - 6/1995: Kỹ sư, Địa vật lý, Đại học Thăm dò Địa chất Matxcơva, CHLB Nga, ngày cấp bằng 6/1995.
+ 1985 - 1988: Học sinh chuyên hoá Trường Hà Nội - Amsterdam.
+ 1982 - 1985: Học sinh chuyên Toán THCS Trưng Vương, Hà Nội.
+ 1977 - 1982: Học sinh trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội.
Quá trình công tác:
+ Từ tháng 2.2019: Bí thư Đảng ủy, Đảng bộ Bộ GD-ĐT.
+ Từ tháng 11.2018: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
+ Từ tháng 3.2014 đến tháng 11.2018:: Hiệu trưởng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
+ Từ tháng 1. 2011 đến tháng 3.2014: Phó hiệu trưởng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội.
+ Trước đó là trợ giảng, giảng viên, cán bộ lãnh đạo (phó trưởng khoa) Khoa Dầu khí, Trường ĐH Mỏ - Địa chất. Được bổ nhiệm PGS năm 2010.
Thành tựu chuyên môn:
+ Hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
+ Hướng dẫn 17 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ.
+ Phó chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước.
+ Tham gia 6 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, trong đó chủ nhiệm 1 đề tài.
+ Có 25 bài báo khoa học đăng tạp chí khoa học, khoa học Kỹ thuật.
Quý Hiên (Tổng hợp)
NGND Lê Hải Châu - Người thầy đồng hành cùng Olympic Toán Việt Nam
Dấu ấn lớn nhất của NGND Lê Hải Châu chính là sự đóng góp trong lịch sử hơn 40 năm của Olympic Toán quốc tế Việt Nam.